Kinh tế

Bài 2: Khó khăn từ nhiều phía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gia Lai đã quy hoạch các dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy khoảng 500 MW. Cùng với những lợi ích, nhiều khó khăn, thử thách trong phát triển kinh tế- xã hội đặt ra từ các dự án thủy điện này.
Nhà đầu tư gặp khó
Nhiều nhà đầu tư khi đến Gia Lai cho rằng, thủ tục triển khai dự án thủy điện khá phức tạp, việc phê duyệt tiến hành trong thời gian khá dài. Gần đây, việc các ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng, tăng lãi suất cũng gây khó khăn trong đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, bởi xây dựng thủy điện cần một nguồn vốn khá lớn, trung bình 25 tỉ đồng/MW.
Công trình thủy điện Sê San 4.
Hiện nay, giá các nguyên vật liệu, nhân công đều có xu hướng tăng nhưng giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không hề tăng theo. Ngoài ra, EVN cho đến thời điểm này cũng chưa đầu tư xây dựng các đường dây và trạm biến áp 110 KV phục vụ cho việc đấu nối các công trình thủy điện theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chính điều này làm cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ khó có điều kiện thuận lợi để phát triển, chi phí đầu tư xây dựng quá nhiều.
Một thực tế khác là những vụ xâm hại rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn khiến lưu lượng nước giảm, các vụ lũ lụt ngày càng dữ dội hơn trước. Bên cạnh đó, hiện tượng sạt lở làm bồi lắng lòng hồ gây khó khăn trong việc vận hành các hồ chứa. Ngoài ra, quá trình xây dựng công trình thủy điện cũng làm mất đất sản xuất vùng trũng. Trong khi việc tái định cư cho dân còn nhiều bất cập.
Những khó khăn chủ quan, khách quan đang là lực cản đối với việc phát triển các nhà máy thủy điện. Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ có hai tổ máy với tổng công suất 220 MW. Trung tuần tháng 4 năm nay, nhà máy chỉ vận hành 1 tổ máy với công suất chưa đến 50%. Còn chức năng điều tiết lũ hay chống khô hạn cho vùng hạ lưu vẫn còn là câu hỏi bởi nhà máy tích nước thì mùa lũ vùng thượng lưu bị ngập, nhưng nếu xả với lưu lượng lớn sẽ gây lũ lụt vùng hạ lưu. Trong cơn lũ lịch sử hồi tháng 11-2009, có lúc nhà máy xả đến 14.000 m3/giây đã gây ngập lụt dữ dội. Và dù nhà máy này đã hoàn thành, đi vào vận hành nhưng đến nay công tác tái định cư vẫn chưa hoàn tất.
Môi trường trước nguy cơ bị xâm hại
Trên địa bàn Gia Lai hiện có 28 dự án thủy điện đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhiều dự án chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhiều chủ đầu tư khi triển khai dự án hoặc khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động vẫn chưa tiến hành trồng rừng như trong phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có một ít nhà máy tiến hành trồng cây xanh như: Thủy điện Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A…
Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh đã tạm giao, cho thuê đất xây dựng 19 dự án thủy điện trên địa bàn 8 huyện với trên 2.200 ha. Trong đợt giám sát gần đây của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, hầu hết báo cáo của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chịu sự giám sát, không có đầy đủ số liệu về diện tích rừng bị mất và việc khôi phục lại diện tích này khi thực hiện dự án. Huyện Kbang, nơi chiếm gần 1/4 diện tích rừng bị thu hồi (trên 468 ha) đã có yêu cầu chủ đầu tư phải có dự án trồng lại rừng.
Trên địa bàn 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện có 393 dự án thủy điện. Trong đó, 52 dự án đã phát điện, 74 dự án đang thi công xây dựng, 226 dự án đang nghiên cứu đầu tư và 12 dự án, vị trí tiềm năng. Chất lượng thiết kế và thi công nhiều dự án nhỏ trong 26 dự án được kiểm tra thực địa chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguồn: Báo cáo của Bộ Công thương
Việc phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải tỏa “cơn khát” thiếu điện hiện nay. Nhưng hàng ngàn người dân cũng phải dời đi nơi khác khi xây dựng các nhà máy thủy điện. Việc tái định cư cũng tồn tại nhiều vấn đề. Báo cáo của đoàn giám sát (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh nói rõ: “Một số khu tái định cư đã xây dựng nhà ở cho nhân dân bên sườn dốc núi, rất nguy hiểm trong mùa mưa (huyện Kbang); hầu hết các khu tái định cư không có đất dự phòng, sát với rừng, dân bị mất đất sản xuất nhưng chưa được học nghề, chuyển đổi việc làm để ổn định cuộc sống lâu dài. Hiện nhiều người dân tách hộ nhưng không có đất làm nhà (huyện Kbang, Krông Pa)...”.
Xung quanh việc phát triển các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự, quả quyết: “Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ cùng với các chủ đầu tư tập trung khắc phục những thiếu sót, tồn tại. Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các sở ngành liên quan chú trọng nhiều mặt về công tác này trong thời gian tới. Chúng ta phải làm sao kêu gọi được đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhưng cũng phải bảo vệ môi trường, giữ vững cân bằng sinh thái…”.
Trần Dũng

Có thể bạn quan tâm