Kinh tế

Bài cuối: Loại hình khó quản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hoạt động rộng khắp từ thành phố đến các huyện, thị xã trong tỉnh với các điểm giới thiệu dịch vụ ở các cửa hàng từ điện thoại di động, điện máy, hàng gia dụng, cho đến xe máy, xe ô tô, nhưng những công ty tài chính này chỉ chịu sự quản lý của cơ quan chức năng ở địa phương về mặt giấy tờ. Còn hoạt động thế nào đố ai biết được!

Mạng lưới rộng khắp

Loại hình mua bán hàng trả góp đã tồn tại từ lâu dưới mô hình cá thể. Hàng hóa cũng đa dạng từ quần áo, xoong nồi đến ti vi, tủ lạnh... Vài năm trở lại đây, nắm được thị hiếu người tiêu dùng, các công ty tài chính đã đứng ra liên kết với cửa hàng làm dịch vụ bán hàng trả góp, nhằm đảm bảo về giá cả và chất lượng hàng hóa và có cơ sở để tính lãi. Từ chỗ có một vài cửa hàng đến nay con số này đã tăng nhanh chóng. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hiện diện 4 công ty tài chính, gồm: ACS, HD, PPF, VP Bank với mấy chục điểm giới thiệu dịch vụ. Có nơi cùng 1 cửa hàng mà có đến vài công ty tài chính tham gia, tạo ra sự cạnh tranh lớn trong việc tìm kiếm khách hàng. 

 

 

Để được đứng chân làm các điểm giới thiệu dịch vụ, những công ty tài chính phải trích hoa hồng trên doanh thu từ bán hàng trả góp cho cửa hàng. Nhiều cửa hàng cho biết từ khi có loại hình này, tình hình mua bán khá hơn thấy rõ, nhất là trong hoàn cảnh thu nhập của một bộ phận dân cư còn thấp như hiện nay, muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng đâu phải đối tượng nào cũng đáp ứng đủ điều kiện.

Với dịch vụ mua hàng trả góp, khách chỉ cần có chứng minh nhân dân, bằng lái xe hoặc chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu và hóa đơn điện, nước, internet là đã được công ty tài chính chấp nhận. Đơn giản như vậy nên ngày càng thu hút người tham gia. Đó cũng là cơ hội cho các công ty này ăn nên làm ra, mở rộng mạng lưới hoạt động khắp nơi.

Khó quản lý

Việc thành lập, cấp phép và quản lý hoạt động của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ được các công ty tài chính thông báo về việc đi và đến. Những công ty này cũng không có nghĩa vụ phải báo cáo tình hình hoạt động cụ thể cho cơ quan chức năng địa phương biết.

Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cho biết: Cho vay trả góp là hình thức thực hiện cơ chế thỏa thuận về lãi suất và các khoản phí giữa công ty tài chính và khách hàng, miễn sao mức lãi này không vượt quá 10 lần lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước quy định, tương đương 90%/năm! Nếu có tin báo về việc vi phạm nào đó của các công ty này thì chúng tôi mới can thiệp. Đây thực sự là kẽ hở vì cơ quan chức năng địa phương không được quản lý toàn diện.

Theo quy định, tại các điểm giới thiệu dịch vụ phải niêm yết biểu lãi suất đối với từng sản phẩm trả góp và công khai mức lãi cho người mua hàng biết trước khi ký hợp đồng. Thế nhưng việc niêm yết chỉ là chung chung, khiến khách hàng lầm tưởng về lãi suất. Họ đâu biết rằng mỗi đối tượng khách hàng, mỗi thời điểm hợp đồng, mỗi kỳ hạn, mỗi sản phẩm và mỗi cách thức thanh toán sẽ chịu lãi suất khác nhau.

Trong khi ngân hàng thương mại đang tích cực giảm lãi suất khoản vay xuống dưới mức hợp lý thì ngược lại các công ty tài chính lại đưa ra mức lãi “khủng” cho những khách hàng bất chấp lãi suất vì nhu cầu tiêu dùng quá cao. Thực tế, trên thị trường đang tồn tại những mức lãi đến 7,36%/tháng, tương đương 88,32%/năm. Đây là mức mà giới cho vay nặng lãi cũng phải... chào thua!

Liệu có khách hàng nào biết được món nợ mình đang gánh có mức lãi kinh khủng như thế không? Cơ quan chủ quản nếu có nắm được tình hình cũng chẳng thể làm được gì, quyền lợi người tiêu dùng thêm một lần bị bỏ ngỏ!

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm