Kinh tế

Bài 2: Nhà quản lý và bài toán trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình trạng sử dụng và kinh doanh mũ bảo hiểm  kém chất lượng đã giảm, ý thức của người dân cũng dần được nâng cao. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết tận gốc số mũ bảo hiểm không đạt chuẩn vẫn  là một câu hỏi làm đau đầu những nhà quản lý.

Tăng cường công tác quản lý thị trường
 

Ảnh: Lê Lan

Căn cứ báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 8-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, ông Lê Hồng Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường-cho hay: Bám sát nội dung của Chỉ thị 04/CT-TTg cùng Công văn chỉ đạo số 720/UBND-NC ngày 14-3-2013 của UBND tỉnh Gia Lai về nội dung trên, ngày 18-3-2013, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đã ban hành Công văn số 21/CV-QLTT chỉ đạo các Đội Quản lý Thị trường trực thuộc tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm giả, nhập lậu, mũ bảo hiểm không đúng quy định, không đảm bảo chất lượng; đồng thời, xử lý ngay việc bày bán mũ bảo hiểm tràn lan trên các tuyến đường giao thông, hè phố, gây cản trở giao thông và thiếu mỹ quan đô thị.

Theo đó, từ ngày 18-3-2013 đến nay, qua kiểm tra 77 cơ sở kinh doanh (trong đó vắng chủ 4 vụ), lực lượng Quản lý Thị trường đã phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm với tổng số tiền thu phạt hành chính là 19 triệu đồng, tiêu hủy 224 mũ. “Địa bàn tỉnh ta chưa có cơ sở sản xuất, chỉ có cơ sở kinh doanh và đa phần họ đều vi phạm lần đầu, chủ yếu là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định, kinh doanh không niêm yết giá tại cửa hàng và không có tem chứng nhận hợp quy”-ông Hà cho biết thêm.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, các Đội Quản lý Thị trường cũng đã kết hợp lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho 240 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm (dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện) trên địa bàn tỉnh tự giác chấp hành các quy định của pháp luật và ký cam kết không kinh doanh mũ bảo hiểm giả, nhập lậu và mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

Cùng với đó, Đội Quản lý Thị trường số 4 quản lý Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tích cực kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng mũ bảo hiểm nhập lậu, mũ giả, kém chất lượng sản xuất ở nước ngoài nhập vào Việt Nam.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

 

Niêm phong và tạm giữ mũ bảo hiểm không có hóa đơn chứng từ. Ảnh: Lê Lan

Có thể dễ dàng nhận thấy các đợt kiểm tra, xử lý của lực lượng Quản lý Thị trường trên toàn tỉnh đã phần nào lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm; hiện tượng bày bán công khai các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm hay mũ nhựa, mũ thời trang không đảm bảo chất lượng tại các tuyến phố, lòng đường, vỉa hè có giảm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để khi mà người kinh doanh vẫn lén lút bán, còn người tiêu dùng vẫn vô tư mua và sử dụng.

Một bất cập nữa, đó là, dù các ngành chức năng đã đưa ra những tiêu chí để nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn (tức phải có đủ 3 lớp gồm: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong và quai mũ, có dấu hợp quy CR) nhưng trên thực tế điều ấy vẫn còn rất mơ hồ đối với nhiều người. Cũng chính vì vậy mà do vô tình hoặc cố ý, họ đã mua về những chiếc mũ bảo hiểm “dởm”. Xung quanh thực trạng này, ông Hà đã đưa ra một số lời khuyên có tính chất gợi ý phân biệt giữa mũ bảo hiểm đạt chuẩn và không đạt chuẩn cho người tiêu dùng khi họ quan sát bằng mắt thường. Cụ thể: mũ bảo hiểm tốt thường có vỏ ngoài nhẵn, nước sơn mịn, sắc nét, không bị lem màu; lớp xốp dày, nhấn tay vào không bị lún; quai đeo không giãn, nhựa khóa không sần sùi; khi dùng lực để ép, mũ không bị cong và biến dạng; tem, nhãn thẳng, không nhăn nhúm, lem màu… Và tốt nhất, nên mua những chiếc mũ có giá từ 150.000 đồng trở lên.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm