Phóng sự - Ký sự

Bài 3: Tài chỉ huy tuyệt vời của Tướng Giáp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ không thể không nhắc tới tài năng quân sự lỗi lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị Tổng chỉ huy chiến dịch. Với chiến thắng này, thế giới đã tôn vinh ông trở thành một trong số 25 vị tướng xuất sắc nhất suốt 21 thế kỷ qua.

Quyết định lịch sử

Với quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ trở thành pháo đài bất khả xâm phạm, lại được sự hậu thuẫn chặt chẽ và dồi dào từ chính phủ Mỹ, Na-va và các tướng lĩnh đã tự tin vào sức mạnh của “khối thép” Điện Biên Phủ. Một cỗ máy quân sự hoàn hảo, vậy nên Tướng Cogny đã huênh hoang rằng: "Chúng ta đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét sạch đối phương đông gấp 4-6 lần. Tôi sẽ làm tất cả để bắt tướng Giáp phải “ăn bụi” và chừa cái thói muốn đóng vai một nhà chiến lược lớn".

Tượng đài mô phỏng lại chặng đường kéo pháo ra khi quyết định đổi hướng tác chiến. Ảnh: Minh Triều

Trước khi bước vào chiến dịch, Hồ Chí Minh đã dặn dò Đại tướng: "Trận này chúng ta chỉ được thắng, không được thua vì thua là hết vốn". Sinh thời, rất nhiều lần Đại tướng chia sẻ rằng, đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. “Theo kế hoạch ban đầu được Bộ Chỉ huy chiến dịch đưa ra, quân ta sẽ mở màn chiến dịch từ ngày 20-01-1954, khi địch chưa tập trung lớn lực lượng và xây dựng hoàn thiện hệ thống.

Điều này sẽ làm tăng khả năng thắng lợi cho ta. Tuy nhiên, kế hoạch liên tục bị hoãn bởi nhiều lý do khác nhau và tới ngày 26-1, sau một đêm thức trắng, xem xét và đánh giá lại tương quan lực lượng và tình hình chiến sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định triệu tập Bộ Chỉ huy chiến dịch, bàn phương án lui thời điểm tấn công, chuyển phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đơn vị C405 của tôi khi ấy được lệnh rà phá bom mìn cho quân ta kéo pháo ra ở khu vực ngã ba Cò Nòi (Sơn La). Nhờ quyết định này, quân ta mới có ngày toàn thắng”-ông Nguyễn Văn Tùng (Đào Xá-Thanh Thủy-Phú Thọ), cho biết.

Dòng người về với Mường Phăng-nơi Đại tướng đưa ra những quyết định quan trọng cho cuộc chiến. Ảnh: Minh Triều

Lần đầu tiên đưa pháo lớn 105 mm, pháo cao xạ 37 mm vào trận địa, vượt qua địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều đồi dốc và thời tiết mùa mưa không ủng hộ, quân ta đã phải xẻ rừng bạt núi, vượt đèo suối vô cùng khó khăn. Pháo vừa tới trận địa đã phải quay ngược trở ra. “Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tư tưởng của nhiều cán bộ, chiến sỹ bởi chúng ta đã phải đánh đổi bằng rất nhiều xương máu, sức lực mới có thể đưa được pháo vào trận địa. Bộ chỉ huy chiến dịch đã phải tổ chức họp động viên, giải thích để an tâm tư tưởng toàn lực lượng. Bản thân chúng tôi khi ấy, dù làm việc ở trung tuyến song cũng nhận thức rõ mức độ cam go của trận chiến”- ông Tùng, kể lại.

Ngay từ đêm 26-1, kế hoạch kéo pháo ra nhất loạt được thực hiện. Cuộc chiến với đèo cao, dốc thẳm lại một lần nữa bắt đầu. Khó khăn hơn khi thực dân Pháp đã “đánh hơi” thấy các hoạt động của ta và liên tục cho máy bay bắn phá. “Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra lại càng khó khăn hơn, một phần khi ấy ta đã bị lộ. Đường sá chưa thành hình thành lối, trên trời, máy bay địch liên tục quần đảo. Bộ đội, dân quân bị thương chuyển về tuyến sau nhiều vô kể, thiết bị hỗ trợ điều trị sơ sài, thuốc men thiếu thốn. Chúng ta đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi bước vào trận quyết chiến”-bà Phạm Minh Thúy-nguyên là cán bộ quân y-khi ấy mới 16 tuổi đã được tăng cường điều động từ khu Điều trị 6-Cục Quân y về tăng cường tại Ban Quân y Trung đoàn 165-Đại đoàn 312, phục vụ cho bộ đội trên đường kéo pháo ra, nhớ lại.

Cũng chính trên hành trình gian khổ này, những tấm gương anh dũng hy sinh trên cung đường kéo pháo đã đi vào lịch sử, là minh chứng cho sự khốc liệt của cuộc chiến và ý chí cao hơn núi của người chiến sỹ cách mạng. Câu hỏi: “Pháo có bị sao không?” trước lúc trút hơi thở cuối cùng của anh hùng Tô Vĩnh Diện-người lấy thân mình làm bánh chèn cứu pháo khỏi lăn xuống vực khi bị đạn Pháp tấn công tại rừng Pá Có-xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên) đã ghi dấu trong lòng bao thế hệ người Việt Nam.

Đồi A1-chiến địa ác liệt nhất của chiến dịch. Ảnh: Lê Hòa


…Ngày nay, đi trên cung đường QL279 hướng từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, vượt qua điệp trùng đồi núi cao ngút, dốc ngược trời xanh, khó có thể tưởng tượng rằng đây chính là “con đường máu” vận chuyển, tiếp tế của quân và dân ta cho chiến dịch lịch sử. Sự hy sinh, gian khổ của quân ta đã được đền đáp xứng đáng. Trong hồi ký của mình, Na-va đã thừa nhận rằng: “Nếu Tướng Giáp tiến công vào khoảng 25-1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó”

Đại tướng của lòng dân


Không chỉ chính xác trong việc xác định chọn phương án tác chiến mà trong suốt các trận đánh sau này của chiến dịch, sự áp dụng mềm dẻo, linh hoạt trong các trận đánh của vị tướng lĩnh tài ba đã giúp cho “đội quân chân đất” đánh bật đội quân nhà nghề thiện chiến.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để “lấy ít địch nhiều, các chỉ huy pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lập trận địa nghi binh: dùng gỗ thui đen thành khẩu pháo giả, nghếch nòng lên, khi trận địa thật phát hỏa thì chiến sĩ phụ trách nghi binh từ trong công sự, ném bộc phá, tung lên không trung, làm cho 80% bom đạn của Pháp dùng phản pháo đã dồn vào đánh trận địa giả, đồng thời bảo vệ được những trọng pháo quý giá.

Vị Tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam còn ghi dấu trong lòng chiến sĩ, nhân dân như một người anh cả mẫu mực, gần gũi và giản dị, sâu sắc. Trong cuốn “Việt Nam kỳ tích-Những trang vàng lịch sử Điện Biên Phủ” do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành còn ghi lại tâm trạng, cảm xúc của vị chỉ huy trong những ngày khốc liệt nhất khi đánh chiếm cứ điểm đồi A1: Trời mưa, bùn đất ứ đọng trong hầm hào có khi ngập gối. Mùi bùn, xác cây thối xen lẫn thuốc súng vô cùng khó chịu. Điều này dễ khiến bộ đội ta mắc các bệnh truyền nhiễm. Mỗi lúc như vậy, Đại tướng lại đứng trên đài quan sát trận địa, vẻ mặt đăm chiêu dõi nhìn về phía chiến sĩ đang chiến đấu…

…Trong chuyến về Điện Biên lần này, chúng tôi may mắn tìm gặp được cụ bà Lù Thị Đôi ở bản Phăng-xã Mường Phăng-huyện Điện Biên. Năm nay đã tròn 103 tuổi nhưng trông cụ vẫn còn rắn rỏi và rất minh mẫn. “Bản Phăng xưa nằm sát khu rừng Đại tướng. Mặc cho giặc Pháp cấm đoán, lùng sục và bắt người theo cách mạng nhưng hai chị em tôi vẫn âm thầm góp gạo, trâu… nuôi bộ đội.


Thế rồi tôi vận động thêm bà con trong bản cùng góp sức. Bởi đang nuôi con nhỏ nên tôi ở nhà gom, khi được nhiều thì em gái lại gánh lên rừng giao cho bộ đội. Có một lần, cô em gái không đi được, tôi phải gánh thay. Thấy tôi vừa địu con, vừa gánh lương thực lên cho bộ đội, Tướng Giáp xúc động lắm. Ông động viên tôi rằng, dân ta còn đói nhưng chúng ta nhất định phải thắng trận này, vậy nên tất cả đều phải cố gắng. Chúng ta phải đuổi Pháp về nước để bà con và con cháu sau này không phải sống đời nô lệ, áp bức”-cụ Đôi, kể. Sau này, khi Tướng Giáp về thăm lại căn cứ Mường Phăng, người tìm gặp hai chị em cụ Đôi, cụ Ún thăm hỏi đầu tiên. Đại tướng còn dặn: “Chúng ta đánh thắng giặc đã khó lắm nên bây giờ hòa bình rồi, hai cụ phải sống cho khỏe để vui vầy cùng con cháu”.

Trong ký ức của mình, ông Nguyễn Hữu Chấp (tổ dân phố 20-phường Him Lam-TP. Điện Biên Phủ)-người vinh dự ba lần được gặp Đại tướng, thì đó là một vị tướng lĩnh hết sức giản dị, gần gũi. “Tôi được gặp Đại tướng lần đầu khi tham gia trong đợt tấn công thứ hai vào cứ điểm đồi Độc Lập, khi ấy Đại tướng đi thị sát thực tế tình hình chiến dịch. Đại tướng bước vào hầm và xin nhờ một điếu thuốc. Lúc ấy tôi tưởng nhầm ấy là vị Tiểu đoàn trưởng bởi ông ấy cũng là người Quảng Bình nên nói nhái tiếng của ông để trêu ông. Đến khi châm thuốc, tôi thấy ngờ ngợ và khi nhìn thấy người bảo vệ đi theo, tôi mới biết mình vừa gặp Đại tướng”-ông Chấp kể lại kỷ niệm lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Đại tướng giản dị như bất cứ một người lính nào. Trong lần gặp ông sau này, biết tôi là thông gia với một người nguyên là cán bộ rất cận kề với Tướng Giáp năm xưa, ông nằng nặc bắt tôi lấy xe máy chở ông quay về thăm người bạn ấy. Thế nhưng mọi người đã can ngăn vì cả hai đã tuổi cao sức yếu, việc đi lại như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm”- ông Chấp, tâm sự.

…Mường Phăng-nơi căn cứ Bộ Chỉ huy chiến dịch vẫn còn đó như ghi nhớ những ngày lịch sử Đại tướng cùng đồng đội đã gắn bó, đưa ra những quyết định quan trọng cho trận đánh. Đỉnh Pú Huốt cao vời vợi, làm điểm tựa cho người theo dõi chiến địa trong những ngày tháng đấu tranh gian khổ, quyết liệt với kẻ thù xâm lược. Người đã vĩnh viễn về lòng đất mẹ nhưng vẫn còn đó, “Rừng đại tướng” xanh thẳm như lòng người dân Mường Phăng nói riêng-cả nước nói chung mãi khắc ghi công lao, đóng góp của người với đất nước. Điện Biên Phủ đã làm nên một Võ Nguyên Giáp lừng lẫy năm châu và cũng chỉ Võ Nguyên Giáp mới làm nên Điện Biên Phủ lịch sử!

Lê Hòa-Minh Triều

Có thể bạn quan tâm