Lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp (QLCKCN) tỉnh Ninh Thuận cho rằng nguyên nhân không thu hút được các nhà đầu tư là do điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh kết nối với các cảng còn hạn chế nên các nhà đầu tư không mặn mà.
Bà con thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải thu hoạch cây măng tây trên phần nằm ngoài KCN Du Long. |
Nếu trồng măng tây sẽ khác?
Như bài trước chúng tôi đã nói, nhiều năm trước, tỉnh Ninh Thuận thu hồi hàng trăm hecta đất nông nghiệp để làm Khu Công nghiệp (KCN), thế nhưng, hàng chục năm sau đó đất bị thu hồi vẫn bỏ hoang khiến nhiều nông dân đau lòng... Cụ thể là thu hồi hơn 400 hecta đất nông nghiệp của dân ở huyện Thuận Bắc làm làm KCN Du Long.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Thiên Hoàng, từng làm chủ tịch UBND đến Bí thư Đảng ủy xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận) từ năm 2005 – 2015. Khi xong 2 nhiệm kỳ, ông chuyển sang công tác khác đến năm 2018 về hưu.
Theo lời ông Hoàng, vùng đất nằm trong KCN trước đây của bà con canh tác nông nghiệp nhờ vào nước trời, chủ yếu làm 1 vụ lúa và một số cây lương thực khác như bắp (ngô), đậu… Thời gian còn lại dùng chăn nuôi bò, dê, cừu thả rông vì mùa nắng thiếu nước.
Tuy vất vả nhưng hàng trăm gia đình nông dân vẫn có kế sinh nhai dù không khá giả. Do đó, chủ trương chuyển sang làm KCN của lãnh đạo tỉnh là hết sức đúng đắn. Điều bà con buồn phiền vì đất bỏ hoang quá lâu, trong khi đó, con em địa phương không có việc làm tại chỗ nên phải xa quê hương tìm kế mưu sinh.
Cũng theo lời ông Hoàng, thời điểm thu hồi đất vùng này chưa ai trồng cây măng tây nên đất nông nghiệp không giá trị cao. Nhưng hiện tại người dân đã trồng được loại cây này và mang nguồn lợi kinh tế ổn định cho những gia đình còn đất nông nghiệp nằm ngoài KCN Du Long. "Cá nhân tôi rất mong các nhà đầu tư vào KCN Du Long để tạo công ăn việc làm cho bà con không còn đất nông nghiệp…", ông Hoàng nói.
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi cũng có cuộc khảo sát vùng đất xung quanh KCN Du Long và nghi nhân bà con có đất nằm ngoài KCN đang trồng cây măng tây mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Vợ chồng anh Nguyễn Văn A. còn 2 sào đất nằm ngoài KCN đang trồng măng tây và rau sạch ngắn ngày cung cấp cho các cửa hàng ở TP Phan Rang - Tháp Chàm. Anh A. cho biết, nhờ trồng những loại cây này mà hàng chục năm qua, gia đình anh có cuộc sống tốt và nuôi các con ăn học...
Đất nông nghiệp trong KCN Du Long bị bỏ hoang nhiều năm qua. ảnh Bùi Phụ. |
Để có thông tin đa chiều, ngày 22/9, Báo NTNN/Dân Việt có công văn gửi UBND tỉnh Ninh Thuận đăng ký cho PV có cuộc phỏng vấn, trao đổi thông tin. Báo cũng gửi câu hỏi trước về những thông tin liên quan đến việc thu hồi đất trên. Trưa 24/9, người của Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận điện thoại cho PV, thông báo sẽ xếp lịch vào chiều 29/9. Thế nhưng, sau đó, cũng người này thông báo lại do lịch làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh dày dặc nên không biết bao giờ mới xếp được để trả lời câu hỏi của báo. Theo vị này, khi nào có lịch cụ thể sẽ báo lại và mãi đến ngày 6/11 vẫn không thấy VP UBND tỉnh Ninh Thuận hồi âm cho PV.
Trao đổi với PV, ông Sử Đình Vinh, Trưởng Ban QLCKCN tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 KCN được thành lập gồm: KCN Thành Hải (45 hecta), Phước Nam (gần 370 héc ta) và Du Long. Trong đó, có 2 KCN đi vào hoạt động như Thành Hải (đã được lấp đầy 100%) và Phước Nam. Hai khu này đã thu hút 26 dự án đầu tư với tổng số vốn 2.062 tỷ đồng.
Riêng KCN Phước Nam (xã Phước Nam huyện Ninh Phước nay là huyện Thuận Nam) đến thời điểm hiện tại chỉ có gần 12% (gần 11 héc ta). Phần còn lại đang bỏ trống. KCN này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng từ tháng 7/2006. Đến ngày 30/6/2008, Chủ tịch UBND Ninh Thuận ra quyết định thành lập với tổng diện tích khoảng 370 héc ta.
Cũng theo ông Sử Đình Vinh, ngày 19/5/2011, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi từ Dự án Khu liên hợp sản xuất thép Cà Ná thành KCN Cà Ná (huyện Thuận Nam). Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh quy mô diện tích quy hoạch của KCN Cà Ná có diện tích gần 828 hecta (văn bản số 620/TTg-KTN ngày 05/5/2015 về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020).
Cũng theo ông Vinh, ban đã kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp tổ chức thực hiện lập phân khu xây dựng KCN Cà Ná để hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư…
Nhận định về tình hình, các KCN hiện tại đang bỏ trống nhưng tỉnh vẫn thu hồi đất làm KCN, ông Vinh cho rằng, do điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận kết nối với các cảng còn hạn chế nên các nhà đầu tư không mặn mà. "Sắp tới, chúng tôi tăng cường kêu gọi đầu tư các dự án thứ cấp và ký kết hợp tác giữa các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…", ông Vinh nói.
Cổng KCN Du Long nhìn từ QL1A. Ảnh Bùi Phụ. |
KCN Do Long tầm cỡ ra sao? Ngày 14/3/2005, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 256/TTg chấp thuận KCN Du Long. Ngày 30/6/2008, UBND tỉnh Ninh Thuận ra Quyết định thành lập KCN này với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD. KCN thuộc vùng đồng bằng tỉnh Ninh Thuận, tiếp giáp với QL1A. Cách TP Phan Rang - Tháp Chàm 20km, cách Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh 40Km, cách Cảng biển hàng hoá Cam Ranh 25Km, cách ga đường sắt Tháp Chàm 20Km Các ngành nghề mời gọi đầu tư: Ưu tiên các ngành nghề ít gây ảnh hưởng đến môi trường như lắp ráp điện tử, tin học, các ngành nghề công nghệ cao, các dự án phục vụ cho sản xuất năng lượng tái tạo; lắp ráp ô tô, xe máy; công nghệ cơ khí chế biến máy nông, công nghiệp; công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; sản xuất hàng tiêu dùng. |
Còn tiếp: Bài 3: Đất nông nghiệp ở các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận ra sao?
Theo Bùi Phụ-Quang Đăng (DV)