(GLO)- Việc nhiều hợp tác xã (HTX) đang phải hoạt động cầm chừng, một số giải thể như hiện nay là bởi các HTX đang trong tình trạng thiếu… đủ thứ! Trước tiên là thiếu vốn, sau nữa là các xã viên thiếu trình độ, đội ngũ lãnh đạo HTX thiếu năng lực quản lý. Ngoài ra, nhiều hạn chế khác trong quá trình hoạt động cũng khiến nhiều HTX lâm vào bế tắc.
Hàng mỹ nghệ của HTX Linh H’Nga (huyện Chư Sê). |
Có thể nói, lực cản lớn nhất hiện nay của kinh tế HTX chính là việc khó tiếp cận nguồn vốn. Theo quy định, để tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng thì các HTX phải có tài sản đảm bảo thế chấp. Tuy nhiên, tài sản của HTX là do các xã viên tham gia góp bằng tiền hoặc là tài sản. Nếu trong trường hợp HTX làm ăn thua lỗ thì ngân hàng không thể phát mãi bởi đây là tài sản tập thể. Cùng với đó, các ngân hàng không có quy định về tín chấp và cũng không có quy định về giá trị tài sản của HTX, bởi vậy, HTX không đủ điều kiện để thế chấp tài sản với ngân hàng. Trường hợp các HTX muốn vay được vốn thì các xã viên phải dùng nhà riêng để thế chấp, đồng nghĩa với việc khó có thể vay được nguồn vốn lớn.
Nói về vấn đề này, ông Rơ Ô Ngát-Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Ia Tul (huyện Ia Pa) cho biết: “Bà con xã viên rất cần giống và vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất, nhưng HTX không có vốn để đáp ứng nhu cầu của xã viên nên họ phải đi mua nợ từ bên ngoài với giá cao hơn”. Cùng ý kiến, ông Hồ Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, nói: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất trên địa bàn là việc xử lý tài sản giữa vốn ngân sách nhà nước của HTX đầu tư ban đầu với vốn qua quá trình hoạt động, số vốn này còn nhiều mập mờ, gây khó khăn trong việc tiến hành các thủ tục vay vốn”.
Toàn tỉnh hiện có: - 56 HTX nông nghiệp với trên 14.600 thành viên tham gia. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là làm dịch vụ thủy lợi, phân bón, bảo vệ thực vật, thú y, làm đất, chăn nuôi gia súc. Doanh thu trong 9 tháng năm 2014 là 18,931 tỷ đồng, nộp ngân sách 343 triệu đồng. - 28 HTX giao thông-vận tải với 1.500 thành viên tham gia. Doanh thu 9 tháng năm 2014 ước đạt 53,6 tỷ đồng, nộp ngân sách 861 triệu đồng. - 6 HTX xây dựng với 63 thành viên. Doanh thu 9 tháng năm 2014 là 1,71 tỷ đồng, nộp ngân sách 63 triệu đồng. - 6 HTX thương mại với 64 thành viên và 72 lao động. Doanh thu từ đầu năm đến nay gần 510 triệu đồng, nộp ngân sách 19 triệu đồng - 6 quỹ tín dụng nhân dân với 7.200 thành viên. Tổng nguồn vốn hoạt động gần 145 tỷ đồng, tổng dư nợ từ đầu năm đến nay là 127,345 tỷ đồng. Nợ xấu 1,5 tỷ đồng. |
Theo Luật HTX 2012, hoạt động của HTX chỉ có 2 hình thức là dịch vụ và tạo việc làm. Trong khi đó tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 5 Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ buộc HTX phải cung cấp cho thành viên của mình đạt 68% trở lên, lĩnh vực phi nông nghiệp buộc HTX phải cung cấp cho thành viên của mình đạt 50% trở lên. Đối với tạo việc làm, HTX cung cấp quỹ lương cho thành viên của mình đạt 70% trở lên. Quy định trên đã gây khó cho sự tồn tại của HTX, nhất là HTX xây dựng. Bởi theo hình thức tạo việc làm thì tiền công trả bên ngoài không quá 30%, nghĩa là các HTX xây dựng phải có đội ngũ thành viên có tay nghề tham gia công việc xây dựng của HTX là 70%. Vì vậy, các HTX chỉ còn con đường duy nhất là không ngừng phát triển thành viên HTX.
“Mặc dù huyện thường xuyên kết hợp với UBND các xã, thị trấn vận động, tuyên truyền thành lập các HTX nhưng do quy trình thành lập gặp nhiều khó khăn nên vẫn chưa có một HTX nào thành lập mới. Đặc biệt là người dân chưa mặn mà với việc thành lập HTX do chưa hiểu rõ các quyền lợi khi tham gia, tâm lý lo sợ bị mất vốn khi góp vốn vào HTX”-ông Nguyễn Minh Tứ-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Pưh cho biết. Hợp tác xã Tân Nông Nguyên (huyện Chư Sê) mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng cũng đã vấp phải chướng ngại này.
Trên thực tế, các HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đa số có quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật công nghệ lạc hậu, lao động thủ công là phổ biến, hiệu quả kinh doanh thấp. Còn HTX vận tải thì mô hình hoạt động chủ yếu là dịch vụ hỗ trợ cho thành viên và đang đứng trước nhiều khó khăn khi sự cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải có tiềm lực kinh tế đang ngày càng khốc liệt, trong khi bản thân các HTX vận tải lại có quy mô nhỏ, phương tiện cũ kỹ, chưa được nâng cấp. Trong khi đó, các HTX xây dựng cũng đang chịu những khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, chính sách cắt giảm đầu tư công và bản thân các HTX cũng chỉ ở quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực để tham gia đấu thầu các công trình lớn mà chủ yếu chỉ nhận các công trình vừa và nhỏ trên địa bàn huyện, xã như giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, sửa chữa kênh mương, những công trình cấp IV…
Bên cạnh những hạn chế trên, có thể thấy tại một số HTX, tính hình thức trong chuyển đổi HTX theo Luật HTX chưa được khắc phục căn bản. Tình trạng không rõ ràng về quyền sở hữu tài sản của HTX còn khá phổ biến, nhất là các tài sản gắn với đất đai. Ngoài ra, nhiều nơi, UBND xã, phường giao cho HTX nông nghiệp quản lý hệ thống kênh, mương, công trình điện, song các HTX ít quan tâm đến quản lý và không có điều kiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa… Đó là sự can thiệp của chính quyền địa phương vào các hoạt động của các HTX làm ảnh hưởng đến tính tự chủ của HTX. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chủ chốt của hầu hết các HTX không ổn định, thay đổi thường xuyên khiến chất lượng quản lý chưa đạt yêu cầu. Một vấn đề tế nhị nhưng lại là nhân tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác quản lý HTX là thù lao cho cán bộ quản lý rất thấp. Việc xử lý công nợ làm minh bạch tài chính trong HTX là điều kiện để HTX mở rộng và thúc đẩy hoạt động hiệu quả hơn, song công nợ trong một số HTX chậm xử lý đã làm cản trở cho sự phát triển HTX khi thu nợ cũ đã khó, các xã viên lại vay thêm làm phát sinh thêm nợ mới, nhất là nợ thủy lợi phí và giao thông nội đồng.
Hà Duy-Quang Tấn