TN - Đất & Người

Bài 2: Ký ức của một thời hoa lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ-những người cán bộ, chiến sĩ năm xưa hoạt động trong căn cứ địa cách mạng Krong (huyện Kbang-Gia Lai), nay đã bước sang tuổi 60-70, đôi mắt đã in hằn lên những dấu vết của thời gian. 38 năm sau ngày giải phóng (30-4-1975 - 30-4-2013), tuy mỗi người một nơi, một cuộc sống riêng nhưng ký ức của một thời hoa lửa ngày xưa như vẫn còn hiện hữu trong tâm khảm của họ. Để rồi, mỗi khi tháng 4 tới, biết bao nghĩa tình cách mạng lại ùa về vẹn nguyên trong niềm tự hào, xúc động…

Nơi đứng chân của Tỉnh ủy Gia Lai năm xưa nay đã san sát những mái nhà sàn. Ảnh: Trần Dung
Nơi đứng chân của Tỉnh ủy Gia Lai năm xưa nay đã san sát những mái nhà sàn. Ảnh: Trần Dung

Những ngày khói lửa…

Những ngày giữa tháng 4-2013, trong cái nắng bỏng rát của vùng đất Krong anh hùng, sau 38 năm, cô Võ Thị Chánh (66 tuổi-xã Trà Đa-TP. Pleiku) được trở lại thăm vùng căn cứ năm xưa cô từng hoạt động. Không giấu nổi niềm xúc động trước sự đổi thay của vùng đất nghèo khó Krong, cô Chánh bùi ngùi kể lại những tháng ngày bom đạn. Krong như cái “nôi” cách mạng, đã nuôi dưỡng lý tưởng người chiến sĩ cộng sản trong cô và biết bao đồng đội.

Từ giữa đến cuối năm 1969, mật độ các cuộc càn quét của địch tăng lên, cơ quan tỉnh buộc phải chuyển về Hơ Nơng, lánh lên làng Kon Kring (xã Đak Pne). Địch rải chất độc tràn lan nhằm phá hoại hoa màu, gây mất mùa, đói khổ để kéo dân về vùng địch. Trước tình hình đó, cán bộ tỉnh cùng nhân dân Krong ra sức khắc phục khó khăn, vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

 

Cô Võ Thị Chánh và cô Đới Thị Thanh Trúc xúc động kể về những ngày tháng bom đạn. Ảnh: Trần Dung
Cô Võ Thị Chánh và cô Đới Thị Thanh Trúc xúc động kể về những ngày tháng bom đạn. Ảnh: Trần Dung

Năm ấy, cô Chánh (lúc bấy giờ là Hiệu phó Trường Nội trú) vừa tròn 20 tuổi. Cô được điều động đi phục vụ phía trước (tại An Khê) với nhiệm vụ móc nối với cơ sở ngoài vùng địch. Trong một trận càn quét lớn, lúc đi đưa cơm cho đồng đội, cô bị lọt vào vòng địch. Rất may mắn là cô được du kích làng dẫn ra từ đường rừng. Đến bây giờ, cô vẫn nhớ như in: “Sau một đêm băng rừng ra khỏi vòng vây của địch, tới được làng của người Bahnar, trên người tôi không còn mảnh vải che thân, quần áo rách tươm, tơi tả. Lúc ấy không còn thấy ngại ngùng gì nữa, chỉ hạnh phúc vì mình vẫn sống, vẫn còn được trở về tiếp tục làm cách mạng”.

Cũng trải qua những năm tháng ác liệt nhất của thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cô Đới Thị Thanh Trúc (60 tuổi-nguyên là Phó Trưởng ban Thường trực-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) rưng rưng ngấn lệ khi về lại vùng căn cứ cách mạng Krong. Ngày bước vào tuổi 17, từ Bình Định lên căn cứ, cô giao liên nhỏ nhắn ấy được nhận nhiệm vụ văn thư, thuộc Ban Tuyên Văn giáo (nay là Ban Tuyên giáo). Những trận sốt rét rừng, những khó khăn, thiếu thốn không làm lung lay ý chí cách mạng của cô gái đồng bằng yêu nước. Cô kể lại: “Vào năm 1971, sau khi nhận nhiệm vụ, một mình tôi từ cơ quan băng rừng lội suối để về tiền phương. Hơn 2 ngày ròng, một mình giữa rừng, ngày thì đi, đêm tự mắc võng ngủ. Vậy nhưng hồi đó không biết sợ là gì cả, chỉ nghĩ rằng mình phải hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

 

Ông Nguyễn Văn Bồng đi thăm lại khu vực trước kia là nhà in của Tỉnh ủy. Ảnh: Trần Dung
Ông Nguyễn Văn Bồng đi thăm lại khu vực trước kia là nhà in của Tỉnh ủy. Ảnh: Trần Dung

“Vì tình hình chiến sự, năm 1972-1973, Tỉnh ủy và cơ quan Tuyên huấn chuyển về đóng tại Đak Kpưng (xã Krong). Cơ quan Phụ nữ, Thanh niên đóng ở làng Tehgôh. Cơ quan Tỉnh đội, Tuyên huấn, Mậu dịch, Giao bưu đóng tại các địa điểm dọc hai bên bờ sông Ba. Mỗi lần chuyển cơ sở, chúng tôi chỉ mang theo máy đánh chữ, giấy tờ, tài liệu và vật dụng cá nhân. Khi tới địa điểm mới, mọi người cùng nhau bắt tay vào xây dựng lại cơ quan. Đàn ông con trai thì đắp nền, dựng cột. Đàn bà, con gái thì cắt tranh, chẻ lạt… Tất cả cùng chung sức chung lòng vì cách mạng”- Cô Trúc như sống lại trong thời khắc lịch sử ấy.
 
