Kinh tế

Bài 2: “Rối ren” công tác tổ chức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ chuẩn bị đến triển khai thực hiện… mô hình sản xuất kinh doanh của một Bưu điện trung tâm với 73 biên chế và 11 lao động hợp đồng, tất tật chỉ diễn ra trong 10 ngày-khoảng thời gian quá gấp gáp làm cho tình hình càng thêm “rối ren”.

Dư luận vẫn chưa quên, cách đây chừng chục năm muốn có một “suất” làm việc trong ngành Bưu điện chẳng dễ chút nào và nếu không phải con em trong ngành... Thời đó, ngành Bưu điện được coi là “hot” lúc bấy giờ, nhất là vị trí giao dịch viên. Nhưng thời “vàng son” đó đã xa rồi, những cô giao dịch viên thướt tha áo dài ngày nào giờ đang sống trong nỗi nơm nớp “lo sợ”…, bởi bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị “điều” đi làm bưu tá- một công việc khá vất vả, phải “phơi mặt” ngoài đường và theo quan điểm của nhiều người thì đây là công việc “tận cùng” trong ngành bưu chính.

Bưu điện tỉnh ngày chưa chia tách. Ảnh: Lê Lan
Thế nên, sau khi nhận được quyết định bố trí vào danh sách tổ kinh doanh (tên mới của tổ bưu tá), vì quá bức xúc, chị Đ.T.M.H- một nhân viên biên chế của Bưu điện tỉnh đã làm đơn xin nghỉ việc. Nhiều người khác lấy lý do sức khỏe nghỉ ốm không đi làm... Trước đó, 11 nhân viên bưu tá hợp đồng cũng đồng loạt xin nghỉ vì đơn vị “đột ngột” hạ mức lương (giảm 620.000 đồng/người/tháng).

Anh N.S- một nhân viên bưu tá cho biết: “Tôi làm nhân viên bưu tá cũng đã gần chục năm, trước cũng có vài lần ký hợp đồng, sau này thì cứ làm đến tháng nhận lương. Ngoài lương ra, các khoản khác như bảo hiểm xã hội, phụ cấp, tất cả nhân viên hợp đồng đều không có. Mức lương 2.870.000 đồng đã thực hiện 1 năm nay, chẳng hiểu vì lý do gì Bưu điện tỉnh lại hạ xuống còn 2.250.000 đồng. Với mức lương đó sau khi trừ chi phí xăng xe thì tiền công một ngày của chúng tôi chưa mua nổi một tô phở. Hạ lương như vậy khác nào ép chúng tôi nghỉ việc”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Trầm-Giám đốc Bưu điện tỉnh cho rằng: Nguyên nhân bắt đầu từ việc Viễn thông Gia Lai thu hồi toàn bộ công tác và địa bàn thu cước viễn thông nhưng cơ sở hạ tầng và con người thì để lại khiến 20 nhân viên thu cước trở nên “bơ vơ”. Để giải quyết công ăn việc làm cho đội ngũ này, Bưu điện tỉnh đã đưa xuống làm nhân viên kinh doanh (thực chất là làm công việc bưu tá) tại Bưu điện trung tâm Pleiku. Còn đối với lực lượng nhân viên bưu tá hợp đồng trước đây, sẽ hợp đồng thêm vài tháng nữa để có thời gian các nhân viên này chuyển giao và hướng dẫn công việc cho những nhân viên mới và sau đó cắt hợp đồng… Và theo ông Nguyễn Ngọc Trầm thì “Như vậy là ổn”.

Tuy nhiên, sự việc không như “tính toán” của lãnh đạo Bưu điện tỉnh đó là, đội ngũ nhân viên bưu tá hợp đồng không chấp nhận phương án trên và đồng loạt nghỉ việc, khiến việc chuyển phát thư báo chậm trễ, thất lạc hoặc chuyển nhầm. Trong thời gian qua, Bưu điện trung tâm Pleiku liên tục bị khiếu nại... Đến nỗi, trực tiếp Giám đốc Bưu điện tỉnh phải làm công văn xin lỗi khách hàng với nội dung: “… Do lao động đa số là nữ, chưa quen đường phố, công việc mới mẻ, tư tưởng chưa “thông” nên thời gian đầu chuyển phát có trường hợp chậm trễ…” và “Xin hứa với quý cơ quan sẽ khắc phục những chậm trễ này sớm nhất”.

Không biết thời gian “sớm nhất” là bao lâu nhưng bất ổn trong nội bộ, lúng túng trong hoạt động, thiệt thòi nhất không ai khác chính là khách hàng.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm