Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: Pretvihia-du lịch với lính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Buổi sáng. Trời mưa sùi sụt. Bữa điểm tâm, chầu cà phê kéo dài chờ mưa tạnh, cũng là để đến lúc được phép lên thăm đền Pretvihia. Phó Quốc vụ khanh Campuchia, Đại tướng Chau Phaly cho biết như thế khi đi cùng đoàn. Cũng theo Đại tướng, ông có đến 15 năm chỉ huy quân đội ở đây nhưng mỗi lần đến thăm vẫn thấy bồi hồi xúc động kỳ lạ. 
8 giờ. Sau khi kiểm tra an toàn, đoàn xe cài thêm cầu và bắt đầu hành trình chinh phục ngọn núi Pream Makara. Mưa, sương mù dày đặc. Đường trơn và dốc đứng, ngoằn ngoèo uốn lượn. Nhiều đoạn mặt đường là nền đá do mìn, thuốc nổ san phá mà thành. 
Chừng 4 km tính từ chân núi, chúng tôi dừng lại thăm nơi đồn trú của một đơn vị quân đội. Sĩ quan, lính tráng tập hợp khá đông. Người cũ, người mới lúp xúp trong mưa vận chuyển thực phẩm, giày, áo mưa, bạt che,... hỗ trợ binh lính. Đây là quà của “công ty con”-Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Rattanakiri (thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-Việt Nam hiện có dự án đầu tư tại nước bạn). Sáng kiến này là của Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang Lê Đình Bửu. Đời lính thì biết thế nào là đủ. Nhân chuyến đi thăm đền, món quà thực tế vì vậy lại càng thêm giá trị.
Ảnh: T.S
Trò chuyện, chụp hình lưu niệm với lính một lúc, đoàn lại lên đường. Ngoằn ngoèo đèo dốc dựng đứng thêm 4 km nữa thì bất ngờ hiện ra trước mắt chúng tôi là một khung cảnh đền đài cổ kính hoang phế, đường đi, hành lang bằng đá nhiều đoạn đổ nát. Ai cũng cảm thấy lạ lẫm, choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của một công trình bền bỉ với thời gian.
Như trên đường với những binh lính, vũ khí, hầm hào, công sự, khu vực đền cũng lố nhố lính canh. Trong mưa, trong đổ nát hoang tàn, có cảm giác những người lính bồng súng như những chiến binh, vệ sĩ bước ra từ ngàn năm trước. Một điều đặc biệt là ở đây có nhiều trẻ con và chúng cũng mặc trang phục rằn ri của lính. Hỏi mới biết, binh lính được phép đưa cả vợ con lên đây. Giữa những lùm cây, lau lách, cạnh dòng suối róc rách, những lán trại dã chiến, vẫn nghe tiếng phụ nữ, trẻ con í ới. Ái ngại. Nhưng nhìn khói bếp lan tỏa quyện với mùi thơm thịt nướng khiến ta có cảm giác không khí gia đình hiện hữu rất rõ ở ngay cái nơi có vẻ như đang có chiến sự này!
Thu vào tầm mắt từ trên cao nhưng ít ai biết đầy đủ di sản Pretvihia phần lớn nằm trên đất Campuchia, phần còn lại ở trên đất Thái Lan. Mang phong cách kiến trúc Banteay Srei, đền đài có nhiều tác phẩm tinh xảo điêu khắc đá sa thạch-một loại đá rất cứng. Công trình thờ những vị thần tối cao của tôn giáo Hindu là một kiến trúc phức hợp theo trục Bắc-Nam dài cả ngàn mét với những tường cao, những bậc tam cấp dẫn lên một loạt điện thờ có gương mặt người bí hiểm hướng về phía Thái Lan, nằm trên đỉnh núi cao 520 mét so với đồng bằng và cao dần lên về phía Nam. Dù vậy, từ lúc chiếc Ford Everet trèo lên đền, có cảm giác độ cao ở đây phải hơn thế. Pretvihia được xây dựng ròng rã suốt 2 thế kỷ, khi đế chế Khmer hùng mạnh bao trùm cả một phần đất của Thái Lan bây giờ. Theo các tài liệu cổ, ngôi đền đầu tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ IX, để thờ thần Shiva. Đây cũng là nơi định cư quan trọng của đế chế Khmer hùng mạnh trong thế kỷ thứ XII, cùng với quần thể kiến trúc Ăng Kor ở Siem Riep.
Từ thấp đến cao, từ ngôi đền thứ nhất đi vào, con đường lát những phiến đá to lớn, nhẵn thín dẫn đến các điện thờ đổ nát và những hành lang dằng dặc với những tượng thần linh, thú, rắn, vũ nữ... Không một điện thờ nào còn nguyên vẹn. Giá đỡ, tam cấp bằng gỗ, bằng khung sắt dựng ở khắp nơi nhưng có vẻ chúng không chống chọi nổi sự khắc nghiệt tàn phá. Thời gian, chiến tranh và cả sự thờ ơ của con người đã không giữ được sự nguyên vẹn của di sản. Trước mỗi tam cấp, trên lối đi xuất hiện vô số hố nước loang lổ có đường kính chừng 20 cm-nước để các tu sĩ rửa chân, tẩy trần trước khi bước lên điện thờ thiêng liêng, cao khiết. Một hồ nước lớn vuông vắn còn nguyên vẹn nằm trong quần thể kiến trúc, những phiến đá ken dày bốn bên. Đây là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho các tu sĩ trong quá trình tu luyện và tổ chức các nghi lễ. Nghe nói các tiên nữ cũng từng xuống lấy nước ở hồ này.
Nằm sát biên giới giữa Campuchia và Thái Lan và do lịch sử để lại nên Pretvihia luôn nằm trong vòng tranh chấp giữa hai nước. Năm 1962, Tòa án công lý quốc tế phán quyết ngôi đền thuộc về Campuchia. Tuy nhiên phán quyết này đã không được phía Thái Lan chấp thuận. Sự tranh chấp trở nên gay gắt vào tháng 7-2008, dai dẳng sau đó và chỉ mới được lắng dịu trong thời gian gần đây. Trước sự chỉ trích của thế giới, cả Thái Lan và Campuchia đã ngồi vào bàn đàm phán, tỏ rõ thiện chí, cam kết thực hiện chủ trương đối thoại mà không can thiệp vũ trang.
Chú trọng phát triển giao thông nối liền các địa phương với những nơi Khmer Đỏ từng cố thủ, con đường lên đền Pretvihia cũng được chính phủ Campuchia tích cực xây dựng và hoàn thành vào năm 2003 phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh đất nước, bảo vệ di sản và làm du lịch. Từ năm 2007, Campuchia đề nghị công nhận di sản văn hóa cho ngôi đền nhưng không được chấp nhận. Việc UNESCO trao danh hiệu Di sản thế giới cho đền Pretvihia gần đây dĩ nhiên cũng không được Thái Lan tán thành.
Cùng với giá trị di sản và sự tranh chấp vốn có, chắc chắn trong sự nổi tiếng của mình, Pretvihia còn được biết đến như một điểm đến mà mỗi bước chân du khách luôn có hình ảnh người lính đi cùng.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm