Bài 3: Vững một niềm tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi biết rõ mục đích của tôi, không ngần ngại, ông Lê Tiên kể luôn một hồi, thật rõ ràng, cụ thể và đầy niềm tự hào xen lẫn sự xúc động về những năm tháng hoạt động của mình trên mảnh đất Gia Lai. Càng nghe ông kể chuyện, tôi càng thấy mình vô cùng may mắn khi được tiếp xúc với một trong những cán bộ kiên trung, người đang nắm giữ cả một “kho báu” của những câu chuyện về một thời dựa vào dân để sống và chiến đấu.

Nói về ông, ông Ngô Thành- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, một trong số những cán bộ ở lại miền Nam trong thời kỳ 1954-1960 nhìn nhận: “Đồng chí Lê Tiên là một trong những người lên Tây Nguyên từ rất sớm, chịu đựng nhiều vất vả, gắn bó với phong trào cách mạng ở Gia Lai. Là người dành suốt cuộc đời chiến đấu trên chiến trường Gia Lai, đồng chí Lê Tiên đã góp phần quan trọng trong xây dựng phong trào trên nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là địa bàn phía Nam đường 19 (huyện Đak Pơt, sau là huyện 6, huyện Mang Yang).
 

Ông Lê Tiên (người ngồi giữa) cùng vợ, bà Nguyễn Thị Hưng và người bạn tâm giao, ông Trần Đình Tăng. Ảnh: T.H

“Có khó khăn nào mà chúng tôi chưa trải qua”

Trong suốt câu chuyện với tôi, ông như đang trở lại cái thời thanh niên sôi nổi, quả cảm, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Tôi có cảm giác, trước mặt tôi bây giờ là chàng trai Lê Tiên quê võ (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), tính tình hiền lành nhưng rất nhạy bén khi nắm bắt tình hình và quyết đoán trong công việc… Tham gia cách mạng khi khởi nghĩa giành chính quyền tại xã, năm 1950 lên Tây Nguyên, công tác trong vùng địch hậu; sau Hiệp định Giơnevơ (1954), được Tỉnh ủy Gia Lai bố trí ở lại miền Nam công tác và được chỉ định là Ủy viên Ban Cán sự Đảng huyện 7, trực tiếp là Đội trưởng Đội công tác các xã từ A8 đến A12, rồi kinh qua rất nhiều vị trí công tác khác nhau trong những năm sau này như Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng khu 9 (năm 1967), Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng khu 9 (1968-1969)..., ở bất cứ vị trí công tác nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhớ lại những năm được tỉnh phân công phụ trách xây dựng cơ sở nội thị hồi những năm 1968-1970, ông Lê Tiên trầm giọng: “Cuộc đời tôi, thử thách làm cách mạng là trong giai đoạn này-thời kỳ Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung chịu nhiều gian khổ ác liệt và bom đạn không biết bao nhiêu mà kể xiết. Những năm này, Pleiku 4 phía không còn một bóng cây, đất trống rỗng như những thửa ruộng mới cày ải. Đây cũng là khoảng thời gian anh em đồng chí của mình chịu nhiều vất vả, hy sinh, không biết bom đạn rơi trên đầu mình lúc nào. Việc xây dựng cơ sở bên trong lòng địch, xây dựng biệt động thành ngày một khó khăn, nhưng khó mấy, anh em cũng quyết tâm làm; bên cạnh đó còn liên tục đấu tranh với địch trên các mặt chính trị, giành dân và binh vận”.

Vậy là, suốt những năm tháng còn trong lửa đạn, ông Lê Tiên luôn khắc cốt ghi tâm một tinh thần sẵn sàng hy sinh cho cách mạng, tất cả vì sự độc lập, tự do cho Gia Lai và cả nước nói chung. Sau giải phóng, ông lại tiếp tục góp sức mình vào sự ổn định tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của tỉnh. Giờ đây, khi chỉ cho tôi xem hàng loạt những tấm huân-huy chương các loại-những phần thưởng mà Đảng và Nhà nước trao tặng ông trong suốt thời gian tham gia hoạt động cách mạng của mình, ông Lê Tiên không giấu được niềm tự hào đang ánh lên qua mỗi lời nói, mỗi ánh nhìn.

Cuối cùng, ông bảo: Cái quý nhất chính là lòng tin Đảng và sự quyết tâm đi theo con đường mà mình đã chọn. Khi tôi đã xác định rằng sẽ gắn bó cả đời mình với Gia Lai thì tất cả lòng nhiệt thành, bao tâm huyết, nhiệt huyết cách mạng, tôi phải dành cho mảnh đất này. Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng có khó khăn nào mà ta không thể vượt qua, để cống hiến, góp một phần công sức của mình cho công cuộc chung của quê hương, đất nước.

Nụ cười thanh thản

Nhắc đến chuyện gia đình, ông Lê Tiên chỉ cười. Ông bảo, trong suốt những năm tham gia cách mạng ấy, hầu như ông không còn thời gian để chăm lo đến chuyện riêng tư, ngay cả việc gầy dựng cho mình một gia đình riêng cũng bị “để dành” hết lần này đến lần khác. Mãi đến cuối năm 1975, khi ở tuổi 46 ông mới lập gia đình. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hưng, người ở ngay xã kế bên (xã Hoài Thanh) cũng tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.

Cuộc sống của hai vợ chồng đều là thương binh trong những tháng năm đầu sau ngày giải phóng ấy thật vô cùng vất vả, nhưng sự vất vả ấy dường như không thấm vào đâu so với nỗi canh cánh mỏi mong có một đứa con của hai ông bà. Rồi ông bà tính chuyện nhận con nuôi, chẳng tìm đâu xa mà nhận ngay đứa cháu về làm con cái trong nhà. Chuyện như thế tưởng cũng đã là vui, nhưng có một niềm hạnh phúc đến vô cùng, tưởng như không gì sánh nổi đã đến khi vào năm 1981, nỗi mỏi mong của ông bà đã thành hiện thực-một bé gái xinh xắn đáng yêu chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Cô bé ấy, giờ cũng đã trưởng thành, là một công dân tốt, một cán bộ giỏi giang của tỉnh.

Kể cho tôi những chuyện này, bà Hưng không hề thay đổi cách ngồi, nét mặt. Vẫn với gương mặt hiền từ, lấp lánh niềm vui. Vẫn cái dáng ngồi thư thái. Và đặc biệt là cái giọng nói chuyện truyền cảm, chất chứa tình yêu thương của bà khiến câu chuyện thêm phần sâu lắng. Riết rồi bà bảo, tiếc rằng giờ bà đã yếu đi nhiều, nếu không đã có thể tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ong mà suốt mấy mươi năm qua ông đã dành nhiều tâm huyết. Vậy là câu chuyện của chúng tôi lại “đột ngột” chuyển hướng khi bà kể lại quãng thời gian hồi những năm cuối thập kỷ 80 (thế kỷ trước), khi ông mới về hưu.

Về nghỉ rồi, dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút  nhưng ông vẫn luôn trăn trở tìm cách “kiếm thêm đồng ra đồng vào”, đỡ đần bà khi khó khăn, mở đầu cho việc này là mua đất trồng cà phê. Sau vài năm thấy không ổn, ông bàn tính với bà chuyển qua nuôi ong. Hồi đó, cả tỉnh Gia Lai, số hộ nuôi ong còn ít, mới chỉ có khoảng 30-40 người. Không chỉ nghĩ cho riêng mình, sau vài năm thấy nuôi ong thu lợi cao, ông tính đến chuyện thành lập Hội Nuôi ong. Ấy là vào những năm 1996-1997, khi số người yêu thích nghề này ở Gia Lai vào khoảng 70-80 người.

Được anh em tín nhiệm, ông liên tục đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Nuôi ong của tỉnh trong suốt 6 năm liền. Trong quãng thời gian ấy, số hội viên tham gia tổ chức này đã vào khoảng trên 2.000 người, trong đó có gần 1.000 hội viên nhờ nuôi ong mà ăn nên làm ra, có của ăn của để và nhiều người trong số đó trở nên giàu có.

Hiện nay, dù không còn tham gia công việc xã hội, căn nhà nhỏ của ông bà vẫn là nơi đi về của anh em hội viên, vẫn là nơi chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống đồng thời cũng là nơi giới thiệu và cung cấp những sản phẩm từ ong tới tay người tiêu dùng. Công việc lúc tuổi già này khiến ông vui hơn và bà thì như trẻ lại. Bà bảo, bà vẫn đinh ninh một điều rằng, trong tấm lòng những người anh em đồng chí, đồng đội của ông, ông vẫn luôn là một người anh bao dung, một người bạn gần gũi, một người lãnh đạo liêm khiết, mẫu mực, hết lòng vì công việc chung.

Chẳng thế mà ông nghỉ hưu cũng đã lâu, sức nay cũng đã cạn mà anh em bạn bè vẫn thường xuyên dành thời gian thăm hỏi, đến chia vui và học hỏi kinh nghiệm trong công tác. Còn ông, sau một hồi ngồi lắng nghe những tâm tình của bà, ông cười và nói với tôi những lời chân thành, gan ruột: “Quan trọng là phải có niềm tin, tin để cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cháu ạ. Ông bà rất vui khi đã góp một phần sức mình vào thắng lợi chung của đất nước. Thế hệ nào cũng thế, đặc biệt là lớp thanh niên bây giờ cần phải nuôi dưỡng niềm tin, phải tin và sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Nhà nước ta”-nói rồi ông nhìn sang người bạn đời của mình và cười-nụ cười thanh thản.

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm