Bài 2: Nơi đi về của những trái tim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong suốt những ngày tháng 7 này, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đón nhiều hơn lệ thường những đoàn khách tới dâng hoa và thắp những nén tâm hương tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ. Ở ngay chính nơi các anh an nghỉ vĩnh hằng này, cũng chính là nơi đi về của những trái tim.

Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ là nơi quy tập các liệt sĩ đã hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước, đồng thời đáp ứng nguyện vọng thăm viếng liệt sĩ của cán bộ, nhân dân, qua đó giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
 

Lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng niệm liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Ảnh: Thu Huế
Lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng niệm liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Ảnh: Thu Huế

Năm 2011, với sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (tổng số tiền 50 tỷ đồng), Nghĩa trang tiếp tục được nâng cấp và mở rộng thành cụm công trình nghĩa trang (gồm đài tưởng niệm, đền tưởng niệm, nhà bia liệt sĩ, tháp chuông và các công trình khác; nằm trong một tổng thể hơn 4 ha) được khánh thành dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (năm 2012) đã tạo nên một không gian tâm linh-văn hóa kết nối các thế hệ cha anh đi trước với thế hệ hiện tại, kết nối giữa lịch sử truyền thống hào hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với nhiệm vụ vẻ vang xây dựng và phát triển đất nước.

Đón chúng tôi với nụ cười, ông Lương Tấn Tài- quản trang của Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ cho hay, từ tháng 3-2013, Nghĩa trang có thêm 1 quản trang nữa, vì thế công việc chăm sóc các phần mộ cũng được chu đáo hơn. Cũng theo lời ông Tài, hầu như tuần nào, tháng nào cũng có gia đình, thân nhân liệt sĩ đến Nghĩa trang tìm kiếm người thân, có những gia đình đi năm lần bảy lượt, mời cả nhà ngoại cảm để xác định phần mộ rồi xin được lập bia, khắc tên. “Điều này, theo quy định là không được phép, nhưng chúng tôi cũng không thể chỉ biết đứng nhìn mà quên đi nỗi mất mát không có gì bù đắp nổi của họ.

Vậy nên, trên những khu mộ mà cho đến nay vẫn chưa xác định được danh tính liệt sĩ, có những phần mộ đã được chính thân nhân liệt sĩ gắn thêm những tấm bia ghi tên người thân của mình, âu cũng là niềm an ủi cho những người còn sống và chắc các bác, các anh ở nơi cao xanh cũng thêm yên lòng…”- ông Tài nói.

Được xây dựng từ năm 1991, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Prông đã quy tập được 1.700 mộ chí trong khuôn viên sạch sẽ, khang trang rộng gần 1 ha. Tại đây, từng cái cây, ngọn cỏ đều được chăm sóc cẩn thận bởi ông Phạm Quang Trung (SN 1958)-người đã làm công tác quản trang hơn 13 năm. Ông cho biết, ngày ông mới về, nghĩa trang còn đơn sơ lắm, mộ của các anh cũng chưa ngay hàng thẳng lối. Rồi dần dần, chính quyền và nhân dân cùng nhau đóng góp, khi thì viên gạch, khi thì cây xanh nên mới được như bây giờ.

Đến thăm nghĩa trang, chúng tôi cảm nhận sự yên bình, tĩnh lặng được tạo nên bởi cây sung già trước cổng, bởi hàng cau xanh mướt nằm dọc theo hàng rào, bởi từng gốc cây si phủ bóng mát lên nơi các anh nằm. Theo lời ông Trung, mỗi năm nghĩa trang tiếp nhận thêm khoảng 10 mộ chí; hiện tại có khoảng hơn 200 mộ vẫn chưa rõ danh tính. “Đã trở thành thói quen, cứ khoảng 4 giờ chiều hàng ngày, tôi lại lên nghĩa trang quét sân, cắt cỏ, lau dọn bia mộ và thắp hương cho các anh. Ngoài ra cứ đến các dịp lễ Tết, đặc biệt là ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, nghĩa trang lại lung linh, huyền ảo bởi ánh nến tri ân do chính những người dân địa phương thắp lên”- ông Trung tâm sự.

Cùng cảm nhận như thế khi chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai-nơi có hơn 1.000 ngôi mộ trong đó có khoảng 200 mộ liệt sĩ là người dân tộc thiểu số hy sinh trên chiến trường Chư Pah và Campuchia. Vinh dự hơn, nghĩa trang liệt sĩ Ia Grai còn là nơi yên nghỉ của hai vị anh hùng dân tộc A Sanh và Rơ Châm Ớt. Ông Phạm Văn Dũng (SN 1961)-quản trang bộc bạch: “Những năm trước, vận động đồng bào dân tộc thiểu số đưa mộ cha anh mình là liệt sĩ quy tập về nghĩa trang rất khó khăn bởi họ vẫn còn mang nặng tập tục chôn chung hoặc chôn cất tại nhà. Nhưng nhờ sự kiên trì của các cấp chính quyền, bây giờ phần lớn mộ chí đã được đưa về nghĩa trang để dễ dàng quản lý và chăm sóc.

Hàng năm, cứ vào các ngày lễ Tết, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội lại kết hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức cho các đoàn viên thanh niên đến thăm viếng, quét dọn nghĩa trang để tuyên truyền và khắc sâu truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ”.

Lời tâm sự của những người quản trang khiến chúng tôi nhớ đến cuộc gặp gỡ với bà Nguyễn Thị Việt (làng Le 1, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ), ở ngay tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Bà Việt là thân nhân của liệt sĩ Đỗ Văn Minh, hy sinh năm 1971, phần mộ hiện đang được chăm sóc tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đak Lak.

Không thể thường xuyên có mặt ở Đak Lak để thăm viếng, bà chọn cho mình cách bày tỏ lòng nhớ thương bằng sự có mặt nhiều hơn ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, tháng một đôi lần đến đây để “cho các bác, các anh cảm thấy thêm ấm lòng. Tôi tin rằng, ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đak Lak thì anh tôi cũng được những người dân nơi này quan tâm, chăm sóc”-bà Việt nói.

Còn nhớ, trong dịp khánh thành Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, trong khi tất cả những người có mặt đang tập trung tại khu sân trước để chuẩn bị cho buổi lễ thì bà Việt lại lặng lẽ ra khu mộ chí, cẩn trọng thắp từng nén hương, nhẹ nhàng dùng khăn lau trên từng phần mộ, lâu lâu lại đưa vạt áo lên chấm mắt. Còn hôm nay, vẫn với những việc làm ấy, bà Việt lại dành nhiều thời gian để kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về gia đình mình-một gia đình có truyền thống cách mạng, có 3 người con đã ngã xuống trong công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước. “Tôi luôn cầu mong các liệt sĩ được yên nghỉ vĩnh hằng, mong các anh hãy yên lòng ở nơi cao xanh ấy…”- bà Việt nói trong xúc động.

Thu Huế-Phương Linh

Có thể bạn quan tâm