Kinh tế

Bài 2: Khi nhà thầu thiếu năng lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khách quan nhìn nhận, thời gian qua, một số dự án giao thông có quy mô lớn được giao cho những nhà thầu không đủ năng lực. Trước khi Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng được ban hành (trong đó có quy định đưa thông tin cụ thể của nhà thầu lên mạng) thì các nhà thầu tự do kinh doanh, tự do đăng ký hành nghề, rất khó thẩm định năng lực. Chỉ cần bỏ thầu giá rẻ là trúng thầu. Cuối cùng “sản phẩm” làm ra không đáp ứng được yêu cầu.

Công trình cầu Công viên Văn hóa các dân tộc tỉnh đang dang dở. Ảnh: H.D

Pháp luật không quy định bắt buộc nhà thầu phải đăng ký năng lực thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, do đó việc kiểm soát năng lực nhà thầu là rất khó. Các nhà thầu khi trúng thầu đều cam kết sẽ thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra và chỉ bộc lộ yếu kém khi dự án không hoàn thành đúng tiến độ.

Theo báo cáo của Sở Giao thông-Vận tải, tỉnh lộ 663 chậm tiến độ là do công trình không được bố trí vốn liên tục (các năm 2010, 2011 không được bố trí vốn) làm ảnh hưởng đến kế hoạch thi công, phải giãn tiến độ để không gây nợ đọng. Thêm nữa, dự toán lập năm 2009 đến nay chưa được điều chỉnh giá. Năm 2013, công trình được bố trí đủ vốn để hoàn thành nhưng trong tình hình khó khăn chung, các doanh nghiệp xây dựng giao thông chưa tập trung được nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, trong đó có Công ty TNHH Hoàng Nhi.

Tuy nhiên qua giám sát cho thấy, tỉnh lộ 663 là tuyến giao thông huyết mạch nên ngay từ đầu, tỉnh đã chủ động nguồn vốn cho nhà thầu thi công công trình. Có điều năng lực của nhà thầu kém, không chịu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dẫn đến công trình bị chậm, buộc phải cắt vốn, đồng thời gia hạn nhiều lần. Mặc dù được UBND tỉnh gia hạn về thời gian và bố trí vốn kế hoạch năm 2013 là 14,5 tỷ đồng nhưng nhà thầu vẫn không khẩn trương thi công và tiếp tục yêu cầu được điều chỉnh giá.

Công trình cầu bắc qua sông Ba được xây dựng nối liền trung tâm huyện Ia Pa với các xã phía Đông gồm: Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố và Ia Kdăm... Tổng mức đầu tư gần 58,2 tỷ đồng từ nguồn vốn JICA và vốn đối ứng. Công trình khởi công tháng 3-2011, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 10-2012 và đã được UBND tỉnh gia hạn tiến độ đến ngày 31-12-2013.

Đến nay, nhà thầu thi công-Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510 đã được giải ngân 35.726,039 triệu đồng, khối lượng thực hiện ước tính 65% so với giá trị hợp đồng. Nguyên nhân công trình chậm tiến độ là do quá trình thi công, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về công tác khoan cọc nhồi do tầng địa chất phức tạp. Theo thiết kế trước đây, việc đóng cọc nhồi chỉ mất 2 ngày/cọc nhưng khi đi vào thực tế, phải mất từ 16 đến 18 ngày mới khoan xong một cọc.

Theo ông Nguyễn Văn Hán-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510 thì: “Công trình đã thi công xong cống thoát nước, đúc xong 36/36 dầm; thực hiện được 60/62 cọc khoan nhồi; lao dầm được 2 nhịp; hoàn thành 2/9 nhịp bản mặt cầu, khối lượng ước tính 63%. Chắc chắn công trình sẽ hoàn thành trước tháng 12-2013”.

Tuy vậy, không thể không đặt ra câu hỏi về năng lực thực sự của đơn vị này khi là một đơn vị chuyên thi công các công trình cầu, đường lại không thể lường được những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình thi công, dẫn đến lúng túng trong xử lý, khiến công trình chậm tiến độ.


Tình hình cũng chẳng khá hơn đối với công trình cầu Công viên Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai. Theo đánh giá của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, công trình bị ỳ ạch là do công tác huy động ban đầu của nhà thầu chậm trễ, nhân lực, máy móc không đảm bảo yêu cầu. Hiện tại, vướng mắc lớn nhất là hạng mục thanh văng cường độ cao. Thanh văng cường độ cao là loại vật liệu đặc chủng, không sản xuất đại trà.

Trong quá trình thi công, nhà thầu đã tìm kiếm và tham khảo thị trường loại vật liệu này và được các nhà sản xuất trả lời đã ngưng sản xuất, buộc phải đặt hàng từ nước ngoài rồi vận chuyển về Việt Nam. Ngoài ra, việc chậm tiến độ khiến giá thành vật liệu, chi phí nhân công so với thời điểm bắt đầu triển khai dự án thay đổi và chênh lệch rất lớn. Sở Giao thông-Vận tải phải đề nghị UBND tỉnh cho phép điều chỉnh giá với tổng mức đầu tư công trình là trên 37 tỷ đồng.

Lý do tăng là do bù giá nhân công, mức lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng (theo Nghị định 108/2010/NĐ-CP của Chính phủ), rồi tăng lên 1.400.000 đồng (theo Nghị định 70/2011/NĐ-CP); bù chi phí vật liệu theo Thông tư 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng; bù chi phí thanh văng do vật liệu này được đặt mua ở nước ngoài, được tính bằng USD (tại thời điểm mua).

Nghị định 15 của Chính phủ bắt buộc các nhà thầu phải đăng ký thông tin minh bạch để kiểm soát thông tin năng lực. Nếu nhà thầu nào không đăng ký sẽ không cho tham gia bỏ thầu. Hy vọng đây sẽ là một cuộc thanh lọc, nhanh chóng loại bỏ những nhà thầu kém năng lực để mỗi dự án đưa vào triển khai sẽ không chịu cảnh ì ạch chỉ vì nhìn nhầm nhà thầu.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm