Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: Cần liên kết để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, thông tin tỉnh Kon Tum thu hồi dự án chăn nuôi bò 1.600 tỷ đồng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại huyện Ia H’Drai làm nhiều người giật mình. Nó đặt ra nhiều câu hỏi lớn về những dự án ngàn tỷ ở Tây Nguyên. Trước mắt, viễn cảnh về một dự án đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh Kon Tum, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân đã không còn. Sau đó, có hàng loạt câu hỏi về những dự án chăn nuôi ngàn tỷ khác ở Tây Nguyên sẽ đi về đâu?

Doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư?

Giữa lúc làn sóng đầu tư vào chăn nuôi bò ở Tây Nguyên đang ở cao trào, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đề xuất với tỉnh Gia Lai chuyển đổi một phần diện tích của dự án trồng cỏ nuôi bò sang trồng cây ăn quả. Cuối tháng 5-2016, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã đồng ý để Hoàng Anh Gia Lai chuyển đổi gần 685 ha đất trồng cỏ (195,8 ha tại huyện Ia Grai thuộc Công ty cổ phần Bò sữa Tây Nguyên và 488,8 ha tại huyện Mang Yang thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai) sang trồng cây ăn trái để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến các sản phẩm trái cây của Tập đoàn.

 

Nông dân bán bắp nguyên cây dể doanh nghiệp làm thức ăn cho bò. Ảnh: N.N
Nông dân bán bắp nguyên cây dể doanh nghiệp làm thức ăn cho bò. Ảnh: N.N

Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định dừng đầu tư dự án chăn nuôi bò quy mô 1.600 tỷ đồng ở huyện Ia H’Drai và UBND tỉnh Kon Tum đã thu hồi dự án này. Hai sự việc này kết nối với nhau cho thấy những dấu hiệu của việc chăn nuôi bò đã không thực sự mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng và Tập đoàn lớn hàng đầu Tây Nguyên đang chuyển hướng đầu tư.

Còn Tập đoàn Đức Long Gia Lai sau 2 năm công bố dự án “hoành tráng” 11.000 tỷ đồng để chăn nuôi bò, đến nay, chưa thấy một trang trại hiện đại nào của Tập đoàn này hiện hữu. Trong khi những câu hỏi về tương lai “siêu” dự án chăn nuôi bò của Đức Long Gia Lai chưa có câu trả lời thì tại Đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn diễn ra tháng 4-2016, có dấu hiệu cho thấy Tập đoàn này chuyển hướng đầu tư vào bất động sản. Tập đoàn dự kiến đầu tư xây dựng 3 dự án tại quận 7, quận 8 và quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) với trên 2.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai và Đức Long Gia Lai, hai trong số những doanh nghiệp lớn nhất ở Tây Nguyên đầu tư vào chăn nuôi bò đã có những dấu hiệu chuyển hướng đầu tư. Những doanh nghiệp còn lại không rõ có đủ kiên định với những dự án ngàn tỷ nhưng hiệu quả còn mơ hồ?

 

Ông Vũ Văn Tư-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Du lịch Lâm Đồng, cho biết: “Hiện nay Lâm Đồng đang tập trung cho những dự án của các nhà đầu tư lớn như Vinamilk, TH True Milk. Đặc biệt phương hướng của tỉnh về ngành bò sữa thì không chỉ nuôi bò lấy sữa mà còn sản xuất những sản phẩm sau sữa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, phục vụ du khách để phát triển du lịch. Và quan trọng hơn, các dự án này sẽ liên kết với nông dân để nông dân thấy được lợi ích và họ chuyển từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ và nuôi bò”.

Nông dân vẫn bám trụ

Trong khi có những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp ở Tây Nguyên chuyển hướng đầu tư thì nông dân vẫn bám trụ và sống tốt với ngành chăn nuôi bò.  

Ông Bùi Đăng Xương (thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã chuyển từ trồng rau sang nuôi bò sữa mấy năm nay cho biết, tuy vất vả nhưng nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao hơn. “Bình quân mỗi chu kỳ sữa của một con bò đạt khoảng 6 tấn. Mỗi ngày một con cho từ 20 đến 22 lít. Nhà tôi hiện nay đang khai thác 7 con, một ngày khoảng 1,4 đến 1,5 tạ sữa. Ngày trước khi không nuôi bò sữa thì tôi làm mùa, nó cũng bấp bênh. Nuôi bò sữa thì thu nhập rất ổn định”-ông Xương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật-Chủ nhiệm Hợp tác xã Bò sữa Cầu Sắt, chỉ trong gần 5 năm thành lập, tổng đàn bò sữa của Hợp tác xã đã tăng hơn gấp đôi, với gần 300 con đang khai thác. Các xã viên đã chuyển đổi hơn 25 ha đất trồng rau sang trồng cỏ cao sản và trồng bắp phục vụ chăn nuôi, nên nguồn thức ăn tại chỗ cơ bản đáp ứng cho đàn bò. Năng suất sữa nhờ vậy mà đạt từ 20 đến 25 kg/con/ngày, không kém gì bò được nuôi trong trang trại tập trung; chất lượng đảm bảo loại 1 theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các công ty. “Hiện nay có 3 công ty đang thu mua sữa trên địa bàn đó là Dalat Milk, Vinamilk và Dutch Lady. Nói chung là các công ty đều thu mua hết sữa cho người dân kể cả người dân trong hợp tác xã và người dân ở ngoài mà có hợp đồng. Về chất lượng thì các công ty yêu cầu khắt khe hơn, nhưng chúng tôi thấy đó là đúng, tốt, vì như vậy để đảm bảo nông dân phải sản xuất theo đúng quy trình sạch. Còn về giá sữa thì hiện nay đang áp dụng giá sàn là 12.500 đồng và với giá này thì chúng tôi thấy đã có lãi”-ông Nhật cho biết.

Bà Lê Thị Bé-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đơn Dương, cho biết, tổng đàn bò sữa trong huyện hiện khoảng 10.000 con. Hơn 70% số này là bò của các nông hộ, phần còn lại được nuôi trong trang trại tập trung của Dalat Milk. Tiềm năng phát triển bò sữa trong dân ở Đơn Dương còn rất lớn, và kế hoạch phát triển của huyện chỉ phụ thuộc vào năng lực thu mua sữa tươi của các doanh nghiệp. Nếu tiêu thụ thuận lợi thì Đơn Dương có định hướng phát triển đàn bò sữa lên 22.000 con vào năm 2020.

Có kinh nghiệm 30 năm phát triển bò sữa, khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho việc nâng cao năng suất, chất lượng nên từ năm 2008, Lâm Đồng đã được Chính phủ xác định là một trong 2 vùng bò sữa trọng điểm của cả nước. Đến nay, tổng đàn bò toàn tỉnh có khoảng 15 ngàn con, sản lượng khoảng 120 tấn sữa tươi/ngày, hơn 2/3 số này là do các nông hộ sản xuất. Tiềm năng, lợi thế phát triển là rất lớn song thực tế tại Đơn Dương và các vùng bò sữa khác, như Lâm Hà, Đức Trọng… của tỉnh Lâm Đồng đang bị kìm hãm bởi đầu ra hạn hẹp.

Liên kết người dân với doanh nghiệp, lối đi rộng mở

Cũng vì tiềm năng và lợi thế bị kìm hãm bởi đầu ra nên trong khi các nhà đầu tư xếp hàng dài xin cấp đất mở những dự án chăn nuôi ngàn tỷ, tỉnh Lâm Đồng vẫn dành nhiều ưu đãi cho những doanh nghiệp có thực lực và đặt trọng tâm vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân phát triển các trại bò sữa. Những công ty này sẽ là hạt nhân cho sự đột phá mới.

Doanh nghiệp liên kết với nông dân, chuyển phần sản xuất trang trại cho nông dân, còn doanh nghiệp tìm thành công trong những phân khúc khác, đó cũng là hướng kinh doanh của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Hiện Công ty này đã xây dựng được hơn 3.000 trang trại chăn nuôi hợp đồng trong cả nước, trong đó có khoảng 200 trang trại ở Tây Nguyên. Tất cả các trang trại đều do người dân tự đầu tư xây dựng, Công ty cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm, đảm bảo chủ trang trại có lãi. Nhờ hình thức chăn nuôi mới, CP Việt Nam đã hoàn thiện được chuỗi giá trị 3F (Feed-thức ăn chăn nuôi)-(Farm-trang trại) và (Food-thực phẩm). Doanh thu phần trang trại và thực phẩm của doanh nghiệp này năm ngoái đạt khoảng 1,2 tỷ USD mà gần như không tốn đất và tiền để xây trang trại.

Những gì đang diễn ra ở ngành bò sữa tỉnh Lâm Đồng và mô hình chăn nuôi theo hợp đồng, không cần đầu tư đất đai, chuồng trại của CP Việt Nam cho thấy, chỉ cần đảm bảo có đầu ra, thực sự có hiệu quả và biết tổ chức, các dự án chăn nuôi hoàn toàn có thể tự tìm thấy những địa bàn rộng lớn ở Tây Nguyên. Các dự án nuôi bò, nếu đúng là có triển vọng như các nhà đầu tư thuyết minh, vẫn có thể áp dụng mô hình liên kết này. Đáng tiếc, hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ nghĩ đến việc liên kết với nông dân là việc làm ở một tương lai rất xa. “Kế hoạch về lâu dài thì Công ty định hướng phối hợp với nông dân, chuyển giao công nghệ, đầu tư con giống rồi sau này mình bao tiêu sản phẩm. Còn hiện nay thì mình chỉ liên kết nông dân, ở một số vùng đất ruộng canh tác một vụ thì trồng thêm cây bắp để bán cho Công ty”-ông Lê Đình Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai cho biết.

 

 

Đa số các doanh nghiệp, các dự án chỉ muốn đất sạch, đất rừng, tách rời nông dân. Sự tách rời này có thể khiến cho những mâu thuẫn, sự tranh chấp giữa doanh nghiệp và nông dân thêm gay gắt. Lợi nhuận chưa thấy đâu, chỉ thấy hiện hữu những mối lo, sự bất ổn về xã hội và môi trường. Trong khi đó, có những hướng đi rộng mở và hứa hẹn thành công lại chưa được nhà đầu tư quan tâm.

Nguyễn Nguyên

Có thể bạn quan tâm