Kinh tế

Bài 2: Rau sạch "Mơ về nơi xa lắm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không thể phủ nhận, sự tiến bộ về trình độ canh tác, khoa học kỹ thuật được áp dụng đã góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất, sản lượng cho các loại rau. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là việc người trồng rau đã quá lạm dụng việc sử dụng các loại phân bón, chất kích thích để tăng năng suất, tăng lợi nhuận.

Thị trường thuốc kích thích cho rau   

Thuốc “siêu ra hoa”, “siêu đậu trái”, làm cho mướt trái, phun cho rau “tươi đẹp như mơ”... Đây là “vũ khí bỏ túi” của người trồng rau ở An Phú hiện nay. Ảnh: Lê Hòa

Chị bán hàng khá bận rộn với công việc bởi lượng khách tới mua phân bón, thuốc… khá đông trước buổi giờ chiều (“giờ vàng” để phun các loại thuốc-P.V). Ở đây thứ thuốc gì dành cho rau cũng có: thuốc trừ sâu, kích thích, tạo trái, trái đều, trái đẹp… với những mức giá không hề đắt.

“Cây non thì phun thuốc kích thích rễ, lớn thì kích thích lá, ngọn. Dưa leo, cô-ve, khổ qua… thì phải dùng thêm thuốc tạo trái, kích lớn trái, trái đều, trái đẹp, trái bóng… Mỗi loại rau cũng chừng ấy công dụng nhưng sẽ có loại khác nhau, em ưng loại nào?”-chị bán hàng nói liền một mạch. Sau câu hỏi, trước thái độ có phần lúng túng, thậm chí chẳng chờ trả lời, chị quay vào sạp hàng lục lọi trong vài giây, bê ra 5 loại thuốc loại có cả chai lọ, túi. Một chai nhỏ chừng bằng ngón tay là loại phun cho bén rễ nhanh, có giá 5 ngàn đồng (hòa được trong 5 lít nước). 4 lọ lớn 250 ml là thuốc kích thích tốt lá, vươn ngọn và thuốc giúp đậu trái, làm trái đẹp, mau lớn và bóng mượt... có giá khoảng 25-35 ngàn đồng/chai. Hóa ra, những thứ “thần dược” của rau trái lại rất rẻ, rất dễ kiếm và còn công hiệu hơn rất nhiều lần so với công sức chăm bón đầu tắt mặt tối của nông dân trước đây.

Quá trình xâm nhập “công nghệ” làm rau cho thấy, chăm cây rau chẳng thua kém các dịch vụ chăm sóc sức khỏe con người: có thuốc chữa bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng và cả… thuốc để làm đẹp. Nói chung, suốt vòng đời của một cây rau từ khi chuẩn bị đất, gieo hạt cho đến khi thu hoạch, bất cứ giai đoạn nào cũng đều có thuốc hóa học hỗ trợ, sao cho đến ngày cắt bán, rau năng suất, đẹp và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

 

Một nông dân ở An Phú đang phun thuốc trừ sâu cho vườn cải ngọt. Ảnh: Lê Hòa

Dọc các đường bờ be dẫn tới ruộng, chúng tôi liên tục bắt gặp những túi ni-lon to đùng chứa vỏ bì thuốc trừ sâu, chai lọ… được người trồng rau phun xong xả bừa bãi. Điều đó cho thấy sự “ưu ái” nhiệt tình của nông dân với các loại thuốc hóa học phun cho rau trên cánh đồng rau An Phú (TP. Pleiku). Bất cứ ruộng rau nào, ở hố lấy nước tưới cũng nhan nhản bao bì thuốc. An Phú là vựa rau lớn nhất tỉnh, vậy nên không khó hiểu vì sao, mật độ các tiệm cung cấp giống rau, phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ chuyên cho cây rau ở đây lại nhiều đến thế. Riêng một khúc đường chừng 500 mét quanh chợ An Phú đã có tới gần chục tiệm kinh doanh mặt hàng này. Các cửa hàng lớn, nhân viên phải hoạt động khá vất vả mới đáp ứng được nhu cầu lớn của những người trồng rau.

Khó xử “rau bẩn”?

Nếu ai đã từng tự trồng rau xanh để ăn mới hiểu rõ được sự khác biệt một trời một vực giữa rau nhà ăn và rau để bán. “Tôi có khoảnh vườn nhỏ xíu, cuốc được 2 luống trồng bắp sú. Cứ sáng sớm 6 giờ đã lo ra vườn nhặt sâu, trưa cũng có khi phải ghé qua một lượt và trước sẩm tối nhặt thêm lần nữa, không thì rau chưa lớn đã bị sâu ngốn sạch đừng nói được ăn. Cả vườn bắp sú người ta trồng cứ xanh mướt, không sâu si và cuộn chắc như nêm thì chỉ có dùng thuốc”-chị Hồng (tổ 12-phường Thống Nhất-Pleiku), lý giải.

