Kinh tế

Bài 2: Nỗ lực chống hạn chờ mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đối diện với thực trạng nguồn nước cạn kiệt, giải pháp cứu cây trồng đang được nông dân triển khai vẫn là tận dụng tối đa nguồn nước duy trì sự sinh trưởng cây trồng chờ trời… mưa.
Cái nắng hầm hập vẫn trút xuống những cánh đồng xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah). Hệ quả của nắng nóng, thiếu nước tưới là những thửa ruộng đất trắng màu vôi với những vết nứt chân chim, cây lúa 3 tháng tuổi nhưng cao không quá 5 cm khô đét đứng giữa trời. Đồng vẫn khô, lúa tiếp tục héo tàn theo thời tiết nắng nóng đổ xuống mỗi ngày, quang cảnh lao động ngày đầu năm trên đồng ruộng... là không một bóng người.
Anh Hà Công Thọ- cán bộ Giao thông- Thủy lợi xã Chư Đăng Ya nói rằng: Hơn 100 ha lúa nước tại 5 cánh đồng trên địa bàn xã sinh trưởng, phát triển phần lớn nhờ nguồn nước đập dâng Tiên Sơn. Thế nhưng, nguồn nước tại đập dâng trên đã bị khô vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, đến nay có vắt hết đất trong lòng đập vẫn không đủ một thùng thì nước đâu cung cấp cho cây lúa phát triển.
Công trình thủy lợi đầu nguồn tại làng Yar (xã Chư Đăng Ya, Chư Pah) đã bị khô kiệt nhiều ngày qua. Ảnh: Lê Nam
Thực trạng nước đầu nguồn bị cạn đã làm hơn 80 ha lúa vụ Đông Xuân và một số cây trồng ngắn  và dài ngày khác của xã gặp hạn. Riêng cánh đồng Ia Tiêng 3 bị hạn nặng nhất, khả năng 40 ha lúa nước bị mất trắng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya- ông Y Dung nói: Vài ngày tới trời không mưa, diện tích lúa Đông Xuân của xã sẽ mất trắng; và nếu có mưa thì năng suất giảm quá nửa so với cùng kỳ năm trước. Dự báo là vậy, song hiện tại nông dân vẫn huy động hết nội lực duy trì sự sống cây lúa với hy vọng… “trời” thương nông dân mà đổ mưa.
Anh Nguyễn Lập, ở làng Ya cho biết: Kìm hãm sự héo úa của cây lúa là việc mà cả gia đình anh đang phải làm từng giờ. Nhà anh phải sử dụng hơn 20 cuộn ống dẫn nước (mỗi cuộn dài 50 mét) kéo từ chân núi thuộc địa bàn xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) về tưới cho hơn 1 ha lúa. Lượng dầu phục vụ bơm tưới thời gian qua được tính bằng thùng phuy. Thế nhưng, nguồn nước chia sẻ cho nhiều người, phần bị cạn do nắng nóng nên nước về đến ruộng nhà anh cũng giống như mồ hôi của nông dân rơi xuống đồng hạn. Có gia đình đặt máy bơm, ngồi chờ 2 ngày tại khu vực đầu nguồn để vét nước đưa vào ruộng, nhưng lượng nước thực có không đủ ướt 700 mét vuông ruộng.
Mặc dù biết là đang quá tiêu tốn tiền của và công sức nhưng gia đình anh và nông dân cả xã không thể bỏ mặc sự sống của cây lúa, vì lẽ nếu diện tích lúa vụ Đông Xuân năm nay bị mất trắng, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lương thực cung cấp cái ăn hàng ngày của gia đình, mà kéo theo hệ quả không có rơm nuôi đàn bò, đặc biệt là không có giống gieo trồng vụ sau.
Không chỉ ở xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah mà tại các huyện như: Ia Grai, Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Đak Đoa…; nông dân đang gồng mình tìm nguồn nước để duy trì sự sống cho cây trồng vụ Đông Xuân 2010-2011.
Tại xã Ia Sao (huyện Ia Grai)- vùng đất hưởng lợi trực tiếp từ hồ chứa nước Biển Hồ nhưng cây trồng, nhất là cà phê vẫn không thoát khỏi “cơn khát”. Người trồng cà phê đang đứng trên đống lửa khi cà phê của họ đến thời điểm này vẫn chưa tưới lần một. Bởi nguồn nước từ suối, giếng, hồ đã khô cạn.
Để cứu lấy cây cà phê nhiều hộ dân xã Ia Sao đã “sáng tạo” phương pháp tưới cà phê mới. Họ dùng tấm bạt bọc trong thùng xe tải, tạo ra “bể” đựng nước chuyển nước từ những con suối còn nước ở vùng khác về tưới cà phê.
Anh Phạm Văn Tuấn, ở thôn Tân Lập nói: “Chưa năm nào nước lại khô cạn như năm nay. Không có nước, gia đình tôi phải dùng 3 xe tải liên tục chở nước về để cứu vườn cà phê. Bình quân để tưới 1 ha cà phê theo phương pháp này người dân phải đầu tư gần 10 triệu đồng. Mỗi niên vụ thường phải tưới từ 3 đến 4 đợt”.
Cũng như anh Tuấn, gia đình anh Đặng Quốc Binh- làng Ó phải dùng xe tải chở nước cách xa vườn cà phê hơn 3 km về để tưới cà phê. Rất nhiều hộ dân tại làng Nú phải mua nước về tưới cho cây. Anh Vũ Hồng Hà nói: “Thường, người trồng cà phê tưới nước bằng phương pháp xả tràn. Nhưng năm nay không có nước, buộc người dân phải mua nước và thuê máy tưới. Để tưới 1 ha cà phê người dân phải mua nước với giá 1 triệu đồng, rồi thuê máy bơm 100 ngàn đồng/giờ (mỗi ha cà phê phải tưới từ 50 giờ đến 60 giờ)”. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ xã Ia Sao mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, vì thiếu nước nên diện tích cà phê được tưới lần 1 khoảng trên dưới 70%; số còn lại chưa được tưới lần 1 hoa sẽ không nở được, dẫn tới khả năng bị mất trắng. Đối diện với tình trạng trên, nông dân các địa phương đang thực hiện tận dụng tối đa nguồn nước ít ỏi còn lại để tưới cầm hơi, đào giếng lấy nước tưới. Tuy nhiên sự nỗ lực của nông dân vùng hạn chỉ là giải pháp tình thế và sự nỗ lực trên sẽ trở thành công dã tràng nếu vài ngày tới trời vẫn không mưa.
Quang Văn- Lê Nam

Có thể bạn quan tâm