Giáo dục

Bãi bỏ quy định phân hạng đạo đức giáo viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong Thông tư 08/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bãi bỏ quy định phân hạng đạo đức giáo viên.

Bộ GDĐT đã bãi bỏ quy định phân hạng đạo đức giáo viên. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Thông tư 08 ngày 14.4.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2.2.2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, bên cạnh việc quy định mỗi giáo viên chỉ cần một chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên thay vì 3 chứng chỉ như quy định trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã bãi bỏ quy định mỗi hạng giáo viên có một tiêu chuẩn đạo đức riêng.

Trước đó, tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04 ngày 2.2.2021, Bộ GDĐT quy định có 3 hạng chức danh, giáo viên thứ hạng cao có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp... cao hơn thứ hạng thấp.

Cụ thể, trong các Thông tư nói trên, Bộ GDĐT đặt ra “Tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo” với quy định nhà giáo mầm non và phổ thông hạng I có tiêu chuẩn đạo đức cao hơn nhà giáo hạng II, nhà giáo hạng II có đạo đức cao hơn nhà giáo hạng III.

Quy định nói trên đã bị nhiều nhà giáo, chuyên gia pháp lý lên tiếng phản đối, cho rằng không phù hợp với quy định của pháp luật, không phù hợp thực tế.

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng, không thể “phân hạng” đạo đức nghề nghiệp cao thấp theo thứ hạng chức danh, mà chỉ có một tiêu chuẩn đạo đức chung của nhà giáo, ai cũng phải tuân theo, phấn đấu suốt đời.

Từ đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đề nghị Bộ GDĐT bãi bỏ quy định bất hợp lý về tiêu chí đạo đức nghề nghiệp giáo viên.

Đến nay, Bộ GDĐT đã tiếp thu ý kiến từ dư luận, bãi bỏ các tiêu chí về đạo đức nhà giáo phân theo hạng bất hợp lý nói trên.

Có thể bạn quan tâm