Kinh tế

Bài cuối: Đổi mới công nghệ sản xuất là tất yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để vực dậy ngành vật liệu xây dựng Gia Lai không phải là một bài toán khó. Tuy nhiên lời giải cho bài toán lại đòi hỏi một tiềm lực mạnh về kinh tế tạo sự đột phá lớn bằng việc thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ảnh: Đức Thụy

Hiện nay, các sản phẩm xi măng của địa phương đều sản xuất bằng công nghệ cũ (lò đứng) chất lượng không bằng xi măng sản xuất theo công nghệ mới (lò quay) có độ kết dính cao hơn. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu đầu vào tại Gia Lai không có, các nhà máy phải mua từ nơi khác về, chi phí vận chuyển cao, trong khi đó hàm lượng clinker trong đá vôi thấp cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng xi măng. “Giá cước vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào tăng cộng thêm cước vận chuyển hàng đi bán cũng tăng khiến giá thành của xi măng tăng thêm 8%-10%, buộc công ty phải nâng từ 1,4 triệu đồng/tấn lên 1,5 triệu đồng/tấn xi măng”-ông Nguyễn Văn Sang-đại diện Nhà máy Xi măng Gia Lai cho biết.

Đổi mới công nghệ hoặc chuyển hướng kinh doanh là xu hướng tất yếu đối với các nhà máy sản xuất xi măng ở Gia Lai hiện nay. Ông Dương Hùng Đỗ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Gia Lai cho biết: Công ty sẽ chuyển hướng kinh doanh hiệu quả hơn, sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao mà xã hội đang cần như vữa phun trực tiếp, cát nhân tạo…

Không chỉ xi măng, mặt hàng gạch nung của Gia Lai cũng ít được thị trường ưa chuộng, bởi vật liệu làm gạch chủ yếu là đất sét nhưng nguồn nhiên liệu đất sét của Gia Lai chất lượng không cao (độ sét ít) khiến chất lượng gạch không bằng những nơi khác, chưa kể việc sản xuất gạch nung làm cạn kiệt tài nguyên đất và dẫn đến việc phá rừng để lấy củi đốt, ảnh hưởng môi trường... Với thực trạng này thì phương án từng bước giảm dần sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu không nung theo chủ trương của Chính phủ được xem là một trong những phương án khá hiệu quả và phù hợp với tỉnh ta hiện nay.

 

Ảnh: Lê Lan

Ông Lê Vinh-Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Tỉnh đã có văn bản thống nhất về lộ trình sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kể từ năm 2015 sẽ sử dụng 50% vật liệu không nung tại đô thị loại 3, các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 30% vật liệu không nung đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn từ năm 2015 sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.

Lộ trình là vậy, nhưng trên thực tế, việc phát triển vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn vẫn còn nhiều trở ngại. Hiện tại, tỉnh ta vẫn chưa có nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung nào trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào được đánh giá là khá dồi dào, đặc biệt là việc tận dụng các nguồn phế thải từ sản xuất công nghiệp như lượng xỉ than, phế phẩm từ sản xuất xi măng hay lượng bột đá, rác thải trên địa bàn… Quan trọng hơn đó là những lợi ích mà vật liệu không nung mang lại như giá thành rẻ (một viên gạch không nung lớn bằng 8-10 lần so với gạch thường khi xây sẽ giảm được lượng hồ nối giữa các viên gạch, giảm công thợ và dễ dàng tô trát hơn). Đặc biệt, chất lượng bền vững hơn, nhẹ hơn, có thể lắp ghép thành mảng lớn, thuận lợi để xây nhà cao tầng, hạn chế được sự ô nhiễm môi trường...

Theo một số chuyên gia ngành xây dựng thì đây là một lĩnh vực mới, vốn đầu tư khá cao. Vì thế, để thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu không nung, tỉnh cần có chế độ ưu đãi như miễn thuế đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp…

Trao đổi vấn đề này với ông Hồ Phước Thành-quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư được biết, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số đơn vị để sản xuất gạch không nung như Nhà máy Gạch không nung thuộc Binh đoàn 15 đặt tại xã Biển Hồ (TP. Pleiku), Doanh nghiệp tư nhân Công Nam (huyện Đức Cơ) và một số cơ sở khác ở xã Trà Đa (TP. Pleiku)… “Quan điểm của Sở là khuyến khích, tạo điều kiện tối đa, giải quyết thủ tục nhanh chóng cho các đơn vị đầu tư vật liệu không nung. Đồng thời, hạn chế việc mở rộng sản xuất gạch nung và không cấp phép đối với các đơn vị sản xuất gạch thủ công nhằm phát triển sản xuất vật liệu không nung trên địa bàn”-ông Thành nói.

Cũng theo ông Hồ Phước Thành thì tổng đầu tư toàn xã hội của tỉnh ta một năm khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho xây dựng chiếm một tỷ trọng cao (riêng đầu tư công chiếm khoảng 1/3), vì thế nhu cầu về vật liệu xây dựng của địa phương là rất lớn, chưa kể việc có thể mở thị trường vật liệu xây dựng sang một số tỉnh giáp biên giới của Campuchia. Đây là thị trường đầy tiềm năng với nhu cầu xây dựng lớn mà chúng ta đang bỏ ngỏ, chúng ta nên “đi tắt đón đầu” bằng cách xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng như nhà máy sắt thép, nhà máy gạch ốp lát…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm