Kinh tế

Bài cuối: Giải pháp nào để giữ rừng bền vững?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 719.812 ha đất có rừng của tỉnh, diện tích giao cho xã quản lý chiếm 39%, còn lại do các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp, Ban Quản lý Rừng phòng hộ quản lý và bảo vệ. Việc làm này không ngoài mục đích gắn trách nhiệm giữ rừng đối với các chủ rừng. Thế nhưng công tác giữ rừng, nhất là diện tích rừng thuộc thẩm quyền xã quản lý, chưa thật sự mang lại hiệu quả.
Rừng ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: Anh Khoa
Rừng ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: Anh Khoa
Bí thư Huyện ủy Krông Pa- ông Bùi Khắc Quang cho rằng: Chủ rừng phải là người có năng lực thật sự. Song hầu hết chủ rừng cấp xã hiện tại không nắm được rừng, không giữ nổi rừng thuộc cấp mình quản lý. Chủ tịch UBND xã Chư Răng (huyện Ia Pa)-ông Võ Tấn Công thừa nhận: Chính quyền xã không làm hết chức trách được giao. Bởi kiểm tra, tham mưu cho xã trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng không xác định rõ là ai. Tỉnh, huyện đều có bộ phận chuyên môn, có cán bộ chuyên trách công tác quản lý bảo vệ rừng, trong khi xã là chủ rừng nhưng không có biên chế cho cán bộ chuyên trách lĩnh vực này.
Việc quy hoạch 3 loại rừng là nhằm mục đích giữ rừng và sử dụng rừng, đất rừng có hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Rân- Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT), công tác quy hoạch rất cần được cơ quan có thẩm quyền bố trí vốn theo định kỳ. Lý do, sau 5 năm quy hoạch, hiện trạng rừng đã có sự thay đổi nên phải kiểm tra, cập nhật diễn biến rừng, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng hiệu quả. Sớm quyết định vấn đề kinh phí cho cơ quan quản lý thực hiện việc cắm mốc phân định ranh giới 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất làm cơ sở triển khai kế hoạch bảo vệ rừng bền vững.
Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn tỉnh đã kết thúc nhưng nếu không có kế hoạch bố trí vốn chăm sóc kịp thời thì rừng trồng sẽ chết, kém phát triển. Đặc biệt, để tăng kinh phí bổ sung nguồn vốn Trung ương, tỉnh cần cân đối ngân sách hàng năm đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Cơ quan có chức năng sớm triển khai chủ trương chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là cho thu phí dịch vụ môi trường rừng các công trình thủy điện.
Gỗ trái phép được Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa tịch thu. Ảnh Anh Khoa
Gỗ trái phép được Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa tịch thu. Ảnh Anh Khoa
Quản lý bảo vệ rừng là công việc của toàn xã hội, trong đó lực lượng Kiểm lâm giữ vai trò nòng cốt song lực lượng này hiện nay quá mỏng. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Tỉnh cần xem xét, bổ sung thêm biên chế cho Chi cục Kiểm lâm dựa trên cơ sở định mức bình quân 1 công chức kiểm lâm quản lý 1.000 ha rừng. Theo phương án đã được tỉnh phê duyệt, tổng số cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn là 177 người, mức hỗ trợ cho mỗi kiểm lâm là 200.000 đồng/người/tháng.
Hiện tại, kiểm lâm phụ trách xã tăng lên 202 người, do đó tỉnh sớm có quyết định chi bổ sung cho số cán bộ tăng thêm, đồng thời nâng mức hỗ trợ lên 300.000 đồng/người/tháng. Có chính sách hỗ trợ trang phục, phụ cấp ngành nghề, thâm niên cho lực lượng giữ rừng. Tổng diện tích rừng dễ cháy của tỉnh chiếm 48% tổng diện tích rừng, đất có rừng; trong khi đó kinh phí đầu tư công tác phòng cháy chữa cháy rừng hiện tại mới đảm bảo 21,1%, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền xem xét tăng thêm kinh phí đầu tư phòng cháy chữa cháy rừng. Các cơ quan đảm nhiệm chức năng cấp phép cho các cơ sở hoạt động chế biến gỗ cần phối hợp xác định địa điểm, nguồn nguyên liệu, vấn đề ô nhiễm môi trường… trước khi ra quyết định cấp phép, gắn với công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương quy hoạch ổn định đất sử dụng vào mục đích lâm nghiệp; đẩy mạnh giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng cho tổ chức, gia đình, cộng đồng thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng… nhằm tăng thu nhập ổn định cuộc sống, nâng cao trách nhiệm chung tay với các lực lượng giữ rừng. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định 59/2005/QĐ-BNN quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản, Quyết định 245/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng.     
Quang Văn- Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm