Phóng sự - Ký sự

Bài 3: Ám ảnh bóng ma Pôn Pốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, một trong những chế độ hung bạo nhất trong thế kỷ XX, đã cáo chung. Đất nước chùa tháp hồi sinh và phát triển nhanh chóng. Tàn tích của bọn diệt chủng giờ chỉ còn ý nghĩa phục vụ hoạt động du lịch, tố cáo tội ác của những kẻ gây ra đau thương cho con người. Tuy nhiên, một lần đến vùng Khmer Đỏ từng thống trị, đại bản doanh của chúng trên ngọn núi Dangkrek, tôi không tránh khỏi cảm giác bất an. Bóng ma Pôn Pốt, bóng ma diệt chủng hãy còn lởn vởn đâu đây.
Để đến Anlong Veng, chúng tôi mất gần 2 giờ đồng hồ vượt qua quãng đường hơn 120 km tính từ Siêm Riệp theo quốc lộ 67. Thị trấn AnlongVeng thuộc tỉnh Oddar Meanchey-một trong 3 tỉnh (Oddar Meanchey, Paileng và Pontea Meanchey), Khmer Đỏ làm nơi cố thủ cho đến ngày hạ vũ khí để được hưởng lượng khoan hồng. Sự kết nối của quốc lộ 67 tới Anlong Veng giúp địa phương này cũng như tỉnh Oddar Meanchey chấm dứt tình trạng cô lập, có nhiều cơ hội phát triển. 
Khách đến tham quan nhà của Tamok. Ảnh: T.S
Ở Anlong Veng có mấy địa điểm du khách thường đến tham quan, đó là nhà của Tamok, đỉnh núi Dangkrek-nơi có tổng hành dinh của Khmer Đỏ, mộ Pôn Pốt, mộ Tamok và chợ cửa khẩu Choam. Từ ngoài vào, nhà tên “phó tướng” của Pôn Pốt được bao bọc bởi một khu đầm lầy, có nhiều cây cối rậm rạp. Tamok trưng tập binh lính xây dựng ngôi nhà này năm 1994. Cũng chỉ là cách cố thủ “cổ điển” trong bước đường cùng. Hai hình ảnh đập vào mắt du khách trước tiên đó là buồng điện đàm trên thùng ô tô cũ nát và 2 chiếc lồng sắt gỉ sét. Theo lời Chan Sok Pho-cảnh sát kiêm hướng dẫn viên du lịch vốn là bảo vệ cho Tamok trước đây, hai chiếc lồng sắt là để giam cầm và cả áp giải những “quan lớn” chống đối lại Tamok. Nhiều người đã bị lột quần áo, bị tra tấn bằng dao, búa cho đến chết trong những chiếc lồng này rồi hất xác xuống đầm lầy ngầu đục. Trong nhà Tamok, tầng trên, tầng dưới, ngoại trừ mấy cây cột gỗ, từ phòng họp, phòng ăn, phòng ngủ đều đổ bê tông kiên cố. Từ đây lên đại bản doanh của Khmer Đỏ ở núi Dangkrek chỉ chừng 16 km và cách cửa khẩu Choam giáp với Thái Lan khoảng 800 mét, một khoảng cách an toàn cho việc rút chạy khi bị quân đội chính phủ truy bức. Bông súng nở xòe trên đầm nước quanh nhà tên đồ tể nhưng không cho người ta cảm giác nhẹ nhõm khi đặt chân đến nơi này!
Căn cứ địa của Khmer Đỏ trên đỉnh núi Dangkrek bề thế, kiên cố, là địa chỉ du lịch thu hút khá đông du khách; ngày cuối tuần có đến hàng trăm khách tham quan. Lúc mới đến, chúng tôi thấy khá nhiều du khách người Campuchia bày tiệc ăn uống tại các chòi làm dịch vụ hay tới mỏm đá “tử thần” cạnh đó chụp hình lưu niệm và cả thắp hương cho một số am thờ tại đây. Đứng ở mỏm đá tử thần có thể quan sát một vùng rộng lớn bằng phẳng phía dưới chân núi. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra và gần như đây là khu vực bất khả xâm phạm của Khmer Đỏ liên tiếp trong nhiều năm. Đường vào nhiều nơi hãy còn biển báo: Cẩn thận kẻo giẫm phải mìn! Các công trình đều xây bằng bê tông vững chãi. Nhà của “thủ lĩnh Pôn Pốt to lớn ở giữa, bên phải là nhà của nhân vật cao cấp Khieu Samphan, nhà Tổng Tư lệnh quân đội Sonsen ở bên trái chỉ còn trơ vài cây cột, nền nhà lở lói phủ đầy lá mục.
Trong khi mọi người lên chòi canh để nghỉ thì Chan Sok Pho dẫn tôi tới bếp ăn của Tamok, địa điểm nhà Sonsen, hồ nước ăn... Cây rừng, cỏ dại mọc lút đầu người. Bếp ăn tường đổ bê tông, quây lưới sắt chống lựu đạn, mìn. Một góc sụp xuống, mái lợp ngói vảy tá rơi lả tả. Nhà của Sonsen chỉ còn trơ lại nền. Một hố sâu giữa nền nhà-dấu vết của người đào tìm vàng-Chan Sok Pho nói. Có người đào được 40 kg vàng ở đây! Tôi lại hình dung cái đêm hãi hùng năm 1997, cả nhà Sonsen mười mấy người kể cả bảo vệ bị giết. Theo lệnh Pôn Pốt, ngôi nhà sau đó cũng bị phá hủy. Việc Tamok “làm phản” bắt Pôn Pốt và đưa ra xét xử, giam lỏng, rồi năm 1992 hất cẳng Sonsen khỏi ghế Tổng Tư lệnh quân đội diệt chủng được xem là sự phân hóa giữa hai phe “hòa” và “chiến” và sự nghi kỵ, tranh giành quyền lực lẫn nhau trong nội bộ chủ chốt của Khmer Đỏ. Năm 1998, Pôn Pốt chết. Sau đó một năm đến lượt Tamok cũng bị quân đội Hoàng gia Campuchia tóm gọn và áp giải về Phnôm Pênh. Trước đó, các “yếu nhân” khác của Khmer Đỏ như Ieng Sary, Khieu Samphan đều đã quy hàng để được hưởng lượng khoan hồng. Tamok sau đó chết già trong bệnh viện mà chưa kịp hầu tòa. Một trang đau thương của đất nước chùa tháp dưới thời Khmer Đỏ đã khép lại.
Đồn rằng sau khi hạ bệ, Tamok giam Pôn Pốt trong một cái chòi sơ sài, xung quanh cài mìn, hàng ngày quăng cơm vào cho ăn. 3 năm như thế Pôn Pốt mới chết. Có nhiều ý kiến khác nhau về cái chết này. Người thì cho là thủ lĩnh Khmer Đỏ bị đầu độc, người thì cho bị bệnh, bị đói rét mà chết. Cách không xa “căn cứ địa”, mộ Pôn Pốt che bằng mấy tấm tôn cũ nát, một lớp tro đen lẫn với vỏ ô tô cháy nham nhở hãy còn. Trang thờ xiêu vẹo, cũ mốc dựng ở phía trước, bên trong có mấy tượng người bé xíu đã bị bẻ đầu.
Đất nước chùa tháp đã có nhiều đổi thay, tiến bộ. Đó là kết quả của chính sách hòa bình, hòa hợp dân tộc, đoàn kết hướng tới tương lai. Trang đau thương dưới thời diệt chủng dĩ nhiên ai cũng muốn quên đi thật nhanh. Bởi, cuộc sống là hướng về phía trước!       
                                              
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm