Kinh tế

Bài 2: "Xà xẻo"... đất vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người nông dân vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn chỉ vì dự án quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) dẫn đến mất đất sản xuất. Tại các huyện, tận dụng các cụm CN-TTCN bị bỏ hoang, nhiều người tiếc đất nên đã có “sáng kiến” biến đất nơi đây thành nơi chăn thả bò, cải tạo đất trồng hoa màu. Trong đó, có người canh tác trên chính mảnh đất của mình trước đây bị thu hồi phục vụ cho dự án.

Đua nhau... trồng chanh dây
 

Vườn chanh dây trên đất dự án. Ảnh: Minh Triều

Nhiều năm trôi qua, thời gian quy hoạch cụm CN-TTCN cũng là thời gian người dân sống nhờ vào đất dự án. Đơn cử tại các huyện: Mang Yang, Ia Grai, Chư Pah hay nhiều nơi khác cũng chung tình trạng này.

Nhìn những cánh đồng bạt ngàn chanh dây với những trụ tre hàng nối hàng tít tắp hay những luống ớt xanh rì, trĩu quả và những bụi khoai mì đang vươn mình đón nắng, chúng tôi cứ ngỡ như đang lạc vào một trang trại nông nghiệp với quy mô hoành tráng. Nếu không có anh Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Mang Yang đi cùng, chắc còn lâu chúng tôi mới tìm ra được nơi có đất thuộc dự án.

 

Bạt ngàn cánh đồng ớt. Ảnh: Minh Triều

Lom khom nhổ cỏ dưới giàn chanh dây đang cho trái, chị Đỗ Thị Thủy (làng Đê Tun, xã Đak Djrăng) cho biết, chị quê ở Phù Mỹ (Bình Định) lên đây canh tác hoa màu được hơn 4 năm. Ban đầu gia đình chị trồng la-gim rồi chuyển sang trồng dưa hấu, sau đó xin cải tạo thêm 1 ha đất nữa để trồng chanh dây. “Thấy đất trong khu công nghiệp trống, bỏ hoang nhiều năm trời mà không ai đá động gì đến nên gia đình tôi lên xin UBND xã Đak Djrăng cho cải tạo hơn 3 ha đất để trồng hoa màu, cải thiện thu nhập”-chị Thủy nói. Chị Thủy cho biết, vụ mùa năm nay, ngoài chanh dây chị còn hơn 1 ha ớt đang cho trái, chuẩn bị thu hoạch. Nếu được giá, gia đình chị sẽ có một khoản thu nhập đáng kể. Vì trừ chi phí phân, thuốc cho cây trồng, chị không phải mất tiền thuê đất.
 

Chị Đỗ Thị Thủy cho biết trừ chi phí phân, thuốc cho cây trồng, chị không phải mất tiền thuê đất. Ảnh: Minh Triều

Tương tự, chị Nguyễn Thị Cúc (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng) chia sẻ: Ở quê không có nhiều đất canh tác, thấy ở đây đất rộng lại bỏ hoang nên gia đình chị và người quen rủ nhau lên đây cải tạo đất để trồng hoa màu. Canh tác hơn 3 năm chị Cúc mới biết đây là đất quy hoạch dự án, nhưng cũng chẳng thấy ai nói gì nên chị lại tiếp tục gieo trồng trên mảnh đất này cho đến nay, ngót nghét gần 10 năm rồi. Theo cách nói của chị thì người dân quanh đây làm “thí xác” chứ cũng không đo đếm được diện tích đất canh tác của mình là bao nhiêu. Cứ thấy đất trống thì cải tạo rồi gieo trồng. “Vì biết đây là đất dự án nên người dân chỉ trồng hoa màu, như chanh dây, bầu, bí, khoai mì, ớt... chủ yếu là những cây ngắn ngày thôi”-chị Cúc cho biết.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mang Yang, chủ trương của huyện là không cho người dân sản xuất trên diện tích này nhưng do đất để không nên UBND xã Đak Djrăng đã tạo điều kiện cho một số hộ dân và Công đoàn của xã trồng cây ngắn ngày, không được trồng cây dài ngày. Đồng thời có cam kết khi Nhà nước thu hồi thì người dân phải trả lại mặt bằng.  

Canh tác cà phê trên đất đã nhận đền bù!

Khi quy hoạch các dự án, nhiều người dân đã sẵn sàng nhường đất đang canh tác của mình phục vụ cho việc quy hoạch dự án. Sau khoảng thời gian “dài cổ” theo dõi mà chẳng thấy một dự án nào được triển khai, trong khi khu đất trồng cà phê của mình lại bỏ hoang, mặc cho cỏ dại mọc um tùm, nhiều người tiếc đất nên quay trở lại tiếp tục canh tác với hy vọng “vớt vát được chút nào hay chút ấy”.

 

Đất trong cụm công nghiệp Ia Khươl, Chư Pah còn tận dụng làm bãi rác. Ảnh: Minh Triều

Ông Trần Văn Thích (thôn 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cũng như 6 hộ dân khác (đã nhận được tiền đền bù hơn 1,8 ha) rơi vào tình trạng “dở dở, ương ương” như thế. Ông cho biết, năm 2010 ông được UBND huyện gọi lên để làm quy hoạch và thống nhất giá thỏa thuận đền bù. Hiện tại 0,4 ha đất đang canh tác cà phê của ông đã nhận được tiền thỏa thuận đền bù và hơn 1 ha đất cà phê hiện nằm trong dự án chưa nhận được đền bù.

“Tôi và nhiều hộ dân có đất nằm trong dự án đều cùng chung tâm trạng thấp thỏm, làm cũng dở mà bỏ cũng không xong. Thời gian từ năm 2010 đến năm 2012, chúng tôi không ai dám canh tác nhưng thấy lâu quá không động đến nên chúng tôi “đánh liều” cải tạo lại vườn cà phê của mình trước đây. Từ năm 2013 đến nay với diện tích 0,4 ha cà phê, mỗi năm tôi thu cũng được hơn 1 tấn cà phê nhân”-ông Thích nói.

Theo ông Thích, ông cũng như những người dân có đất nằm trong dự án (chưa được đền bù) đang chờ câu trả lời của chính quyền địa phương để yên tâm sản xuất. “Vì cây cà phê bỏ lại sau một vụ làm cỏ là vườn cây cà phê bị hư hỏng; đầu tư mạnh thì người dân cũng không dám mà bỏ thì cũng chẳng bỏ được. Nếu Nhà nước thực hiện dự án thì chúng tôi dừng sản xuất, còn nếu không làm thì để người dân chúng tôi tiếp tục đầu tư”-ông Thích nói.

Theo tìm hiểu của P.V, phạm vi quy hoạch cụm CN-TTCN của huyện Ia Grai là 15 ha, trong đó hơn 8,2 ha là đất người dân đang canh tác sử dụng, còn lại là đất quy hoạch do huyện quản lý.

Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, chính quyền địa phương cũng dần đâm ra “nản” với chính dự án của mình lập ra, chẳng thèm ngó ngàng gì đến, mặc người dân thỏa sức tận dụng. Trong khi đó, người dân sống gần khu dự án thì mong mỏi các cụm CN-TTCN được lấp đầy, để họ có cơ hội vào làm công nhân, có việc làm ổn định.

Minh Dưỡng - Minh Triều

Có thể bạn quan tâm