(GLO)- “Làng Tum” là nói theo nguồn gốc cổ xưa của TP. Kon Tum bây giờ. Người bản địa ở đây gọi cái làng của họ như vậy có nghĩa là làng (kon) ở gần hồ nước (tum). Hồ nước bây giờ ở đâu thì không còn thấy nữa nhưng đô thị này là một trong những thành phố trẻ, đẹp, nép mình bên dòng sông Bla và với một diện tích và cư dân vừa phải. Mấy năm lại đây, chừng vài ba tháng không đến thì lần sau khách lạ sẽ thấy những thay đổi bất ngờ…
Những đổi thay
Một chiều muộn bên bàn tiệc nhỏ trong khuôn viên văn phòng của một doanh nghiệp nhỏ nhưng đang “ăn nên làm ra” trên đất Kon Tum ở ngoại ô thành phố, tôi được “hóng chuyện” cùng nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh này-anh Huỳnh Hảo mà chúng tôi vẫn gọi là Chín Hảo. Về nghỉ hưu đã khá lâu nhưng anh vẫn như ngày nào tôi biết- luôn sôi nổi, vui vẻ và thêm chút tiếu lâm… với giọng cười sảng khoái; những câu chuyện tưởng chừng như không đầu không cuối thế mà cứ dắt chúng tôi về với Kon Tum một thuở.
Ảnh: Bích Hà |
Ấy là ngày Kon Tum chỉ là một thị xã nhỏ thuộc tỉnh chung (Gia Lai-Kon Tum), sau mười mấy năm sáp nhập dường như nó chẳng được đầu tư gì nhiều, mà cũng đúng thôi, thuở ấy tiền ít mà nhu cầu phát triển thì nhiều, với một tỉnh (cũ) mà diện tích đứng vào hàng nhất nhì của cả nước, biết bao nhiêu chuyện cần đến tiền. Là Chủ tịch UBND thị xã ngày ấy, anh thừa biết chuyện khó khăn đó không chỉ của riêng thị xã, nơi anh đang giữ trọng trách. Sự chia tách, tái thành lập tỉnh Kon Tum vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước là một quyết sách đúng.
Cùng với cả tỉnh, TP. Kon Tum những năm lại đây được cả Trung ương và tỉnh này chú ý đầu tư phát triển từ nhiều phía, cả nội lực và ngoại lực. Như trên đã nói, chỉ mới mấy tháng không ghé qua mà lần này đến tôi thật sự bất ngờ cho việc đầu tư phát triển, nhất là việc mở rộng về giao thông nội-ngoại thành. Những con đường gồ ghề, đầy ổ heo, ổ gà giờ chỗ thì đang thi công, chỗ đã làm xong bằng bê tông nhựa với nhiều làn đường, ở giữa có dải phân cách cứng được trồng hoa cây cảnh thật khang trang, hoành tráng.
Kon Tum như từng ngày khoác thêm lên những chiếc áo mới- “chuẩn bị cho sinh nhật 100 năm tuổi đó”, một đồng nghiệp cho tôi hay là vậy. Cùng với sự phát triển giao thông nội-ngoại ô, Kon Tum còn đang lo chuyện ăn, ở, đi lại cho vùng ngoại thành, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Được biết, giờ đã không còn nạn đói kinh niên, đói giáp hạt, mù chữ trong độ tuổi đã được xóa, ốm đau bệnh tật đã có nơi, có người chăm sóc, người dân đang trong cuộc sống bình yên, chăm lo làm lụng để tự mình vươn lên làm giàu.
…Đêm xuống, bên dòng Đak Bla lượn lờ yên ả, Kon Tum thơ mộng hiện lên với những con đường sáng điện đủ sắc màu quyến rủ và ở đây mật độ các phương tiện lưu thông thưa thớt, cũng như thế “mật độ” của những điểm bán mua cũng chưa dày nên tạo ra cho đô thị này sự bình yên và trật tự. Lữ khách khó lòng không trở lại khi đã một lần đến với cái làng “bên hồ nước” còn khá nhiều điều bí ẩn cần được biết đến này!
Tiềm năng đang được khơi dậy
Là thành phố tỉnh lỵ, Kon Tum có những điều kiện thuận lợi để khai thác những tiềm năng mà mình đang sở hữu. Nằm trên trục đường Trường Sơn đang được đầu tư nâng cấp và khai thác cho tuyến vận tải chiến lược Nam- Bắc và ngược lại, và cũng là nơi giao nhau giữa quốc lộ 24 nối các tỉnh Duyên hải miền Trung về phía Đông Bắc là quốc lộ 1A, ở khu vực này hiện đang trên đà phát triển với cả hệ thống cảng biển và đường sắt, đường không.
Đồng thời Kon Tum lại nằm trên trục kinh tế Đông-Tây của vùng Tam giác phát triển của cả ba nước Đông Dương, nối nhau với các trung tâm kinh tế, văn hóa của Hạ Lào theo quốc lộ 18 với những vùng chuyên canh cây mía, cao su gắn liền với các nhà máy chế biến và thủy điện, Sân bay Quốc tế Attapeu do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư từ nhiều năm nay, và xa hơn tý nữa là Đông Bắc Thái Lan cũng là vùng đầy tiềm năng cho sự giao thương và dịch vụ...
Các nhà truyền giáo thuộc Pháp đã đến Kon Tum từ năm 1851. Đây là trung tâm hành chính cũ của Pháp ở Tây Nguyên. Ngày 10-12-2008, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thông qua đề án và được cấp trên chấp thuận thành lập thành phố Kon Tum trên cơ sở diện tích và dân số hiện tại của TP. Kon Tum là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Kon Tum, nằm ở phía Nam tỉnh này, bên bờ sông Bla. Theo tiếng người bản địa Bahnar ở đây, Kon Tum có nghĩa là “làng ở gần hồ nước”. Từ trên cao nhìn xuống, TP. Kon Tum có hình lòng chảo. TP. Kon Tum cách Buôn Ma Thuột (Đak Lak) 246 km, cách Quy Nhơn (Bình Định) 215 km và cách Pleiku (Gia Lai) 48 km. (Nguồn: Internet |
Đặc biệt hơn nó còn là nơi cận kề của một Pleiku đang từng ngày đổi thay theo hướng công nghiệp và dịch vụ của một đô thị năng động và hiện đại nằm ngay trung tâm của vùng Bắc Tây Nguyên và trọng điểm của cả Tam giác phát triển... Cùng với đó, TP. Kon Tum còn là nơi sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, các địa chỉ có tên tuổi trong danh sách các di tích lịch sử văn hóa và truyền thống trong kháng chiến của cả vùng, cả nước hiện đang được quy hoạch, từng bước xây dựng, phục hồi và khai thác.
Trong những câu chuyện cùng anh Chín Hảo hôm nào, gợi cho tôi hình dung lại những ngày xưa ấy, vui buồn một thuở cứ mồn một hiện về… Tiềm năng của thị xã mà anh đang là người đứng đầu thuở ấy không phải bây giờ người ta mới nhận thấy, nhưng quả không sai khi ai đó khẳng định rằng “cái khó bó cái khôn” là thật đúng, ít nhất cũng trong trường hợp tôi đang nghĩ. Biết phải làm sao “cải tạo” bộ mặt kinh tế-xã hội nơi đây với một cái túi ngân sách rỗng, mọi chi tiêu đều từ một nơi “quyền lực tối cao” phát ra và theo nó là sự “năng động” của chuyện xin-cho của một thời đáng trách.
Thoắt cái mà đã gần bốn thập kỷ trôi qua kể từ ngày giải phóng-1975. Một thế hệ cán bộ 7X, 8X đã trưởng thành và đảm nhiệm những công việc quan trọng trong bộ máy lãnh đạo, điều hành của Kon Tum mà tôi được biết đến cũng là một tiềm năng đang được nơi này khai thác. Đồng bộ các tiềm năng cùng được khai thác hiệu quả, chắc chắn thành phố trẻ Kon Tum chẳng bao lâu sau sẽ vươn lên sánh vai cùng các bậc đàn anh đàn chị. Chắc chắn là vậy!
Bích Hà