Kinh tế

Bài cuối: Cần các giải pháp đồng bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, trong 10 ngày tới số giờ nắng trên địa bàn tỉnh có thể 8 giờ, 10 giờ/ngày, trong khi đó lượng mưa xuất hiện không đáng kể. Dự báo trên đồng nghĩa với khả năng mực nước tại hệ thống ao, hồ, đập, suối các địa phương sẽ xuống thấp, nước tưới cho cây trồng tiếp tục cạn kiệt, cây trồng vụ Đông-Xuân 2010-2011 trên địa bàn tỉnh sẽ vẫn hứng chịu khô hạn.
Chống chọi với cơn đại hạn do diễn biến thời tiết thất thường tạo ra, ngoài sự tự thân vận động tìm nguồn nước cứu cây trồng của nông dân, thì chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tỉnh đã “nhập cuộc” sẻ chia khó khăn với nông dân.
Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) phải dùng xe tải chở nước về tưới. Ảnh: Lê Nam
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa- ông Nguyễn Văn Trung nói: Diện tích cây trồng thiếu nước trên địa bàn huyện đã lên đến con số trên 200 ha, tập trung chủ yếu tại các xã phía Nam huyện như A Dơk, Ia Băng, Trang, Hneng, thị trấn… Huyện tổ chức nhiều đoàn công tác xuống cơ sở nắm tình hình và chỉ đạo nông dân chống hạn. Phát động nông dân tiến hành nạo vét kênh mương dẫn nước, khuyến cáo sử dụng nước tiết kiệm; đặc biệt xem xét phương án hỗ trợ dầu cho nông dân bơm nước tưới cây trồng theo hướng hỗ trợ những vùng còn khả năng bơm tưới, những vùng không còn khả năng như cánh đồng Bồ ở thị trấn và một số diện tích cây trồng tại các xã khác đành phó mặc… cho trời.
Tập trung chỉ đạo triển khai chống hạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah- ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Huyện cắt cử cán bộ chuyên môn bám sát địa phương nắm tình hình để có giải pháp chỉ đạo chống hạn kịp thời. Lãnh đạo huyện tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng nguồn nước tưới giữa các hộ dân, hạn chế tối đa tình trạng tranh chấp nguồn nước giữa các hộ dân trồng cây dài ngày và ngắn ngày. Trong quá trình sử dụng nguồn nước, chủ trương của huyện là ưu tiên tối đa nguồn nước để cứu cây lúa nhằm đảm bảo lương thực, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực trạng cây trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh gặp hạn đến hẹn lại… xảy ra đã đặt câu hỏi công tác chỉ đạo thời vụ gieo trồng Đông Xuân và chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ phía cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương được triển khai như thế nào? Trên thực tế, trước khi khởi động sản xuất vụ Đông Xuân, Sở Nông nghiệp và PTNT đều xây dựng lịch gieo trồng, cơ cấu giống, dự báo tình hình thời tiết, khuyến cáo vùng nguy cơ bị hạn để nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng đến chính quyền địa phương thông báo rộng rãi cho nhân dân.
Thế nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thì quá trình thực hiện lịch gieo trồng thời vụ vẫn còn tình trạng một số nông dân… thờ ơ với khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, vẫn triển khai gieo sạ lúa trên diện tích có khả năng hạn hán cao; gieo sạ không tuân thủ đúng nông lịch. Từ đó diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân bị “vỡ” kế hoạch, nhất là cây lúa nước; trong khi công tác chỉ đạo gieo trồng tại một số địa phương chưa sát với thực tế. Khi mùa khô bắt đầu, cộng với diễn biến thời tiết biến đổi bất thường, mực nước từ công trình thủy lợi, đập dâng, ao, hồ, suối xuống thấp đã khiến cây trồng thiếu nước trên diện rộng, hạn xảy ra nghiêm trọng.
Vụ Đông Xuân bị mất mùa cục bộ, năng suất bình quân các loại cây trồng, nhất là lúa, cà phê… tụt giảm so với cùng kỳ năm trước là điều thấy rõ. Tuy nhiên với quan điểm hạn chế tối đa thiệt hại, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của nông dân, hiện tại ngoài việc tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng chống khô hạn cho cây trồng theo tinh thần Chỉ thị số 05 ngày 29-1-2011 của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở kiểm tra, triển khai giải pháp chống hạn phù hợp.
Trước mắt, chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác Thủy lợi tỉnh xây dựng lịch điều tiết nước phù hợp cho các loại cây trồng, hạn chế việc tranh chấp nước. Tập trung ưu tiên nguồn nước tưới cho cây lúa đang bước vào thời kỳ trổ đòng.
Riêng diện tích lúa thời kỳ đẻ nhánh bị hạn nặng, mất khả năng cứu chữa thì vận động nông dân hủy bỏ chuyển sang trồng hoa màu. Tính toán kinh phí hỗ trợ cho việc chống hạn, cứu lúa theo hướng ưu tiên cho cây trồng trong vùng còn khả năng cứu được.
Quang Văn- Lê Nam

Có thể bạn quan tâm