(GLO)- 5 lần giảm lãi suất và dự kiến tiếp tục giảm thêm 1% trong vài ngày tới là tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp. Cùng lúc các chính sách tháo gỡ khó khăn như cơ cấu nợ, tung ra các gói cho vay giá rẻ cũng sẽ là động lực để doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khó khăn.
Cơ cấu nợ chỉ là giải pháp tạm thời
Đến cuối tháng 7-2012, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.212 khách hàng, trong đó có 60 doanh nghiệp, với dư nợ 1.267 tỷ đồng. Đây là cứu cánh giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về tài chính.
Hầu hết các ngân hàng cho rằng, giải quyết nợ tồn đọng mới là việc bức thiết, cơ cấu nợ chỉ là giải pháp tạm thời. Dù vậy, các ngân hàng đã chủ động phối hợp với khách hàng rà soát, đánh giá khả năng trả nợ và khả năng tài chính của ngân hàng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, lãi vay, gia hạn nợ mà vẫn được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước đó.
Ông Nguyễn Đình Trạc-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai nêu những khó khăn mà doanh nghiệp ông gặp phải: Khi hoạt động khó khăn thì các chỉ số tài chính cũng xấu đi. Ông cho rằng, chính sách có thể giống nhau, nhưng giải cứu doanh nghiệp phải có hướng cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực thì khác nhau. Nhất là khi phải đồng thời cơ cấu nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ thị trường… cho doanh nghiệp. Khó khăn của doanh nghiệp không chỉ từ vốn, lãi suất mà từ sức “cầu” giảm sút nghiêm trọng.
Giảm lãi suất phải “hy sinh” lợi nhuận
Trong tổng dư nợ cho vay toàn ngành ngân hàng tỉnh là 28.300 tỷ đồng, đến nay đã có gần 81% dư nợ lãi suất dưới 15% (22.713 tỷ đồng), hiện chỉ còn hơn 19% dư nợ có lãi suất trên 15%. Ngoài các khoản vay lãi suất thấp ở những lĩnh vực khuyến khích như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng lãi suất dưới 13%/năm, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đề nghị giải ngân với lãi suất dưới 15%/năm các khoản vay mới-ông Điền Hoàng-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ: Doanh nghiệp sống nhờ ngân hàng, khi doanh nghiệp gặp khó khăn ngân hàng phải thực sự chia sẻ, không lẽ ngân hàng không cho vay. Nếu không có vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp khó mà hoàn thành dự án. Lúc đó khả năng trả nợ càng khó khăn hơn, có thể làm tăng thêm nợ xấu ngân hàng. Ngoài tháo gỡ khó khăn bằng những giải pháp cụ thể và đồng bộ như cơ cấu lại nợ, áp dụng lãi suất thấp, linh hoạt trong cho vay, các ngân hàng phải cùng với doanh nghiệp ngồi lại để tính toán nhu cầu thực sự doanh nghiệp để có hướng đầu tư hợp lý và linh hoạt. Ngành nào cần bao nhiêu vốn, khả năng đảm bảo ra sao, có khả năng phát triển trong tương lai hay không, khó khăn do nội tại doanh nghiệp hay do cơ chế chính sách và nền kinh tế tác động đều phải làm rõ. Doanh nghiệp nào chỉ khó khăn tạm thời thì nên tiếp tục đầu tư cho đủ, cho kịp thời để họ đủ sức vực dậy. |
Lãi suất cho vay đã giảm tương ứng khoảng 5% với lãi suất huy động. Điều này có nghĩa áp lực lãi vay cho doanh nghiệp đã giảm khá nhiều. Tuy nhiên, theo đại diện các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của tỉnh, lãi suất vay phải về mức khoảng 10% doanh nghiệp mới hoạt động có hiệu quả. nếu lãi vay trên 12% thì doanh nghiệp không có lãi. Nhưng hiện lãi suất đang giảm rất chậm, trong khi những tháng cuối năm là cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho hay: Lãi suất đã giảm 5 lần nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Hiện nay, 76% vốn huy động là ngắn hạn, thời hạn huy động vốn với lãi suất cao đã gần hết cho nên lãi suất cho vay phải giảm. Các chi nhánh trên địa bàn phải có phương án cụ thể trình Ngân hàng Trung ương để có giải pháp tháo gỡ nhanh nhất. Lãi suất phải về mức 8-10%, nếu không doanh nghiệp và cả nền kinh tế khó mà hồi phục và cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Áp lực lãi suất chưa được giải tỏa khiến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng rất chậm. Theo ông Ngô Văn Đốc-Giám đốc Vietinbank Gia Lai, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của chi nhánh mới bằng 40% của năm 2011. Nguyên nhân một phần do lợi nhuận từ hoạt động tín dụng giảm.
Nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng cho biết sẽ “hy sinh” lợi nhuận để giảm lãi suất. Đây không chỉ là cứu doanh nghiệp, mà chính là ngân hàng tự giải thoát cho mình khi những tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng “âm”. Trên thực tế, chi phí vốn của ngân hàng vẫn khá cao, tác động không nhỏ đến lợi nhuận. Bên cạnh đó, chính sách giảm lãi vay các khoản vay cũ làm cho lợi nhuận của ngân hàng càng giảm mạnh hơn. Tín dụng là nguồn thu chính, mà hoạt động này không thông, tất nhiên lợi nhuận sẽ không có.
Thảo Nguyên