Bài cuối: Khó khăn chồng chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, việc xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh gần như “giẫm chân tại chỗ” với 84/222 xã đạt chuẩn, có  tới 3 huyện mới chỉ có duy nhất 1 xã đạt chuẩn (gồm Chư Prông, Kông Chro và Chư Sê), cá biệt có thị xã Ayun Pa, 3 huyện: Krông Pa, Phú Thiện và Ia Pa chưa xây dựng được xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.


Không đảm bảo cơ sở hạ tầng

Theo báo cáo của Sở Y tế, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của ngành đó là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và trang-thiết bị trạm y tế xã còn hạn chế so với yêu cầu. Theo đó, cơ sở hạ tầng trạm y tế xã là tiêu chí khó khăn và cần nhiều kinh phí lớn nhất trong công tác xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Mặc dù, việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng các nguồn đầu tư cho trạm y tế xã vẫn còn nhiều hạn chế.
 

Ảnh: T.B

Một số trạm y tế tuy đã được đầu tư nhưng mức độ đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các trạm y tế thuộc khu vực khó khăn mà không có các dự án hỗ trợ; công tác đầu tư chưa tập trung theo hướng đạt chuẩn, mới chỉ giải quyết việc mỗi xã phải có 1 trạm y tế. Nhiều trạm y tế được xây dựng từ năm 2001 đến nay đã dần xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa hoặc xây mới hoặc được xây theo mô hình cũ, diện tích và số phòng chức năng không đảm bảo theo quy định hoặc có đủ số phòng nhưng diện tích sử dụng khá chật hẹp, không đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn trong việc quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng trạm y tế: theo quy định thì trạm y tế phải có mặt bằng đất từ 500 m2 trở lên, diện tích xây dựng và sử dụng của khối nhà chính từ 250 m2 trở lên. Thực tế, một số địa phương, nhất là vùng thành thị không còn đủ quỹ đất đáp ứng tiêu chuẩn này và hầu hết chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, hầu hết các trạm y tế xã xử lý chất thải y tế theo hình thức thủ công, chủ yếu là đào hố đốt, chưa phân loại được nhóm chất thải theo đúng quy định của Bộ Y tế về quy chế quản lý chất thải y tế. Mặt khác, theo Bộ tiêu chí mới, tỷ lệ khám-chữa bệnh bằng y học cổ truyền phải chiếm 20%, tỷ lệ này đối với các trạm y tế đều khá cao, một số trạm y tế không có cán bộ chuyên trách về y học cổ truyền, vườn thuốc nam không đủ cây thuốc theo danh mục quy định của Bộ Y tế, nhiều vườn cây không được quan tâm, chăm sóc.

Khó chồng khó

Cùng với cơ sở hạ tầng không được đảm bảo thì việc thiếu nhân lực y tế cũng đang là vấn đề khiến ngành Y tế đau đầu. Tìm hiểu thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số trạm y tế xã không có bác sĩ biên chế tại chỗ mà chủ yếu bác sĩ làm việc định kỳ tại trạm từ 3 ngày/tuần trở lên theo hình thức tăng cường hoặc luân phiên, gây khó khăn trong công tác khám-chữa bệnh. Hiện nay, mỗi thôn, làng đều có 1 nhân viên y tế thôn  (trừ khu vực thành thị) tuy nhiên, số nhân viên y tế thôn được đào tạo theo khung chương trình do Bộ Y tế quy định đạt tỷ lệ thấp, chiếm khoảng 60%.

Bên cạnh đó, mức phụ cấp cho đối tượng này hiện nay còn quá thấp (0,5 mức lương tối thiểu/tháng đối với các xã khó khăn và 0,3 mức lương tối thiểu/tháng đối với các xã còn lại) nên chưa khuyến khích được tinh thần làm việc của đội ngũ này dẫn đến nhiều nhân viên y tế thôn được đào tạo xong lại bỏ việc, đội ngũ này thường xuyên biến động, không có tính ổn định lâu dài, chưa nhiệt tình với công việc được giao, việc đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ này chưa thường xuyên, kịp thời. Theo báo cáo của Sở Y tế, toàn ngành hiện đang còn thiếu khoảng 300 bác sĩ và 50 dược sĩ.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, lập kế hoạch, lộ trình xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế ở các huyện, xã còn lúng túng, thiếu cơ sở khoa học và nguồn lực đầu tư; chủ yếu trông chờ vào sự đầu tư còn hạn chế của nhà nước. Một số xã trang-thiết bị, dụng cụ y tế thiết yếu được viện trợ từ các dự án nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nên khi đưa vào sử dụng không có sự đồng bộ, hiệu quả sử dụng không cao; một số xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo tiêu chí cũ có tư tưởng thỏa mãn với kết quả đạt được, không xây dựng kế hoạch bổ sung, hoàn thiện theo tiêu chí mới để nâng cao chất lượng theo các tiêu chí mới.

Trao đổi với P.V, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế cho biết: Phấn đấu đến cuối năm 2015, có 60% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; năm 2020 là 100%. Theo đó, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế theo quy định mới của Bộ Y tế, từ việc chỉ đạo, điều hành công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chuẩn bị nhân lực y tế…

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm