Phóng sự - Ký sự

Bài 4: Thái Lan và những thành phố hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ Namyuen chúng tôi bắt xe Song Thẻo để đi lên Det Udom, từ Det Udom bắt xe đi Ubon Rachatani, từ đó thì chúng tôi mua vé đi thẳng Maha Sarakham. Nơi chúng tôi dừng chân là Trường đại học Maha Sarakham, ngôi trường đại học lớn thứ 4 ở Thái Lan. Trường có hơn 40.000 sinh viên và hơn 10 nước trong khu vực châu Á liên kết, trong đó có sinh viên Việt Nam.

Giáo dục đại học tiên tiến  

Ra đón chúng tôi là Minh quê Hà Tĩnh, hiện đang học năm 2, lớp cao học Nghệ thuật ứng dụng và Mỹ thuật. Hàng năm, có khoảng 50 sinh viên Việt Nam được đào tạo hệ sau đại học chuyên ngành này.
 

Khuôn viên Trường Đại học Maha Sarakham. Ảnh: L.T.V

Sinh viên ở đây mặc đồng phục, váy xanh hoặc xám (tùy theo khoa). Có thể phân biệt sinh viên các năm qua độ dài của váy. Năm nhất váy chấm mắt cá, năm hai tới nửa ống chân, năm ba chấm ngang gối, năm cuối cao hơn một chút. Ở Thái, sinh viên vào trường phải hành lễ với tượng voi trước cổng. Sinh viên lớp nhỏ phải chào sinh viên lớp lớn. Sinh viên Việt Nam chủ yếu học cao học.

Vì vậy, khi thấy chúng tôi tất cả các sinh viên Thái đều chào kính cẩn. Đặc biệt, họ rất kính trọng thầy-cô giáo. Sự kính trọng này chỉ sau nhà sư và Quốc vương. Nhìn những sinh viên chắp hai tay chào, tôi thấy sao trái ngược với sinh viên Việt Nam như thế. Đi dạy nhiều năm, tôi không khỏi buồn học sinh của mình đi đối diện mà như không quen biết. Rồi những bài báo học sinh đánh thầy-cô giáo… mà chợt thấy đau lòng.

Không gian trường rộng hơn 40 ha, thoáng đãng, với nhiều cây xanh và hồ nước. Có xe điện miễn phí cho sinh viên đi lại. Khu ký túc xá sinh viên được xây thành từng dãy, mỗi dãy có 4 phòng. Mỗi phòng có 2 giường đôi, phòng tắm riêng sạch sẽ, có cả ti vi, máy điều hòa và máy nóng lạnh. Trường không có người giữ xe nhưng sinh viên để xe ngăn nắp, đúng nơi quy định. Minh bảo có để xe ở đây một tháng thì cũng không có hiện tượng trộm cắp. Chúng tôi loanh quanh chủ yếu ở Khoa Nghệ thuật. Mỗi sinh viên học mỹ thuật thì đều có một chỗ làm việc riêng. Họ có thể ăn, ngủ và sáng tác. Những tác phẩm tỉ mỉ và công phu được thể hiện với nhiều chất liệu khác nhau, cực kỳ phong phú. Chúng tôi bắt gặp những sinh viên say sưa làm việc như quên đi sự hiện diện của chúng tôi bên cạnh.

Nhà ăn sinh viên là một khu vực cực kỳ rộng lớn, với nhiều gian hàng, món ăn tự chọn, từ cơm, phở, trái cây, nước uống… Chúng tôi chọn món, giá tiền vừa phải và khoan khoái thưởng thức các món ăn lạ. Bên cạnh nhà ăn có một khu vực bán đồ cho sinh viên vào buổi tối với đủ loại mặt hàng và giá rất rẻ.

Tối. Chúng tôi chọn cho mình một quán bar sinh viên. Quán bar ở đây giống quán bar ở các khu phố Tây, thường cửa mở, bàn ghế được xếp ra tận ngoài đường chứ không nhốt mình trong phòng kín như bar Việt Nam. Có một nhóm nhạc chơi riêng cho quán. Chúng tôi thưởng thức những chai bia mát lạnh và nghe nhạc. Chàng ca sĩ trẻ tuổi hát say mê, hết bài này sang bài khác, dù chúng tôi không hiểu cũng lắc lư theo điệu nhạc. Chủ quán đích thân lên sân khấu nói lời chào mừng những người bạn đến từ Việt Nam làm chúng tôi cảm thấy đêm tạm biệt Maha Sarakham trở nên ý nghĩa, gần gũi và ấm cúng hơn bao giờ hết.

Bangkok-nồi lẩu sục sôi

Chúng tôi đến Bangkok, đường phố lúc nào cũng trong tình trạng đầy ứ xe cộ nhưng không có cảnh chèn vượt nhốn nháo, hỗn loạn. Nhờ người bạn, chúng tôi đến một khách sạn rất lớn, gần khu trung tâm-Khách sạn Chaleena. Nhìn khách sạn chúng tôi biết giá không hề rẻ chút nào. Phòng đôi rẻ nhất cũng 1.600 baht/phòng/đêm (khoảng 1.200.000 VND), đành ngậm ngùi ở lại một đêm.

Sáng hôm sau, chúng tôi trả phòng, mới té ngửa, xà phòng tắm, gội, kem bàn chải đánh răng đều tính tiền. Cầm hóa đơn mà chúng tôi ức không chịu được cứ nghĩ là đồ miễn phí nên dùng. Bởi tất cả những thứ đó đều được mang theo. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm đắt giá. Về Việt Nam mới biết rất nhiều người du lịch cũng bị như chúng tôi.
 

Ảnh: L.V.T

Chúng tôi đã search được kinh nghiệm của dân “phượt” Việt. Khu phố Tây-Kaosan Road, có nhiều mức giá phòng tùy theo khả năng và nhu cầu của khách. Có thể nói giá khá rẻ. Khu phố treo rợp cờ Thái như đang có lễ hội. Đường phố thì toàn những thanh niên Tây, đầy sức sống. Hai bên phố bày bán rất nhiều đồ lưu niệm đặc trưng của đất nước Thái Lan.

Bangkok dường như không ngủ. Chợ đêm không ngừng nhộn nhịp sau khi các khu thương mại như Palatinum hay Pratunam Fashion Mall… đóng cửa, cho đến tảng sáng. Giá cả hầu hết được niêm yết, không phân biệt khách bản địa hay người nước ngoài. Có hai loại giá dành cho khách lẻ và sỉ (dành cho mặt hàng từ 3 cái trở lên). Những Mac Donald, Baskin Robin, Shibuya Trade Centre rực rỡ đèn; các quán bar nhạc xập xình suốt đêm. Giới trẻ vừa túm tụm uống bia vừa nhún nhảy ngoài đường như một sàn nhảy công cộng rộng lớn và ai cũng hò hét hết mình, nhảy nhót hết mình. Đêm càng thêm cuồng nhiệt và hoang quái khi các thanh niên Tây lắc lư, lờ đờ theo làn khói shisha uốn lượn. Thành phố này như một nồi lẩu sôi sục, liên tục tỏa nhiệt. Không hổ danh với cái tên Thái Lan (trong tiếng Thái, chữ “Thái” có nghĩa là “tự do”).

Chúng tôi rời Bangkok vào sáng sớm, sau hai ngày khám phá những vẻ đẹp đặc trưng cũng như sự hiện đại của đất nước Thái Lan. Không khí yên tĩnh bao trùm thành phố, cảm giác ngỡ như những chuyện về đêm chỉ là một giấc mộng kỳ quặc. Mà, biết đâu, đời sống ồn náo của nội tâm mình chẳng lại cũng là một giấc mộng kỳ quặc đó sao?  

Lê Vi Thủy

Có thể bạn quan tâm