Vỏ thuốc trừ sâu được xả bừa bãi nhan nhản ngay các hố nước tưới rau. Ảnh: Lê Hòa

Còn ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản-Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai kể lại câu chuyện trong lần đi giám sát hoạt động sản xuất rau xanh trên địa bàn tỉnh. Vị cán bộ nọ hỏi chủ vườn rằng, tại sao giữa bạt ngàn các luống rau đẹp không tì vết, lại có luống rau đột nhiên xấu một cách bất thường? Vị chủ vườn thản nhiên trả lời, đó là luống rau trồng riêng để nhà ăn. Nó xấu xí là vì không dùng thuốc. “Chính bản thân người trồng rau cũng ý thức được tác hại của việc lạm dụng phân tươi, các chất kích thích hóa học nhưng vì lợi nhuận nên họ sẵn sàng bất chấp”-ông Toàn, nêu quan điểm.

Tuy nhiên, lỗi không hẳn chỉ thuộc về phía người trồng rau. “Chính chúng ta-những người tiêu dùng rau hàng ngày, hàng bữa cũng tiếp tay cho những người trồng rau bẩn”-ông Toàn, nhận định. Rõ ràng, khi đi chợ mua sắm, ai cũng muốn chọn những bó rau tươi ngon, bóng bẩy nhất. Chọn rau chúng ta mới chỉ quan tâm đến giá cả và sự tươi ngon qua đánh giá hình thức bề ngoài. Còn bên trong, ai cũng muốn được ăn sau sạch, bỏ tiền mua rau sạch nhưng chẳng biết được rau nào là sạch, rau nào bẩn giữa cơ man các loại.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong hơn 25.000 ha rau trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có duy nhất 1 công ty đứng ra đảm bảo sản xuất rau sạch, cam kết đảm bảo về sản phẩm rau xanh do mình cung cấp. Đó là Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Vậy, tuyệt đại đa số diện tích rau còn lại được người dân trồng tự phát, ai sẽ quản lý chất lượng sản phẩm cũng như việc tuân thủ các quy trình sản xuất?

 

Khổ qua-một trong những loại rau quả được tắm thuốc nhiều nhất. Ảnh: Lê Hòa

“Thực tế hàng năm ngành chuyên môn cũng có tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán mặt hàng rau xanh. Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng rất hạn chế bởi nhiều lý do, trong đó khó nhất là bài toán kinh phí”-ông Lê Huy Toàn, cho biết. Ông giải thích, muốn xét nghiệm một mẫu rau, sẽ phải kiểm định 23 mẫu trở lên kết quả mới có độ tin cậy cao. Một mẫu trong đó sẽ phải kiểm tra khoảng 50 hoạt chất khác nhau, chi phí cho việc kiểm tra là 500 ngàn đồng/hoạt chất trong mẫu. Như vậy, muốn kiểm định đầy đủ một mẫu rau nào đó, chi phí sẽ rơi vào khoảng trên dưới 20 triệu đồng.

Về chế tài, nếu phát hiện mẫu rau vi phạm quy định trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm hay chiếu theo Luật Chất lượng hàng hóa, mức xử phạt cao nhất là gấp 7 lần so với tổng giá trị hàng hóa vi phạm nhưng không quá 100 triệu đồng/hành vi. Tuy nhiên, rất khó để phát hiện, xử lý vì những cái khó đã nói ở trên. Không có kết quả kiểm định cụ thể, chính xác lấy gì căn cứ để xử lý?

… Rau là mặt hàng không thể thiếu trong bữa ăn mỗi gia đình. Giữa tràn lan sản xuất rau bẩn và chẳng thể phân biệt cảm tính bằng mắt thường, người tiêu dùng gần như phải chịu cảnh “sống chung với lũ”. Rau sạch-rau bẩn ở chợ thực chất mới chỉ dừng ở góc độ phân biệt bằng tâm lý, là lòng tin giữa người bán-người mua. Vậy, đâu là chìa khóa hóa giải vấn đề? Để giải bài toán hóc búa này, có lẽ, trước nhất và trên hết, chính là cái tâm của người trồng rau. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía ngành chức năng. Song song với đó, người tiêu dùng cũng mạnh dạn “nói không” với rau bẩn.
   

Lê Hòa 

Có thể bạn quan tâm