Bài cuối: Chất lượng chưa theo kịp số lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 6 năm triển khai Đề án 1956 đã nảy sinh nhiều vướng mắc, khiến cho chất lượng sau đào tạo nghề chưa theo kịp số lượng.

Đào tạo nghề chưa sát với thực tế

Đơn cử: tại huyện Chư Pưh, trong 10 tháng đầu năm 2015 mở được 10 lớp học nghề, với 276 người theo học thì có tới 7 lớp học nghề nuôi và phòng bệnh cho trâu bò, còn lại chỉ có 1 lớp trồng nấm, 1 lớp nề và 1 lớp lắp đặt và sửa chữa điện sinh hoạt. Trong khi thế mạnh ở huyện Chư Pưh không phải nuôi trâu bò mà bà con chủ yếu trồng cà phê, tiêu, cao su, một số cây ngắn ngày và kinh doanh các mặt hàng dịch vụ khác.

 

 Đoàn kiểm tra Đề án 1956 làm việc tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Đinh Yến
Đoàn kiểm tra Đề án 1956 làm việc tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Đinh Yến

Tại huyện Đức Cơ, việc mở lớp học nghề trồng và chăm sóc cà phê cho bà con bị bệnh phong làng Grôn, xã Ia Lang không mang lại kết quả bởi làng Grôn hiện có 35 hộ bị bệnh phong, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, nhà ở xuống cấp, thiếu nước sinh hoạt, không có đất sản xuất. Sau khi kết thúc lớp học, Trung tâm Dạy nghề Đức Cơ hỗ trợ cho bà con 150 cây giống để trồng thử nghiệm mô hình cây cà phê trên một đám đất gần làng. Qua kiểm tra, cà phê trồng nhưng không có nguồn nước tưới, để tạo nguồn nước bằng cách đào giếng thì bà con kinh tế còn quá khó khăn không đủ điều kiện để đào giếng phục vụ tưới cà phê.

Mặt khác, công tác tuyên truyền về học nghề phần lớn chưa được các cấp, ngành địa phương chú trọng. Tư tưởng và nhận thức của người dân về học nghề còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn người học nghề là đồng bào dân tộc thiểu số, có người biết đọc nhưng không biết viết nên chậm tiếp thu được bài giảng, gây khó khăn trong công tác đào tạo nghề về phần lý thuyết. Hệ thống cơ sở dạy nghề của tỉnh từ khi thực hiện Quyết định 1956 đã phát triển mở rộng từ 11 cơ sở nâng lên 17 cơ sở so với trước đây, nhưng năng lực không đồng đều. Các nghề đào tạo chưa đa dạng, kinh phí dạy nghề chủ yếu là do Nhà nước cấp mà chưa huy động được các doanh nghiệp tham gia. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương… Năm 2015, kế hoạch đào tạo nghề cho 300 lao động nông thôn là người khuyết tật chỉ duy nhất huyện Kbang thực hiện đạt kế hoạch, còn các địa phương khác  chưa thực hiện được.

Chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân

Ông Lê Quang Thái-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, cho rằng: Thời gian qua, hiệu quả việc đào tạo nghề trên thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu người học, bởi nhiều người cho rằng đã được học nghề thì phải xin được việc làm. Nhưng mục đích, ý nghĩa của việc dạy nghề lao động nông thôn là hướng dẫn, nâng cao kỹ năng nghề trên cơ sở những nghề bà con đang làm. Vì thế, một số nghề như xây dựng trên địa bàn huyện là hiệu quả, song một số nghề khác thì chưa.

Tại huyện Đức Cơ, ông Siu Thil-Phó Chủ tịch UBND huyện, nhận định: Hiện nay, cơ cấu ngành nghề trên địa bàn huyện chưa hợp lý dẫn đến chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Công tác tuyên truyền đối với người dân trong việc học nghề lao động nông thôn cũng chưa được thường xuyên. Hơn nữa, trình độ dân trí, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, nên việc mở lớp đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn.    

Hiện nay, việc dạy nghề cho lao động nông thôn, tỉnh ta đang thực hiện 37 danh mục nghề đào tạo, với 2 nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh thực hiện, dự kiến giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng thêm 3 nghề, nâng tổng số lên 40 nghề, giúp người dân lựa chọn nghề phù hợp với thực tế tại địa phương.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng tỷ lệ lao động nông thôn được học nghề chưa nhiều, mới chỉ đạt khoảng 40%. Do vậy, để đạt được mục tiêu của đề án, theo ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1956 thì: Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề, liên kết chặt chẽ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhằm giúp người lao động tiếp thu nghề nhanh hơn và có việc làm sau đào tạo. Phát triển đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang-thiết bị; thường xuyên khảo sát, chủ động xác định, bổ sung danh mục ngành nghề đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động. Đối với các địa phương, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn cũng là mục tiêu trọng yếu để hoàn thành tiêu chí 12 về chuyển đổi cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, mỗi địa phương cũng cần từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có những ưu tiên, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn để thu hút người lao động nông thôn tham gia chuyển dịch ngành nghề sau đào tạo, nâng cao thu nhập.

Đề cập thêm về những giải pháp trong thời gian tới, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh kiến nghị: Tỉnh nên chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở dạy nghề, xây dựng chỉ tiêu cụ thể về nghề cần đào tạo để sát với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động; tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, lao động nữ và nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương cho công tác dạy nghề. Song điều quan trọng để đề án về đích đúng hẹn, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hợp tác và nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm