(GLO)- Rời Hòn Chuối-Cà Mau, đứng trên boong tàu hóng mát tán gẫu, mấy nhà báo miền Tây nhiều lần ra đảo chúc Tết quen đường rõ lối đã cho tôi biết về quần đảo xinh đẹp Nam Du. Không chỉ có ý nghĩa quan trọng về an ninh-chính trị, kinh tế, văn hóa, Nam Du còn được biết đến như một thắng cảnh, được ví như vịnh Hạ Long thứ hai của Việt Nam và có thể phát triển thành cảng biển nước sâu. Nam Du như một thiên đường du lịch, có nhiều đảo, ghềnh rất đẹp, dành cho những người thích khám phá, phiêu lưu...
Đêm…
Trời lặng gió, tàu chạy êm êm nên đến nơi lúc nào chúng tôi chẳng rõ. Tàu chuẩn bị thả neo. Mấy nhà báo lăng xăng quay phim chụp hình cảnh hoàng hôn trên biển. Mặt trời như hòn than chuẩn bị xuống biển. Cảnh đẹp hiển hiện như chốn thiên đường.
Trời, nước thẫm dần về đêm. Sau bữa cơm chiều, cái nóng lại xâm chiếm, bức bối. Mấy nhà báo lúc trưa “mất sóng” giờ vội vàng lên mạng cập nhật thông tin, chuyển tin, bài, hình ảnh về đơn vị ở đất liền. Các anh lớn tuổi hơn thì bày bàn cờ tướng thi tài cao thấp. Số khác tìm một góc vắng câu cá, mực. Nhiều người lên boong hóng mát. Ở đây dễ chịu bởi có gió nhẹ, biển trời thoáng đãng. Anh Sang-đoàn Cần Thơ tiếp tục cung cấp cho tôi kiến thức về biển.
Tàu cập bến An Sơn- Hòn Lớn. Ảnh: Thất Sơn |
Cũng như mấy đêm neo tàu tại Thổ Chu, Hòn Khoai, Nam Du, những người trẻ tuổi trong đoàn cán bộ các tỉnh miền Tây Nam bộ đi chúc Tết vẫn đang chuyện trò, hỏi han, hát ca vang lừng. Mấy chị em miền Tây giỏi thật, cũng rượu vào rồi hát ca và chuyện tiếu lâm, chẳng kém gì đám đàn ông. Đêm nào cũng như đêm nào, phải “mấy cữ” chiến đấu như vậy cuộc vui mới kết thúc. Đáng nể!
Đêm càng về khuya, gió lên, trời mát lạnh. Xa xa, ánh đèn nhà dân ven đảo tỏa sáng lung linh in bóng trên mặt nước. Trên Hòn Lớn, ánh sáng trạm ra đa quét sáng từng vệt dài và ngọn hải đăng lóe lên từng chặp. Hình như nghe được cả tiếng thở của biển. Tiếng thở đều đều nhè nhẹ, mặt biển như lồng ngực vạm vỡ phập phồng theo sóng. Mây bồng bềnh và trăng trôi nhè nhẹ. Thời gian chậm trôi, đêm lùi dần, hừng đông ửng đỏ và tiếng chim biển điểm tiếng. Một ngày mới Nam Du lại bừng lên.
… Và ngày Nam Du
Cũng như mọi lần, khi trời vừa sáng là lúc cả đoàn cơm nước xong rồi lên bờ. Ngay khi tàu còn chưa cập cầu cảng, Đại tá- Phó Tư lệnh Vùng 5 Phạm Văn Bình đã đề nghị mọi người dừng lại thắp hương tưởng niệm những người tử nạn trong cơn bão số 5 năm 1997 trước khi đi sâu vào đảo. Nghe nói cơn bão này quét qua đảo nhấn chìm hàng ngàn ghe xuồng, làm chết cũng đến hàng ngàn người. Khắp xóm ấp ở các hòn trong vùng nhuốm màu tang tóc đau thương. Sau này, xã An Sơn đã xây dựng đền thờ để tưởng niệm những người đã mất. Đến đảo phải đến các đền tưởng niệm, am thờ để thắp hương là một nghi lễ tín ngưỡng, là thông lệ đối với cư dân vùng biển. Mùi khói hương nghi ngút, hình như ai cũng xúc động nghĩ về những ngày đau thương hôm nào.
Ảnh: Thất Sơn |
Nam Du nằm trong vịnh Kiên Giang thuộc huyện đảo Kiên Hải cách TP. Rạch Giá 52 hải lý về phía Tây, có tổng diện tích trên 40 cây số vuông, dân số gần 9 ngàn người, sống bằng nghề chài lưới trên 12 đảo. Hòn Lớn là đảo lớn nhất nằm ở phía Bắc-trung tâm hành chính xã đảo An Sơn dài 2,6 km, đỉnh cao 295 m, trên có trạm hải đăng, trạm ra đa, Bộ đội Biên phòng. Phía Tây là bãi Ngự-nơi có giếng Gia Long, phía Đông là đảo Hòn Ngang.
Đi dần vào Hòn Lớn, chúng tôi đến bãi Chệch, một trong 3 ấp của xã. Dừng chân bên đường, tôi gặp chị Ba Hiền- một cư dân ở đảo kể chuyện. Chị Ba vốn quê ở Cà Mau theo cha mẹ ra đảo đã 40 năm, được dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái cũng tại đây. Chồng chị cũng như nhiều ngư dân khác ngày ngày lặn lội trên biển. Anh cùng với 4 người nữa góp vốn đóng một chiếc thuyền bám biển. Mỗi bận đi biển thường nửa tháng, chi phí khoảng 10 triệu đồng. Gặp buổi trời yên bể lặng, có nhiều tôm cá thì chia lợi có thể 5-7 triệu đồng/người, nhưng chẳng may trời giông biển động thì kể như trắng tay. Hải sản đánh bắt được chủ yếu chuyển vào bờ tiêu thụ.
Tàu đò hai ngày mới có một chuyến ra đảo. Gạo, thịt, rau quả gần như phụ thuộc trong bờ. Dân đảo chỉ đánh bắt hải sản, số còn lại làm thợ hồ, phụ nữ vá lưới, buôn bán lặt vặt. Chỉ có một số gia đình kinh tế khá giả làm tàu lớn mới đi khơi xa, đánh bắt nhiều tôm cá, còn phần lớn bà con cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Ngày tận tháng cùng nhưng người trên đảo còn bận đi biển, tới 29 Tết mới vào bờ. Ngày Xuân, nhà nhà nấu thịt heo hầm, bánh tét, dưa chua… để cúng ông bà. Các trò chơi, thư giãn chỉ có hát karaoke, đánh bài, xem ca nhạc, đá gà, và tất nhiên là không thể thiếu… nhậu. Đến mùng Bốn, mùng Sáu Tết, bà con đã lại ra khơi.
Trời về trưa, cuốc xe ôm cuối cùng đưa chúng tôi đến trạm ra đa 600 và hải đăng ở độ cao 320 mét so với mực nước biển. “Xuân Xuân ơi Xuân đến rồi…”- tiếng loa phóng thanh vang vang bài ca mừng Xuân. Lãnh đạo Vùng 5 Hải quân, các đoàn khách lần lượt đi chúc Tết chính quyền, nhân dân xã đảo, Đồn Biên phòng cũng vừa về đến nơi. Thượng úy- Trạm trưởng Đinh Văn Phong cho biết: Đơn vị đã có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ trước, trong và sau Tết. Cán bộ, chiến sĩ vui tươi, phấn khởi vì được đoàn lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến thăm, tặng quà.
Thêm một lần cảm nhận Tết sớm ở một đơn vị Hải quân đứng chân nơi đầu sóng ngọn gió trên vùng biển đảo Tây Nam Tổ quốc.
Thất Sơn