Bài cuối: Học nghề ươm những chồi non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến thăm lớp nghiệp vụ bảo mẫu tại Trung tâm Dạy nghề cho phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), ngay từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng cười, tiếng vỗ tay rôm rả vọng ra từ lớp học. Trong lớp, cô giáo cùng các học viên đang cùng nhau sinh hoạt, tập chơi các trò chơi dành cho trẻ khiến cho không khí lớp học hết sức hào hứng và náo nhiệt.

Lớp nghiệp vụ bảo mẫu lần đầu tiên khai giảng tại TP. Pleiku đã thu hút đông đảo các chị em phụ nữ từ khắp các xã, phường với đủ mọi lứa tuổi đăng ký dự học. Đến với lớp, mỗi người có mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm tư khác nhau nhưng đều chung một mong muốn là sẽ tìm được công việc ổn định cho bản thân để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
 

Các học viên hào hứng với các tiết học của lớp nghiệp vụ bảo mẫu. Ảnh: P.L

Nhà có 4 chị em, do hoàn cảnh khó khăn, lại là con đầu nên con đường học hành của H’Yưp (22 tuổi, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đành đứt đoạn khi em vừa tốt nghiệp hết cấp III. Không có ruộng rẫy, cả gia đình H’Yưp chỉ biết trông chờ vào đồng tiền làm thuê còi cọc của cha mẹ. “Sau khi biết có lớp nghiệp vụ bảo mẫu này, em vui lắm, hy vọng sau khi học xong sẽ có được một công việc để có thể đỡ đần cho cha mẹ, giúp các em được đi học đàng hoàng”-H’Yưp tâm sự.

Chị Lê Thị Nga (29 tuổi, phường Đống Đa, TP. Pleiku) từ trước đến giờ chỉ ở nhà trông con, làm công việc nội trợ gia đình. Ngoài đồng lương 4,5 triệu đồng/tháng mà chồng chị-một công nhân cơ khí điện đem về thì gia đình không còn nguồn thu nào khác. Mong muốn có thêm kỹ năng để có thể chăm sóc hai con nhỏ tốt hơn, đồng thời cũng muốn tìm một công việc ổn định để phụ giúp chồng trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình, chị Nga tìm đến với lớp học.

Ngoài mục đích có một công việc thì chị Lê Thị Hồng Lan (42 tuổi, phường Hội Phú, TP. Pleiku) đến với lớp còn bởi tình yêu trẻ. Chị Lan nhận giữ trẻ tại nhà được 4 năm nay. Tham dự lớp, chị hy vọng sẽ học thêm được kinh nghiệm, kiến thức về chăm sóc trẻ để có thể làm tốt hơn công việc hiện tại của mình và có thể mở rộng quy mô hơn nữa.  

Hầu hết các chị em phụ nữ đến với lớp học đều có hoàn cảnh khó khăn, mong muốn tìm việc nhưng không có trình độ hoặc thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ năng trong nghề. Những kiến thức về tâm lý con người, tâm lý trẻ theo độ tuổi, theo cấp học cùng các kiến thức về cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, cách tổ chức trò chơi cho trẻ đã thực sự giúp cho chị em hiểu rõ hơn nghề bảo mẫu, từ đó trau dồi thêm cho mình những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc của mình.

Chị Vũ Thị Phương Loan (28 tuổi, phường Đống Đa, TP. Pleiku), trước đây cũng đã từng giữ trẻ cho một cơ sở tư nhân tâm sự: “Trước đây mình còn mơ hồ về nghề này, nhưng khi được học rồi, nhất là sau khi học môn tâm lý, mình mới vỡ ra được nhiều điều. Muốn làm bảo mẫu nhất định phải yêu nghề, yêu trẻ, hiểu trẻ, mặc dù nhiều lúc rất mệt nhưng nó đem lại nhiều niềm vui cho mình. Chương trình học thường kết hợp lý thuyết với thực hành, chơi trò chơi nên mình tiếp thu được nhiều và không nhàm chán”.

Bà Mai Thị Thanh Thủy- Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Lê Thị Riêng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Trường đang chiêu sinh một số lớp học nghề (trong đó có một số nghề đào tạo miễn phí) như: kỹ thuật chế biến món ăn, may thời trang, bán hàng trong siêu thị, chế biến thực phẩm, kế toán doanh nghiệp… Thời gian đào tạo các ngành nghề trên không dài, sau khi kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp bằng Trung cấp nghề, đồng thời được giới thiệu việc làm, đảm bảo có thu nhập ổn định.

Bà Trần Ngọc Chi- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mong muốn trong thời gian tới, Hội có thể mở rộng hơn nữa địa bàn đào tạo, tạo điều kiện cho chị em trên toàn tỉnh có nhu cầu học việc được học tập, trau dồi kỹ năng. Đồng thời đa dạng hơn nữa các ngành nghề để chị em có thể lựa chọn cho phù hợp với trình độ cũng như kinh nghiệm, khả năng của mình. Từ đó góp phần giải quyết công ăn việc làm, lao động dư thừa, tăng thu nhập, phát triển đời sống cho chị em phụ nữ.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm