Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Những "chướng ngại" cần vượt qua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh những kết quả đáng mừng đem lại từ thực tiễn, quá trình triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là “chướng ngại” mà lãnh đạo các địa phương lẫn nhà máy cho rằng cần phải vượt qua nếu muốn mô hình này ngày càng được nhân rộng và phát triển.

Tại các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai cùng các sở, ngành liên quan, đại diện các địa phương và nhà máy đã lần lượt bày tỏ những khó khăn khách quan cũng như chủ quan về địa hình, thời tiết, tập quán sản xuất, nhận thức của nông dân, nguồn lực, chính sách hỗ trợ… khi tổ chức thực hiện mô hình cánh đồng lớn.

 

Trong số 4 huyện, thị xã thuộc khu vực phía Đông tỉnh, An Khê là địa phương hiện có diện tích mía theo mô hình cánh đồng lớn ít nhất với 80/3.714 ha mía hiện có. Lý giải cho điều này, Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch cho hay: “Thổ nhưỡng ở An Khê không được bằng phẳng và diện tích đất liền đồng, liền thửa rất ít, chủ yếu là nhỏ lẻ nên khó đưa cơ giới vào trồng, chăm sóc. Hơn nữa, đất đai ở đây được người dân canh tác khá lâu năm, phần lớn đều đã bạc màu, cằn cỗi, kém dinh dưỡng. Bên cạnh đó, lối canh tác truyền thống từ lâu đời đã ăn sâu vào tư tưởng của bà con nên khó có thể làm thay đổi nhận thức của họ trong một sớm một chiều”.

Không chỉ thị xã An Khê, huyện Ia Pa cũng gặp phải khó khăn tương tự. Ngoài trở ngại về diện tích đất canh tác phân bổ rải rác, sở dĩ tiến độ triển khai cánh đồng lớn trên cây mía của Ia Pa khá chậm còn là do đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí thấp. Ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, cho biết: “Người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã có thói quen canh tác cây lúa, mỳ, bắp từ bao đời. Do đó, việc vận động bà con chuyển sang trồng mía đã khó chứ chưa nói đến việc bảo họ dồn điển đổi thửa để thực hiện cánh đồng mía lớn. Mặt khác, đa số đất sản xuất nông nghiệp của người dân đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên họ rất sợ mất đất”.

 

Anh Kpă Thih (làng Plei Pa Ơi Hbriu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa) là một trong số những hộ chưa thoát được nỗi lo lắng trên. “Xưa giờ gia đình mình quen canh tác cây lúa, cây mỳ rồi, có cái ăn quanh năm không sợ đói. Bây giờ mà chuyển sang trồng cây mía thì gạo, mỳ đâu mà ăn. Với lại, đất của mình không liền mảnh, mỗi nơi một ít. Nếu góp đất với người khác để trồng mía cánh đồng lớn thì không biết đường ranh đất đâu nữa, dễ mất đất lắm”- anh Thih trăn trở.

Trong khi đó, lãnh đạo các nhà máy đường thì cho rằng, chính sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác vận động nhân dân ở những năm đầu triển khai đã phần nào làm cho tiến độ thực hiện mô hình bị chậm lại và khó nhân rộng. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như: nông dân trồng nhiều giống mía khác nhau, ở các thời điểm khác nhau trên cùng một vùng mía; một số hộ dân vẫn thụ động trong việc trồng, chăm sóc mía hoặc muốn tận dụng lao động nhà mình để giảm chi phí trong sản xuất… cũng khiến cho quá trình triển khai cánh đồng lớn bị ách tắc. Hơn nữa, tỉnh Gia Lai vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nào để đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để họ yên tâm hơn, mạnh dạn triển khai sản xuất theo cánh đồng lớn. Ông Nguyễn Bá Chủ-Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai bày tỏ: “Chúng tôi cần có sự hỗ trợ của địa phương trong quy hoạch và chính sách hỗ trợ theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ cho nông dân và doanh nghiệp để thực hiện. Mặc dù tỉnh Gia Lai đã ban hành các tiêu chí về cánh đồng lớn song những chính sách hỗ trợ vẫn chưa được ban hành”.

 

Lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê (ngoài cùng bìa trái) trao đổi với lãnh đạo tỉnh về những vướng mắc trong triển khai cánh đồng lớn. Ảnh: Hồng Thi

Đó là đối với cây mía, còn mô hình cánh đồng lớn trên cây mì, cây lúa hay các cây trồng khác, đến thời điểm hiện tại, vẫn đầy mới mẻ và xa lạ với nhiều nông dân. Bởi lẽ, số lượng mô hình được triển khai trên địa bàn tỉnh rất ít, hầu như chỉ mang tính trình diễn, thử nghiệm. Mặt khác, việc đầu tư của doanh nghiệp vào những cây trồng này chưa thật sự mạnh mẽ và quyết liệt, thậm chí đối với một số loại cây trồng còn không có sự vào cuộc của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Hai năm trở lại đây, Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Gia Lai cũng đã có những quan tâm nhất định cho vùng nguyên liệu tại các địa phương như: An Khê, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và Mang Yang. Tuy nhiên, chính sách đầu tư chỉ dừng lại ở hỗ trợ miễn phí hom giống và ký hợp đồng với các đại lý, cho tạm ứng tiền để mua phân bón, thu hoạch bằng máy… Việc xây dựng cánh đồng mì lớn vẫn chưa có sự chung tay giữa nhà máy với nông dân mà chủ yếu do bà con cùng chung nhóm sở thích liên kết lại với nhau và đăng ký với nhà máy để nhận đầu tư.


Riêng cây lúa, cả tỉnh cũng chỉ mới triển khai được ở 3 huyện (Chư Pưh, Phú Thiện và Ia Pa) với diện tích khá khiêm tốn. Ông Rơh Mah Chốch-Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Pưh chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất khi triển khai cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa cũng không gì khác chính là thói quen, tập quán canh tác lạc hậu của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thêm vào đó, do trình độ dân trí thấp nên nhận thức về tính hiệu quả khi tham gia mô hình cũng như quá trình triển khai thực hiện mô hình của người dân còn nhiều hạn chế”.

Trước thực tế ấy, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng như các huyện, thị xã và doanh nghiệp liên quan đã đề ra nhiều giải pháp khả thi, quyết tâm giúp bà con nông dân thấy được hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn trên cây trồng, từ đó tiến tới tự nguyện, chủ động tham gia thực hiện. “Cái bắt tay” của 4 nhà đã dần có sự rõ nét.

Hồng Thi-Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm