Kinh tế

Bài 2: Kiên quyết xử lý hàng giả và gian lận thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịp Tết nhu cầu về hàng hóa thường tăng mạnh (dự báo tăng khoảng 40% so với ngày thường). Đây cũng là dịp “béo bở” để một số đối tượng xấu lợi dụng trà trộn buôn bán các mặt hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng nhái, nâng giá “cắt cổ” người tiêu dùng trong những ngày giáp Tết.

Để bình ổn thị trường, hạn chế tối đa thiệt hại cho người tiêu dùng, các lực lượng chức năng, đặc biệt là thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại (127) tỉnh đã nhanh chóng có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
 

Đoàn công tác Ban chỉ đạo 127 Trung ương kiểm tra mặt hàng rượu ngoại. Ảnh: L.L

Có mặt cùng đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo 127 Trung ương kiểm tra về việc niêm yết giá tại Trung tâm thương mại Pleiku, hầu hết các gian hàng đều không thực hiện đúng quy định về niêm yết giá, đặc biệt là hàng quần áo, tạp hóa, gạo, đậu… Trên quầy không có một mặt hàng nào được niêm yết. Chị Nguyễn Thị Thanh- chủ một ki ốt quần áo phân trần: Cũng nghe nói việc niêm yết giá nhưng thấy ở chợ chẳng ai làm nên mình cũng không làm, nếu mọi người đều niêm yết thì mình cũng sẽ thực hiện.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hạnh- tiểu thương kinh doanh gạo, đậu lại cho rằng việc buôn bán trước giờ đã quen như vậy, dựng bảng niêm yết giá vừa phiền phức, rườm rà mà hay đổ (do cắm trên bao đậu, gạo). Hơn nữa các mặt hàng bán cứ lên xuống hàng ngày nên làm bảng giá rất mất công.

Trước phản ứng của bà con tiểu thương, ông Nguyễn Hữu Sia- Phó trưởng Cơ quan đại diện miền Trung (Cục Quản lý thị trường) nhẹ nhàng nhắc nhở: “Việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết là hành vi văn minh thương mại. Điều này vừa có lợi cho bà con tiểu thương đó là tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các quầy hàng, vừa có lợi cho người tiêu dùng được mua đúng giá. Hơn nữa việc không niêm yết giá bán là vi phạm pháp luật, vì thế bà con cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Đây cũng là cách để xây dựng thương hiệu, uy tín cho các sản phẩm đặc sản của Gia Lai như: măng, tiêu, cà phê… đối với du khách khi ghé mua”. Sau khi nghe giải thích, hầu hết các tiểu thương đều đồng tình và hứa sẽ triển khai việc niêm yết giá trong thời gian tới.

Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh rượu ngoại trên địa bàn, rất nhiều chai rượu trị giá hàng triệu đồng bị phát hiện là hàng lậu, hàng giả, đoàn đã khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi mua các sản phẩm rượu ngoại, cần kiểm tra kỹ tem (loại tem đúng khi bóc ra sẽ bị vỡ, không còn nguyên vẹn), đồng thời cần kiểm tra số sơri trên nắp chai có trùng khớp với số sơri dưới đáy chai hay không…

Năm 2012, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Theo tổng kết của Ban chỉ đạo 127 tỉnh, tổng số vụ kiểm tra xử lý là 9.168 vụ, trong đó 2.611 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt, bán hàng hóa tịch thu và truy thu thuế là 37,423 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm luật An toàn thực phẩm luôn là vấn đề khiến cơ quan chức năng “đau đầu” nhất là trong dịp Tết, nhu cầu ăn uống, sinh hoạt tăng cao.

Trong năm, lực lượng thanh tra Sở Y tế đã xử lý 11 mẫu thuốc, mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Đồng thời, phát hiện 746/2.808 cơ sở kiểm tra vi phạm luật An toàn Thực phẩm (chiếm 26,5%) và xử lý 155/182 cơ sở kiểm tra vi phạm trong hành nghề y dược (chiếm 85,1%). Tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 954,05 triệu đồng. Các lĩnh vực kinh doanh khác như xăng dầu, phân bón, hàng tiêu dùng…, tình trạng vi phạm cũng xảy ra đáng kể. Trong năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh cũng đã kiểm tra và xử lý 3.327 vụ, trong đó có đến 1.731 vụ vi phạm (chiếm 52%), tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là 5,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, rất nhiều vụ vi phạm khác về thuế, văn hóa phẩm… bị các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Cục Thuế tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum phát hiện, bắt giữ và xử lý…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm