(GLO)- Chất lượng hàng kém, ít được thị trường ưa chuộng là những nguyên nhân chính khiến một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Gia Lai hoạt động cầm chừng hoặc “đắp chiếu”.
Ảnh: Lê Lan |
Theo số liệu của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 13 đơn vị được chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm vật liệu xây dựng, gồm 9 đơn vị sản xuất đá ốp lát, 2 đơn vị sản xuất xi măng, 1 đơn vị sản xuất gạch ốp lát và 1 đơn vị sản xuất ống nhựa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết sản phẩm sản xuất tại địa phương ít được thị trường ưa chuộng. Theo số liệu báo cáo của Sở Công thương, sản lượng vật liệu xây dựng (VLXD) sản xuất trên địa bàn những năm gần đây giảm đáng kể, đặc biệt là sản lượng xi măng chỉ đạt khoảng 30% công suất so với trước đây. Cụ thể: sản lượng xi măng (gồm 2 Nhà máy Xi măng Gia Lai và Nhà máy Xi măng Ia Ly) năm 2012 đạt 46.814 tấn, năm 2013 đạt 35.000 tấn (giảm 26% so với năm 2012), kế hoạch năm 2014 là 60.000 tấn nhưng trong quý I-2014 chỉ mới sản xuất được 6.130 tấn, đạt 10,2% kế hoạch năm. Tương tự, sản lượng gạch nung năm 2012 chỉ đạt 145 triệu viên, năm 2013 đạt 164 triệu viên, kế hoạch năm 2014 là 181 triệu viên, tuy nhiên trong quý I-2014 cũng chỉ mới sản xuất được 40 triệu viên... Đây là những con số khá khiêm tốn so với số lượng lớn xi măng của các nhãn hiệu Nghi Sơn, Vissai, Hà Tiên hay lượng gạch Bình Định, Kon Tum được tiêu thụ trên địa bàn.
Để tìm hiểu vấn đề trên, chúng tôi đã có mặt tại Nhà máy Xi măng Gia Lai vào một ngày cuối tháng 4-2014. Mặc dù đang là mùa cao điểm xây dựng nhưng không khí làm việc tại nhà máy kém phần nhộn nhịp. Tại khu đóng gói thành phẩm chỉ có một băng chuyền hoạt động, nhóm công nhân chỉ vài người vừa vận chuyển vừa bốc xếp, ngoài sân dăm chiếc xe tải nằm xếp hàng… Ông Nguyễn Văn Sang-đại diện Nhà máy Xi măng Gia Lai cho biết: “Bình quân mỗi tháng nhà máy sản xuất được khoảng 2.000 tấn, hy vọng sản lượng những tháng tiếp theo cao hơn vì đây đang là mùa xây dựng”. Theo ông Sang thì con số 2.000 tấn cũng đã khá hơn so với năm 2013 (chỉ hơn 1.000 tấn/tháng). Tuy nhiên, nếu đem nhân với 12 tháng thì thực tế sản lượng của nhà máy một năm chỉ đạt khoảng 24.000 tấn và nhân với giá bán 1.500.000 đồng/tấn thì tổng doanh thu một năm của cả nhà máy chỉ đạt khoảng 36 tỷ đồng, doanh thu quá nhỏ so với quy mô một nhà máy sản xuất xi măng. Song, vẫn khá hơn so với Nhà máy Xi măng Ia Ly. Hiện Nhà máy Xi măng Ia Ly chỉ hoạt động theo kiểu mùa vụ, khi nào có đơn hàng mới sản xuất, còn không thì “đắp chiếu”.
Tương tự, không khí làm việc tại Nhà máy Cán thép Năm Hoa (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) cũng ảm đạm không kém. Bà Nguyễn Thị Hoa-đại diện Nhà máy cho biết: Tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, sản lượng ngày càng giảm. Nếu năm 2013 Nhà máy sản xuất khoảng 300 tấn thì với tình hình này năm 2014 chắc chỉ còn một nửa (khoảng 150 tấn) trong khi năng lực của nhà máy có thể sản xuất 500-600 tấn mỗi năm. Nguyên nhân là do sức mua của thị trường giảm trong khi sức cạnh tranh lại cao, cước vận chuyển tăng…
Ảnh: Đức Thụy |
Tại một số cơ sở kinh doanh VLXD trên địa bàn TP. Pleiku, tuy hàng hóa trưng bày khá đa dạng nhưng rất ít khi bắt gặp các sản phẩm sản xuất tại Gia Lai. Theo các cơ sở kinh doanh VLXD trên địa bàn thì khách hàng rất ít khi mua xi măng, gạch hay sắt địa phương sản xuất vì chất lượng kém, mác xi măng thấp hoặc tiêu chuẩn sắt không cao (chỉ đạt CT3) mà giá cả lại kém cạnh tranh… Nếu mua vật liệu trên chủ yếu là dùng để làm đường bê tông, xây tường rào hoặc các công trình phụ, công trình nhỏ, lẻ… vì thế cửa hàng rất ít khi nhập hàng, chỉ khi nào khách hàng yêu cầu mới lấy về bán. Nhiều nhà thầu cho rằng xây dựng các vật liệu trên sẽ làm giảm chất lượng công trình.
Ngược lại với tình hình trên, các nhà máy sản xuất đá Granite sản lượng sản xuất tương đối ổn định. Cụ thể: sản lượng năm 2012 đạt 737.500 m2; năm 2013 đạt 818.500 m2 và kế hoạch năm 2014 sẽ tăng lên 1.194.000 m2. Đặc biệt, các nhà máy cán tôn tại Gia Lai hoạt động khá tốt. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình-Giám đốc Nhà máy Cán tôn Phương Mai (đường Ngô Quyền, TP. Pleiku) cho biết: Sản lượng của Nhà máy khá ổn định, bình quân mỗi tháng bán khoảng 10.000 m2, chủ yếu là bán cho TP. Pleiku, các huyện lân cận và tỉnh Kon Tum. Do đặc thù của nhà máy là gia công lại nên việc biến động thị trường ít bị ảnh hưởng, hơn nữa phôi đều nhập từ TP. Hồ Chí Minh nên chất lượng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho khách hàng.
Lê Lan