Và mối tình hơn 40 năm

Đến hôm nay, khi đã gần tuổi 80, gương mặt ông Nguyễn Văn Bồng vẫn đỏ ửng mỗi khi nhắc về mối tình “đơm hoa” từ trong lửa đạn nơi vùng căn cứ Krong. “Hình ảnh người con gái có mái tóc đen dài, nhỏ nhắn nhưng rất kiên cường, nhanh nhẹn đã làm tôi rung động và đem lòng yêu thương. Mối tình ấy cũng là động lực lớn lao cho tôi toàn tâm phục vụ cách mạng”- ông Bồng chia sẻ.

Ông từng là Trưởng bộ phận Li-tô (in tài liệu báo chí) cho cơ quan Tỉnh ủy.  Và cô gái ông đem lòng yêu thương chính là cô Hiệu phó Trường Nội trú-Võ Thị Chánh. Tình yêu của họ bắt nguồn từ những lần họp mặt cơ quan, chính sự đồng cảm và chân chất của những người con cách mạng đã giúp họ kết thành đôi lứa. Giữa những tháng ngày chiến tranh ác liệt nhất, họ vẫn tin tưởng vào tình yêu của nhau. Có những tháng ròng không gặp, bặt tin nhau giữa muôn vàn súng đạn khi cô xuống cơ sở làm nhiệm vụ móc nối với dân ngoài vùng địch. Những tháng ngày ấy, họ vẫn chờ đợi và không ngừng yêu thương.

 

Hai vợ chồng ông Bồng trở lại địa điểm họ tổ chức lễ cưới vào năm 1974. Ảnh: Trần Dung
Hai vợ chồng ông Bồng trở lại địa điểm họ tổ chức lễ cưới vào năm 1974. Ảnh: Trần Dung

Tìm lại gốc cây dừa của làng Tăng Lăng (xã Krong), cô Chánh ngại ngùng: “Chỗ này chính là nơi ngày xưa chúng tôi được anh em trong cơ quan Tỉnh ủy đứng ra tổ chức đám cưới (vào năm 1974). Những hình ảnh thiêng liêng nhất cuộc đời được vợ chồng tôi cất giữ ở đây”. Ngày cưới, chú trong bộ quân phục màu xám chỉn chu, còn cô thì rạng ngời với áo bà ba màu chuối non. Đám cưới giản dị lắm, chỉ là vài ba bàn nước, một ít thực phẩm của dân làng, một vài nhánh hoa cúc quỳ cắm trong chiếc lon nhựa, vậy nhưng ấm cúng lắm khi được sự tác hợp của đồng đội. Hai chữ BC (Bồng-Chánh) được lồng ghép vào nhau như ước muốn chẳng chia rời. Thế nhưng, vì nhiệm vụ cách mạng, sau ngày cưới, hai vợ chồng lại phải xa nhau biền biệt.
 

Hơn 40 năm cùng nhau vun vén yêu thương, nay vợ chồng ông Bồng được sum vầy bên con cháu. Ảnh: Trần Dung.
Hơn 40 năm cùng nhau vun vén yêu thương, nay vợ chồng ông Bồng được sum vầy bên con cháu. Ảnh: Trần Dung.

Rồi tới ngày Pleiku hoàn toàn giải phóng, ông Bồng được điều về khu vực xã Biển Hồ (TP. Pleiku) vận động nhân dân ổn định cuộc sống. Ngày vợ sinh con gái đầu lòng, ông không hề hay biết. “Những ngày đất nước giải phóng, vợ chồng tôi mất liên lạc với nhau. Khi tôi nằm viện vì sốt rét thì lúc đó mới vô tình gặp lại vợ trong Khoa Sản của Bệnh viện tỉnh. Tôi hạnh phúc lắm khi tìm lại được gia đình của mình. Niềm vui như được nhân đôi vì con tôi được sinh ra trong những ngày đất nước giải phóng”- Ông Bồng vui vẻ kể. Giờ đây, sau 40 năm cùng nhau vun vén yêu thương, vợ chồng ông được vui vầy hạnh phúc bên con cháu.

Chiến tranh đã đi qua, có người phải âm thầm nằm lại vùng căn cứ, có người may mắn được trở về sống và tiếp tục cống hiến cho quê hương. Tất cả họ đều là những người chiến sĩ anh dũng của vùng đất cách mạng thiêng liêng năm xưa.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm