(GLO)- Hàng hóa muốn tiêu thụ tốt phải đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thuế suất về 0%, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào nội địa, theo đó, mặt hàng nào chất lượng tốt, giá thành rẻ sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Điều đó đặt ra cho doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh vào thế buộc phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh theo hướng chú trọng đến chất lượng để giữ vững thị phần nội địa cũng như tăng khả năng xâm nhập vào thị trường các nước trong khối.
Chế biến cà phê. |
Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê lâu năm trên địa bàn tỉnh, Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà (09 Nguyễn Thái Học, TP. Pleiku) đón nhận thông tin về hội nhập khá chủ động và bình tĩnh. Ông Ngô Tấn Giác-Giám đốc Công ty, cho biết: “Chúng tôi luôn ý thức được rằng, sản phẩm muốn đứng vững trên thị trường buộc phải chú trọng đến chất lượng, bởi người tiêu dùng ngày càng khó tính và quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Khi hội nhập, vấn đề này lại càng mang tính sống còn. Một đối tác nước ngoài chỉ chịu ký hợp đồng khi sản phẩm đảm bảo các yếu tố về môi trường, an toàn vệ sinh, doanh nghiệp chăm lo tốt cho đời sống công nhân...”.
Theo đó, Cà phê Thu Hà đã có những thay đổi, phát triển đáng kể theo hướng hiện đại hóa công nghệ nhằm nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc hội nhập quốc tế. Công ty vừa xây dựng xong nhà máy chế biến tại xã Chư Á, tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng với đầy đủ hệ thống máy rang xay, chế biến theo công nghệ của Đức; khuôn viên nhà máy rộng, có chỗ ăn ở đầy đủ cho công nhân. Chủ thương hiệu Cà phê Thu Hà tự tin: “Tôi tin sản phẩm cà phê của nước ngoài không thể cạnh tranh với sản phẩm của chúng ta. Bởi chúng ta hiểu rõ khẩu vị của người Việt, chất lượng không thua họ và giá cũng rẻ hơn”.
Là thương hiệu sinh sau đẻ muộn, song Cà phê Classic đang chứng tỏ sức trẻ của mình bằng cách không ngừng mở rộng thị trường trong nước. Hướng đi mà Classic xác định ngay từ đầu chính là xây dựng thương hiệu vững mạnh bền vững bằng chất lượng cà phê. Ông Nguyễn Phú Lâm-Giám đốc Công ty Cà phê Classic cho hay: Classic chuyên cung cấp ra thị trường các dòng sản phẩm cà phê hạt rang và cà phê bột nguyên chất cao cấp, cho dù chi phí để cho ra sản phẩm cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm đại trà. Khách thưởng thức cà phê đang ngày càng khó tính và chỉ lựa chọn những sản phẩm đảm bảo sức khỏe của mình, vì vậy muốn bền vững, tất yếu sẽ phải chú trọng đến chất lượng.
Tham vọng của ông Phú Lâm không dừng lại ở việc khẳng định vị thế của cà phê Classic trên thị trường mà còn góp phần khẳng định vị thế của cà phê Gia Lai nói chung; đưa danh tiếng của cà phê Gia Lai đến với người tiêu dùng trong nước và cả quốc tế, để khi nghĩ đến cà phê, người ta không còn chỉ nhắc đến thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột (Đak Lak). Vì mục tiêu đó mà Công ty Cà phê Classic đã bao tiêu cho cả vùng nguyên liệu sạch được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của xã Chư Á, và sắp tới sẽ là một phần của các vùng nguyên liệu sạch khác trên địa bàn tỉnh. Nguyên liệu sạch phải đảm bảo tỷ lệ quả chín trên 80%, độ ẩm dưới 13%, tạp chất thấp hơn 2%... Quy trình sản xuất cà phê sạch từ khâu chọn giống, bón phân, tưới nước đến thu hoạch, chế biến, bảo quản đều phải tuân thủ quy trình khoa học nghiêm ngặt. Để đạt được cà phê chất lượng sạch như mong muốn, Công ty Cà phê Classic đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất một cách đồng bộ từ chế biến ướt, sân phơi đảm bảo vệ sinh, máy sấy, máy tách màu… Quy trình này áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ quốc tế với chất lượng ISO cao nhất.
Không “phủ sóng” như các doanh nghiệp kinh doanh cà phê bột Thu Hà và Classic, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nhi (997 Trường Chinh, TP. Pleiku) chỉ kinh doanh và xuất khẩu cà phê hạt. Thành lập năm 1997, trong suốt 18 năm hoạt động, sản phẩm mua bán của doanh nghiệp luôn đảm bảo chất lượng theo đánh giá của CAFECONTROL (Công ty TNHH Giám định Cà phê và Hàng hóa Nông sản nhập khẩu, chuyên đánh giá chứng nhận, kiểm tra xác nhận chất lượng sản phẩm cho khách hàng ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...). Trước xu thế hội nhập mạnh mẽ và những chuyển biến có thể thấy trước trong tương lai gần, ông Nguyễn Ngọc-Giám đốc Doanh nghiệp Hoàng Nhi nhận định: “Bình thường chúng tôi cũng rất chú ý tới vấn đề chất lượng rồi. Cà phê xuất đi phải đảm bảo không mốc, vỡ, đen, hàm lượng cafein trong hạt... tùy vào hợp đồng. Bây giờ hội nhập, yêu cầu chất lượng ngày càng cao, chúng tôi cũng sẽ mua thêm trang-thiết bị để đáp ứng với yêu cầu”.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 78 ngàn ha cà phê, trong đó có khoảng 76 ngàn ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng 187 ngàn tấn/năm. Cà phê của Gia Lai chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống, do đó việc tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, giá bán cao và bền vững là rất khó. Bởi vậy, thay đổi để nhập cuộc là điều bắt buộc mà các doanh nghiệp kinh doanh cà phê phải đi trước.
Hà Duy