Kinh tế

Bài 2: Người tiêu dùng thiệt đơn thiệt kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gắn mác hàng Việt để bán hàng ngoại “dởm”, nếu không mang lại một nguồn lãi khổng lồ, cạnh tranh hơn so với bán hàng Việt Nam thật 100% thì chắc chắn không dễ gì các bà, các chị bán hàng lại lựa chọn. Tuy nhiên, đối nghịch với lợi nhuận thu được của một số người thì không ai ngoài chính người dân và các nhà sản xuất trong nước lại phải chìa lưng chịu thiệt.

“Trăm dâu đổ đầu… người tiêu dùng”

“Nếu đem so sánh giữa mức giá của hàng ngoại “dởm” được đeo mác hàng Việt với giá của hàng Việt thật thì mức giá của nó không chênh lệch là bao, thậm chí còn rẻ hơn”- chủ một cửa hàng bán quần áo may mặc khá lớn trên đường Cách mạng tháng Tám (TP. Pleiku), cho biết.

Với một mức giá như vậy, cộng với khả năng nhái hàng siêu đẳng của một nước vốn được mệnh danh là “siêu nhái” như Trung Quốc để có thể sản xuất ra những mẫu mã đẹp, hợp thời thượng, lại được bảo đảm dưới một cái mác của hàng Việt Nam thì chắc chắn người tiêu dùng Việt khó lòng tránh khỏi “lưới” của hàng ngoại “dởm”.

 

Chiếc váy với logo bên trên là sản phảm của hàng Việt... Ảnh: Lê Hòa

Chị Đinh Thị Hoàng Hà (Đức Cơ-Gia Lai), cho biết: “Tết vừa rồi, tôi có lên Pleiku mua đồ. Thấy quanh Trung tâm Thương mại bày bán la liệt quần áo giá rẻ, đẹp nên sà vào mua luôn cho cháu. Lúc mua thấy quần áo in mác chữ Việt Nam nên yên tâm lắm, giá lại rẻ thì càng mừng. Ai dè, về nhà, cái áo khoác mua gần hai trăm cho đứa con trai, nó xem và bảo không phải hàng Việt Nam, có mác in chữ Trung Quốc tôi mới té ngửa. Từ đó, thôi thì đắt một chút, tôi chỉ vào mua ở siêu thị cho ăn chắc”.

Giữa bộn hàng hóa, kinh nghiệm chọn hàng của người dân không phải ai cũng đều có thể phân biệt, chỉ đặt niềm tin vào nhãn mác thì bị “treo đầu dê, bán thịt chó” là chuyện tất nhiên. Tâm trạng chung của những người lỡ mua phải hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam mới thật khó chịu hết mức. “Rõ ràng là bị lừa, mà lừa kiểu này thấy tức lắm!”- Chị Hà tâm sự.

Cách đây ít lâu, báo chí đã lên tiếng cảnh báo về việc mặc quần áo Trung Quốc (chủ yếu là hàng Trung Quốc kém chất lượng, được sản xuất gia công) có nguy cơ dẫn đến ung thư, từ đó, một phong trào tẩy chay quần áo trong những người tiêu dùng Việt được dấy lên. Tuy nhiên, vẫn có không ít người tiêu dùng- phần vì điều kiện kinh tế khó khăn, hạn chế về mặt tiếp xúc thông tin báo chí nên vẫn chưa biết- lựa chọn. Không chỉ đối mặt với những nguy cơ độc hại, khi được “đội lốt” hàng Việt Nam, hàng ngoại “dởm” này lại còn có thêm lý do để người bán hàng tăng giá.

 

… nhưng bên dưới là một logo khác với toàn chữ… Trung Quốc. Ảnh: Lê Hòa

Vậy là, vô hình chung, người tiêu dùng lại chịu thiệt đủ đường khi vừa phải bỏ thêm tiền mua loại hàng vốn bị chính mình tẩy chay lại phải mua với giá đắt hơn mức giá vốn có. Chẳng khác gì, bỏ thêm tiền mua sự nguy hiểm cho chính mình và những người thân.

Người tiêu dùng thiệt thòi là lẽ đương nhiên khi mua phải loại hàng “dởm” này. Tuy nhiên, song song với thiệt thòi của người tiêu dùng chính là thiệt thòi lớn của nhà sản xuất Việt. Phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động vừa tạo được những chuyển biến trên thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt vừa được “cứu nguy” ngay trên chính thị trường sân nhà chưa bao lâu đã bị chính người Việt mình “chơi lại” khi tiêu thị hàng Trung Quốc bằng cách gắn mác hàng Việt Nam.

Ngành chức năng cần vào cuộc

Đem vấn đề hàng ngoại dởm “đội lốt” hàng Việt Nam để chiếm lòng tin người tiêu dùng trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Mai- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai, ông Mai cho biết: Đến bây giờ ông mới được nghe đến vấn đề này và sẽ sớm cho lực lượng kiểm tra, rà soát lại tình hình thực tế để có hướng xử lý kịp thời.

Ông Mai cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu quả thực trên thị trường Gia Lai có hiện tượng hàng ngoại “dởm” đội lốt hàng Việt Nam thật thì để xử lý tình trạng này rất khó khăn. Thứ nhất, người bán hàng sẽ chẳng dại gì thừa nhận với cơ quan chức năng việc này, trong khi, lực lượng quản lý thị trường có những ai hầu như họ đều biết mặt, rất khó để xâm nhập, tìm hiểu. Thứ hai, lực lượng quản lý thị trường vẫn còn rất mỏng để có thể kiểm tra, xử lý và bao quát hết mọi thứ, trong khi, nếu có làm những thủ thuật để biến hàng ngoại “dởm” thành hàng Việt Nam thì họ sẽ lén lút, rất khó để bắt được quả tang; còn nếu xác định được rõ ràng thì cũng chỉ xử họ với tội danh làm hàng nhái (khi sử dụng tên, hãng sản xuất đã có đăng ký rõ ràng gắn lên sản phẩm) hoặc hàng không rõ nguồn gốc (nếu không có nhãn mác)… Khi xử lý trường hợp làm hàng nhái lại cần phải có sự hợp tác của đơn vị bị nhái sản phẩm.

Song song với đó, việc truy nguồn gốc để xác định cụ thể chính xác là hàng Trung Quốc cũng …“rất dài và rất xa”. “Quan trọng nhất là khâu kiểm định, nhập nguồn hàng từ đầu vào của lực lượng chức năng tại các nơi có cửa khẩu, chứ hàng nhập vào nội địa rồi sẽ có rất nhiều cách để họ hợp lý, hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa. Lúc đó đâu còn sai mà xử? Chưa kể mỗi lần đi kiểm định nếu có vấn đề lại rất tốn kém”- Ông Mai chia sẻ.

Ông Mai cũng khẳng định, lượng hàng hóa Trung Quốc còn lưu hành trên thị trường Gia Lai là rất lớn, chủ yếu là hàng may mặc. “Đất” sống màu mỡ của những loại hàng này chủ yếu là tại thị trường vùng sâu, vùng xa- nơi điều kiện kinh tế- xã hội của người dân còn nhiều khó khăn. “Giá cả rẻ, phù hợp với đối tượng người tiêu dùng có thu nhập thấp và nhu cầu sử dụng cũng không đòi hỏi cao chính là lý do khiến hàng Trung Quốc vẫn còn hoạt động mạnh ở những vùng này”- Ông Mai lý giải.


Còn đối với hàng Trung Quốc khi đã được “hô biến” thành hàng Việt Nam thì chắc chắn, không chỉ có những người tiêu dùng chưa có điều kiện kinh tế, người tiêu dùng vùng sâu vùng xa mới phải tiếp cận với loại hàng này mà sẽ có rất nhiều người có điều kiện, ở ngay chính khu vực thành phố cũng khó lòng tránh “lưới”. Lâu dần, đây có thể chính là lý do khiến hàng Việt Nam, hàng Trung Quốc dần khó lòng tìm được ranh giới thật. Và dĩ nhiên, niềm tin của người tiêu dùng về đâu là thật, đâu là giả sẽ khiến họ mệt mỏi và bao công sức của chúng ta trong việc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ bị lãng phí rất nhiều.

Rõ ràng, nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất Việt, rất cần sự vào cuộc thấu đáo, quyết liệt của ngành chức năng. Song song với đó, hơn ai hết, mỗi người kinh doanh cũng cần nâng cao ý thức và đạo đức trong kinh doanh hơn nữa để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh doanh của cá nhân với lợi ích của cộng đồng và lớn hơn là của đất nước.

Lê Hòa
 

Có thể bạn quan tâm