Kinh tế

Bài cuối: Nông dân bội ước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ vùng nguyên liệu mía tại vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai đang bị xâu xé từng ngày mà “thủ phủ” bông vải Kông Chro cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự dẫn đến sự “bội ước” của một số nông dân vì sợ Công ty thu hồi lại vốn đầu tư nên cố tình bán cho tư thương.
Trong 2 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc kích thích sinh trưởng… cây bông đã dần tìm lại được vị thế của mình. Tại huyện Kông Chro-một trong những vùng nguyên liệu lớn nhất tỉnh, vụ bông vải năm nay Công ty cổ phần Bông Việt Nam- Chi nhánh Gia Lai đã đầu tư trên 831 triệu đồng cho 467 hộ nông dân trồng mới 520 ha, đạt trên 100% kế hoạch với hy vọng sẽ mua được hơn 600 tấn bông hạt.
Thu hoạch bông vải. Ảnh: Nguyễn Diệp
Năm nay giá bông tiếp tục được Công ty mua mức thấp nhất là 11.500 đồng/kg. Mặc dù vậy, tình trạng tranh mua giữa những người làm trong ngành bông và Chi nhánh Công ty Bông tại Gia Lai diễn ra rất gay gắt từ niên vụ 2009-2010 khi thương lái “lén lút” mua trên 200 tấn bông hạt làm thất thoát một lượng lớn bông vải khiến Công ty không thể thu hồi được số vốn đã đầu tư. Vụ thu hoạch năm nay dù mới chỉ đầu vụ nhưng tình trạng tranh mua cũng đã xuất hiện và diễn ra quyết liệt khi thương lái mua khoảng 20 tấn, (tương đương 20% sản lượng toàn huyện). Đặc biệt, giá bông vải tiếp tục tăng lên 14.000 đồng/kg, nhưng người dân vẫn bội ước không chịu bán sản phẩm cho nhà máy.
Ông Giang Chí Dũng- Giám đốc Công ty bức xúc: Trong 2 năm qua, Công ty luôn thực hiện đúng cam kết với nông dân là đầu tư và mua nguyên liệu sao cho hợp lý để đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện một số thương lái chủ yếu là người của Công ty đã nghỉ việc cố tình tranh mua với mức giá thấp hoặc cao hơn 500 đồng/kg dẫn đến hậu quả rất lớn khi một số hộ dân cố tình bán cho thương lái để tránh trả nợ khoản tiền mà Công ty đã đầu tư hỗ trợ ban đầu.
Việc làm này rất nguy hiểm nếu địa phương không có biện pháp ngăn chặn thì chuyện nông dân bội ước sẽ xảy ra như những năm trước đây, gây nhiều khó khăn trong hoạt động chế biến của nhà máy. Công ty đã tăng cường lực lượng xuống các xã, thị trấn vận động nhân dân không bán cho thương lái nhằm tạo điều kiện cho nhà máy thu hồi lại nguồn vốn đã đầu tư.
Ông Phạm Văn Liệm- thôn 9, xã Yang Trung cho biết thêm: “Từ trước đến nay gia đình luôn thực hiện đúng cam kết với Công ty Bông vì nhờ họ mà mình có được như hôm nay, nhưng 2 năm trở lại đây một số thương lái lén lút mua của các hộ trong thôn đã làm nhũng nhiễu thị trường”.
Ông Đinh Kinh- Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: Trước tình trạng các hộ cá nhân không đầu tư, hỗ trợ cho nông dân nhưng tranh mua sản phẩm với Công ty Bông Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra các tổ chức và cơ sở thu mua trái phép tại những vùng không có đầu tư nhằm giúp Chi nhánh Công ty Bông thu hồi vốn nợ đầu vụ một cách tốt nhất. Nghiêm cấm việc gửi bông cho người khác bán… nhằm hạn chế sự vi phạm hợp đồng của người nông dân.
Mới đây Công an thị trấn Kông Chro đã tuần tra và phát hiện tại nhà ông Phạm Công Trạng-làng Dơng-thị trấn Kông Chro đã cố tình gom sản phẩm bông khoảng 2,5 tấn, lực lượng Công an đã yêu cầu gia đình không mua nữa, và ông này đã hứa nhưng ngày sau lại tiếp tục tái phạm.
Mía và bông vải đang bị tranh mua trên địa bàn Gia Lai không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của nhà máy chế biến mà nguy hiểm hơn là tạo ra thói quen bội ước của nông dân, phá vỡ tính ổn định giữa bốn nhà.
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm