Kinh tế

Bài cuối: Cần những "cú hích" kịp thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cà phê Gia Lai hiện chỉ dừng lại ở “cấp độ’ sản xuất theo số lượng, còn chất lượng rất hạn chế, mà nguyên nhân bắt nguồn từ canh tác chưa khoa học và không theo tiêu chuẩn. Đây là tình hình chung chứ không chỉ riêng tỉnh ta. Để cải thiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, thực hiện các quyết định trên.

 Cần có chính sách hỗ trợ để diện tích cà phê sạch tăng lên.Ảnh: H.D
Cần có chính sách hỗ trợ để diện tích cà phê sạch tăng lên. Ảnh: Hà Duy

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh ta đã xây dựng, thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và bước đầu đã cho những kết quả đáng mừng. Về phía người nông dân, khi tham gia mô hình, họ có điều kiện hỗ trợ, giúp nhau các vấn đề kỹ thuật, chuyên môn. Việc sản xuất và quản lý chất lượng sẽ tạo ra một lượng sản phẩm lớn, ổn định, đồng đều về chất lượng. Đây là cơ hội để sản phẩm cà phê sạch có thể tiếp cận được với thị trường lớn một cách thuận lợi hơn với giá bán cao hơn. Chưa kể các dịch vụ đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm được chi phí vận chuyển và giá rẻ.

Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-lâm sản và Thủy sản cho rằng, đối với Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Đoàn Kết, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục duy trì diện tích đã được chứng nhận, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP, cần đầu tư mạnh hơn nữa trong việc tiếp cận liên kết với các đơn vị thu mua tiêu thụ sản phẩm. Song song với hoạt động này là mở rộng diện tích sản xuất, tăng số tổ viên để có thể hình thành đơn vị sản xuất lớn hơn như hợp tác xã. Bên cạnh đó, đầu tư đưa các công nghệ mới vào quá trình sơ chế sản phẩm như lò sấy, công nghệ chế biến ướt để ngày càng nâng cao chất lượng cà phê, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định. Có như vậy các nhà thu mua chế biến, xuất khẩu mới biết đến sản phẩm của tổ hợp tác, các tổ viên mới an tâm sản xuất và đồng hành với tổ hợp tác lâu dài.

Hiện nay, Chi cục đang xây dựng một tổ hợp tác khác tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) với quy mô 14 hộ dân, tổng diện tích là 27 ha cà phê. Mô hình này triển khai từ tháng 6-2015. Tổ đã được tạo điều kiện tiếp xúc với Công ty Xuất khập khẩu Intimex Nha Trang để có thể tiến tới ký kết hợp đồng cung ứng lâu dài khi sản phẩm được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tổ cũng hướng tới việc tiếp cận với các doanh nghiệp chế biến sâu (chế biến cà phê bột) trên địa bàn tỉnh như: Thanh Thủy, Thu Hà...

Có thể thấy, cà phê sạch là chìa khóa duy nhất mở ra con đường để cà phê Gia Lai khẳng định uy tín cũng như mở rộng thị trường. Và đây cũng được coi là một trong những định hướng phát triển bền vững ngành cà phê Gia Lai. Trên thị trường thế giới, cà phê sạch cho lợi nhuận cao hơn nhiều cà phê thông thường. Trung bình giá 1 tấn cà phê sạch cao hơn cà phê thường 40 USD. Đây là lợi ích kinh tế trông thấy với doanh nghiệp và người trồng cà phê. Gia Lai có lợi thế về cà phê, nông dân chịu thương chịu khó nên việc trồng và cho ra những sẩn phẩm sạch với năng suất cao là không khó.

Về vấn đề này, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Đoàn Kết đề xuất: “Để phát triển quy mô của tổ cả về số lượng hộ tham gia, diện tích và ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng, tỉnh cần có chính sách đặc thù, kịp thời để hỗ trợ người dân, nhất là về vốn”. Bên cạnh đó, phải làm thế nào để nông dân thực sự ý thức việc sản xuất cà phê sạch là xu thế tất yếu, để từ đó biết cách tự chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm, không chạy theo cái lợi trước mắt. Tỉnh cũng phải có những động thái tích cực để kéo doanh nghiệp thực sự vào cuộc cùng với nông dân nhằm làm ra sản phẩm cà phê có chất lượng cao nhất, có đủ khả năng cạnh tranh với cà phê của các địa phương khác, thậm chí với các quốc gia khác trên thế giới về giá cả lẫn chất lượng.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm