(GLO)- Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tham gia dự án trồng cao su là rất lớn. Song vấn đề quan tâm hiện nay là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh thấy khó tuyển dụng lao động địa phương thì “bỏ lơ” quay sang tuyển lao động thời vụ ở nơi khác đến. Vì vậy, giải pháp nào gỡ khó cho vấn đề này?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Binh đoàn 15, Công ty 194 đã thực hiện rất tốt công tác tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc lâu dài trong các công ty. Điển hình nhất là Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã tuyển dụng 162 lao động là lao động địa phương trên địa bàn xã Ia Boòng vào làm công nhân cao su trong vùng Dự án Ia Mơr. Tại vùng dự án, Công ty đã trồng được trên 2.000 ha cao su và đã thành lập thêm 2 nông trường: An Phú và An Biên. Nơi đây, tương lai gần, Công ty sẽ thành lập khu dân cư mới, có điện, đường, trường, trạm để tạo điều kiện cho công nhân có cơ hội làm giàu.
Công ty TNHH một thành viên cao su Chư Prông xây dựng nhà ở cho công nhân ở dự án Ia Mơr để công nhân yên tâm gắn bó với vườn cây. Ảnh: Đinh Yến |
Ông Phan Sỹ Bình- Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, cho biết: Nhằm “giữ chân” lao động, Công ty đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để công nhân gắn bó lâu dài với Công ty. Vì thế, trong quá trình làm việc, sau 2 tuần người lao động sẽ được Công ty cho nghỉ 3 ngày về thăm gia đình, vợ con. Những lần đi lại, Công ty đều có xe đưa đón. Các chế độ, quyền lợi của người lao động đều được đảm bảo. Nhờ vậy, lao động rất yên tâm gắn bó với đơn vị và tuyển dụng cũng dễ dàng. Không những thế, đối với những lao động vào làm công nhân ở 2 nông trường: An Phú và An Biên gắn bó lâu dài với dự án, Công ty sẽ đứng ra tổ chức đám cưới và tạo chỗ ăn, ở cho gia đình các công nhân này. Vào cuối năm 2011 vừa qua, Công ty đã tổ chức đám cưới cho 2 công nhân xã Ia Boòng vào dự án Ia Mơr làm công nhân, nhờ vậy mà họ rất vui, yên tâm gắn bó đời mình với cây cao su.
Qua kiểm tra của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các ngành liên quan mới đây về tìm hiểu tình hình triển khai tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc ở một số doanh nghiệp trong dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, cho rằng: Việc một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh khó tuyển dụng lao động địa phương là do dự án trồng cao su xa khu dân cư, trong khi đó cơ sở hạ tầng, nhất là vấn đề đảm bảo nước uống, nhà ở, vấn đề điện thắp sáng, đường đi lại, trường học, trạm y tế cho người lao động của các doanh nghiệp chưa thực hiện được.
Một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh lại đặt lợi ích của mình lên trên hết nên chưa muốn tuyển dụng lao động địa phương. Thậm chí nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà trong việc tuyển dụng lao động địa phương, biểu hiện ngay từ khi ngành chức năng đến kiểm tra, các đơn vị này vắng mặt và cũng không thực hiện báo cáo tình hình tuyển dụng lao động như: Công ty TNHH Thương mại Đệ nhất Việt Hàn, Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai, Công ty TNHH Phúc Cường, Công ty TNHH Trang Đức; thậm chí có doanh nghiệp không liên lạc được như: Công ty TNHH Hoàn Mỹ, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Sài Gòn.
Để khắc phục tình trạng này và tháo gỡ cho các doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng lao động địa phương, trong thời gian gần nhất, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục cử cán bộ đến từng công ty yêu cầu các doanh nghiệp cam kết tuyển dụng lao động địa phương, nhất là đối với các huyện: Chư Prông, Chư Pưh-đơn vị có nhiều dự án. Nếu doanh nghiệp cam kết không sử dụng lao động địa phương phải có xác nhận của doanh nghiệp, của xã, huyện để ngành báo cáo với UBND tỉnh có hướng xử lý kịp thời. Còn trước mắt, hy vọng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để tìm giải pháp tuyển dụng lao động địa phương. Nếu doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động ở nơi khác đến sẽ làm thay đổi, phá vỡ môi trường sống. Hơn nữa, lao động nơi khác đến không những không đáp ứng được mục tiêu của dự án mà vô hình trung tạo ra những hệ lụy sau này.
Việc ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương cũng là chủ trương chính trong việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, nên các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kiên trì vận động thuyết phục họ vào dự án trồng cao su. Biết rằng, trong thời gian qua việc sử dụng lao động địa phương đã gây cho doanh nghiệp nhiều khó khăn, nên Nhà nước đã có những giải pháp ưu tiên cho doanh nghiệp như miễn không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động người địa phương là 5 năm, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề 3 triệu đồng/năm/lao động; giảm 20% định mức lao động cho mỗi doanh nghiệp.
Đinh Yến