Kinh tế

Bài 2: Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi tổ kiểm toán thuộc đoàn Kiểm toán Nhà nước khu vực XII cho rằng công tác quản lý khai thác sau cấp phép thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên trên địa bàn thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai lại có cách lý giải khác.

Chờ quyết định của Bộ ?
 

Hoạt động khai thác tại Công ty Sản xuất đá granit Hồng Gia Lai-Chư Pưh. Ảnh: Nguyễn Triều

Ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT)-cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có trên 70 giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, được cấp trước khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực. Từ năm 2010, Sở chỉ tham mưu cho UBND tỉnh cấp và đổi khoảng 4-5 giấy phép. Nguyên nhân là một số giấy phép chưa đến hạn hoặc đến kỳ xin gia hạn thì lại rơi vào nhóm khoáng sản không thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Đơn cử như việc khai thác đá granit, trước đây UBND tỉnh cấp phép đối với khu vực cho phép tận thu, nhưng nay nếu giấy phép đến hạn ngừng khai thác thì phải thăm dò trữ lượng và trình cho Bộ TN&MT đưa những khu vực này vào khu vực phân tán nhỏ lẻ; nếu trữ lượng nhỏ hơn trữ lượng theo quy định thì lúc đó mới bàn giao về cho địa phương cấp phép, nếu lớn hơn thì thuộc thẩm quyền của Bộ. Ví dụ như trường hợp của Công ty TNHH 30-4, giấy phép khai thác đã hết hạn nhưng cũng đang chờ Bộ quyết định đưa vào danh mục phân tán nhỏ lẻ để tỉnh cấp phép.

Theo ông Bình, đối với khu vực cấp mới theo quy định hiện nay có 2 loại được cấp, bao gồm khu vực khoáng sản không đấu giá quyền khai thác và khu vực phải đấu giá quyền khai thác (danh mục này do UBND tỉnh quy định). Tuy nhiên, đối với khu vực đấu giá quyền khai thác thì hiện Bộ TN&MT và Bộ Tài chính chưa ban hành được quy định xác định giá khởi điểm để tiến hành đấu giá dẫn đến toàn quốc phải dừng. Riêng với tỉnh Gia Lai đã ban hành danh mục rồi nhưng chưa thực hiện được vì phải chờ. Đối với khu vực đưa vào danh mục không đấu giá quyền khai thác thì trước đây tỉnh chỉ đưa những mỏ đang còn hạn vào khu vực đó, theo quy định của Luật là trong thời gian mỏ đang còn hiệu lực thì doanh nghiệp có quyền nâng cấp trữ lượng sau đó trình UBND tỉnh cấp bình thường.  

Đối với trường hợp của DNTN Huy Thịnh-ông Phó Giám đốc Sở TN&MT lý giải: Trước đây, UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp này tận thu đá sau nổ mìn tại mỏ đá số 1 của thủy điện An Khê-Ka Nak, tuy nhiên khi hết thời hạn cho phép mà doanh nghiệp này vẫn không dừng hoạt động thu gom trong khi chính quyền địa phương thì thiếu kiểm tra, kiểm soát. “Sở cũng có trách nhiệm trong vấn đề này vì đã không kịp thời có văn bản thông báo cho UBND huyện cũng như doanh nghiệp này biết khi hết thời hạn thu gom. Tuy nhiên cần phải nói rõ là đồng thời với công văn xin UBND tỉnh được phép thu gom đá tận thu, Doanh nghiệp Huy Thịnh cũng có công văn xin Ban Quản lý Thủy điện 7 và được đơn vị này “đồng ý không có thời hạn”-ông Bình chia sẻ.

“Trách nhiệm phần lớn của địa phương”

 

Khai thác đá kiểu tận thu của Doanh nghiệp tư nhân Huy Thịnh. Ảnh: Nguyễn Triều

Nói về công tác “hậu kiểm” sau khi cấp phép khai thác, lãnh đạo Sở TN&MT cho rằng: Trách nhiệm tương đối lớn là của chính quyền địa phương. “Sở chỉ có 3 cán bộ phụ trách chuyên môn hậu kiểm tất cả các đơn vị đã cấp phép hoặc để phát hiện các doanh nghiệp khai thác trái phép thì cũng không thể làm xuể nếu không có thông tin từ phía địa phương. Sở chỉ định kỳ, kết hợp với những đợt kiểm tra, kiểm soát chứ không thể nghe thông báo là xuống kiểm tra mà lúc đến thì doanh nghiệp “dừng” nhưng khi cán bộ kiểm tra về thì doanh nghiệp lại tiếp tục, khai thác kiểu thủ công thì rất khó kiểm soát”-ông Bình chia sẻ. Hơn nữa, trước đây các mỏ cấp phép theo kiểu khai thác tận thu nên trữ lượng nhỏ và không có khai thác thăm dò, trong quá trình khai thác thì mới thăm dò trữ lượng cho nên trữ lượng ghi trong giấy phép (nếu có) chỉ là cấp tài nguyên dự báo, không chính xác, chỉ mang tính tham khảo.

Trong khi đó, về phía địa phương, ông Trần Thế Trang-Trưởng phòng TN&MT huyện Kbang-trăn trở: Trên địa bàn huyện hiện có 7 doanh nghiệp thực hiện khai thác khoáng sản. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Lý Kình thì vừa có quyết định đóng cửa mỏ; Công ty cổ phần Khoáng sản Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Tân Long Granit Gia Lai cũng đang làm thủ tục đóng cửa mỏ vì khai thác không hiệu quả. Ông Trang cho biết, tuy địa phương được giao việc thực hiện công tác giám sát nhưng ngoài việc doanh nghiệp kê khai khối lượng khai thác trên tờ khai thuế nộp cho cơ quan thuế địa phương thì Phòng TN&MT cũng không có phương tiện hay biện pháp gì để biết được doanh nghiệp đó khai thác khối lượng bao nhiêu, khai thác như thế nào, nộp thuế tài nguyên ra sao!?.

Tương tự, ông Phạm Quốc Phong-Trưởng phòng TN&MT huyện Krông Pa-bức xúc: Vào thời điểm 1-7-2010, trước khi có Nghị định mới về khai thác khoáng sản có hiệu lực thì hàng loạt doanh nghiệp “ồ ạt” đua nhau xin cấp phép khai thác khoáng sản, hết ở huyện nọ rồi đến huyện kia để xin giấy phép chạy trước thẩm quyền khi còn được UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép. “Nhưng khi xin được giấy phép theo kiểu “xí phần” xong rồi thì các doanh nghiệp cũng “để đó”, sau đó thấy khả năng, năng lực không đủ, hoặc mỏ đá chất lượng thấp, không đạt yêu cầu thì xin trả lại giấy phép”-ông Phong nói.

Trong khi đó, theo cách lý giải của Sở TN&MT là “do phía doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thăm dò nên khi phát hiện chất lượng đá kém hoặc không thực hiện đền bù được do năng lực tài chính có hạn thì bỏ, tiếp tục xin khai thác mỏ khác… do đó dẫn đến việc việc doanh nghiệp xin trả lại giấy phép hoặc giấy phép hết hạn mà chưa khai thác… Đó cũng là chuyện bình thường”-ông Phó Giám đốc Sở cho biết thêm. Bên cạnh đó, một phần cũng là do sơ suất của Phòng Nghiệp vụ của Sở khi kiểm tra báo cáo thấy số liệu bất hợp lý nhưng lại không yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa kịp thời, một phần cũng là do sự cẩu thả của doanh nghiệp không phát hiện xử lý khi báo cáo sai, dẫn tới báo cáo không đúng.

Minh Triều-Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm