Bài cuối: Bay lên Măng Đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Măng Đen là một trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum. Thị trấn huyện lỵ của huyện Kon Plông này có vị trí thuận lợi, nằm gần ngã ba quốc lộ 24 và đường Trường Sơn Đông, khí hậu mát mẻ quanh năm. Cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp bao gồm các khu rừng nguyên sinh, rừng thông và các hồ nước, thác nước tạo cho Măng Đen nét đẹp kỳ ảo, nguyên sơ.

Đời sống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn như Mơ Nâm, Xơ Đăng, Ka Dong, Hre rất phong phú làm tăng thêm sức hấp dẫn của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này. Bên cạnh đó, ngay trên địa bàn có hai địa chỉ tâm linh đã và đang thu hút một lượng lớn khách thập phương hàng năm hành hương về là tượng Đức Mẹ và chùa Khánh Lâm.
 

Ảnh: Thanh Phong
Ảnh: Thanh Phong

Tại chùa Khánh Lâm, tháng 3-2013 đã diễn ra lễ cầu siêu bạt độ Uống nước nhớ nguồn thu hút hàng ngàn phật tử về tham gia. Trung tuần tháng 9-2013 hơn 40.000 người, 1.500 xe ô tô và 10.000 xe máy từ các nơi đổ về đây tham dự ngày hành hương hàng năm kính Đức Mẹ Măng Đen.

Biết được lợi thế của mình, những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum cũng như huyện Kon Plông luôn tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư, đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh Măng Đen với các tour du lịch trong và ngoài nước. Tháng 3 năm nay, tỉnh Kon Tum đã tổ chức một cuộc hội thảo quy mô về phát triển Khu Du lịch Sinh thái quốc gia Măng Đen, hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia đầu ngành về du lịch và các nhà khoa học.

Có 5 nhóm vấn đề đã được các đại biểu dự hội thảo đóng góp, trong đó khá nhiều tham luận rất đáng quan tâm. Nhóm vấn đề về phát triển du lịch và sản phẩm phục vụ du lịch của PGS. TS Phạm Đức Mạnh, TS Nguyễn Khắc Cảnh-Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, cho rằng cần phải xây dựng Bảo tàng Nhân học để tạo nét nhấn nhân văn trong khu du lịch sinh thái. TS Vũ Tuấn Anh-Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tham luận về khai thác tiềm năng thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng, bước đầu làm thí điểm ở một hai làng.

TS Lê Dân-Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nhận định với những tiềm năng và thế mạnh của mình, Măng Đen có thể phát triển các sản phẩm: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại và mạo hiểm, du lịch văn hóa và tín ngưỡng… GS.TS Lê Văn Khoa, Ths Phạm Quang Tú và KS Phan Đình Nhã-Viện Tư vấn Phát triển đề xuất cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch và sản phẩm du lịch, phát triển sản xuất các sản phẩm nông-lâm nghiệp đặc thù để tạo sản phẩm đa dạng cho du lịch…

Trong nhóm vấn đề về quảng bá, thu hút đầu tư, TS Đoàn Liêng Diễm-Đại học Tài chính-Marketing cho rằng phải tích cực quảng bá đối với thu hút đầu tư. TS Đỗ Cẩm Thơ-Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tham luận về lộ trình xây dựng thương hiệu cho Khu Du lịch quốc gia Măng Đen trong kế hoạch marketing của địa phương, trong đó tác giả đánh giá vị trí, vai trò của Khu Du lịch Măng Đen trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam…

Đáng chú ý nhất là các tham luận thuộc nhóm vấn đề về liên kết phát triển và vai trò giữa Măng Đen với bên ngoài với các tham luận của: PGS.TS Nguyễn Kim Lợi-Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh về liên kết phát triển du lịch Măng Đen với du lịch miền Trung và Tây Nguyên; tham luận về liên kết phát triển du lịch giữa Măng Đen và các khu du lịch khác ở vùng Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh của PGS.TS Nguyễn Ngọc Anh Thư-Đại học Tài chính-Marketing; vai trò của Khu Du lịch Măng Đen trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và khu vực Tam giác phát triển (Việt Nam, Lào, Campuchia) của TS Hoàng Ngọc Phong-Viện Chiến lược Phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác giả cho rằng Măng Đen là điểm trung chuyển lý tưởng nối từ Myanmar-Đông Bắc Thái Lan-Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ của Việt Nam.

Với lợi thế nổi trội về điều kiện sinh thái nếu được đầu tư đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường thì Măng Đen chính là điểm phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng không thể bỏ qua trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và khu vực Tam giác phát triển…

Hiện nay, Măng Đen đang cần nội và ngoại lực tác động để khai thác vùng đất nhiều tiềm năng này, tạo cơ hội cho cả khu vực Bắc Tây Nguyên cùng “cất cánh”. Không chỉ quan tâm đến du lịch đơn thuần, chính khí hậu ôn đới nơi đây còn tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi để phát triển nghề trồng hoa, rau quả xứ lạnh không thua kém Đà Lạt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở Măng Đen đã và đang đầu tư nuôi cá tầm, cá hồi cung cấp cho nhu cầu thực phẩm cao cấp của khu vực các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

Hướng đã mở, nhất định thời gian tới Măng Đen sẽ phát triển mạnh, chứng tỏ vị trí khu du lịch sinh thái quốc gia của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm