(GLO)- Đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) đạt được nhiều kết quả nhất định đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh, thúc đẩy địa phương nhanh chóng đạt được kết quả về các tiêu chí khác trong bộ tiêu chí mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Là tiêu chí thứ 2 trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã có 57 xã hoàn thành tiêu chí này, đạt 31%. Đây là một con số chấp nhận được do xuất phát điểm của chúng ta thấp. Mặc dù UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo công tác xây dựng GTNT gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng theo nhận định chung của tỉnh, do nguồn kinh phí còn hạn chế và nguồn lực huy động trong nhân dân cũng rất khó khăn, vì đa số là dân nghèo không có khả năng đóng góp nên đến nay đường xã, đường thôn và trục chính nội đồng có tỷ lệ nhựa hóa và cứng hóa còn thấp.
Tỉnh lộ 663 hoàn thành là niềm vui lớn cho người dân huyện Chư Prông. Ảnh: H.D |
Xã Ia O (huyện Ia Grai) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 72,6%, với tổng số 1.100 hộ và 2.256 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn 15,5%. Là một xã biên giới còn nhiều khó khăn nên việc huy động sự đóng góp trong dân để làm đường GTNT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là cực kỳ khó, nếu không muốn nói là không thể. Ông Siu Nghiệp-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, cho biết: Xã có 9 làng và làng xa trung tâm xã nhất hơn 10 km, dân sống rải rác trên địa bàn rộng, điều kiện kinh tế của người dân còn thấp nên việc huy động đóng góp của người dân để xây dựng hệ thống đường GTNT là rất khó, nếu không muốn nói là không thể huy động được. Riêng hệ thống giao thông nội đồng lại càng khó bởi người dân chủ yếu làm nương rẫy địa hình xa cách.
Ia O chỉ là một trong rất nhiều xã của tỉnh gặp khó khăn trong huy động vốn nên việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng GTNT gặp rất nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, công tác xây dựng GTNT còn gặp nhiều hạn chế khác, như nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với các tuyến đường tỉnh, huyện, xã, hàng năm chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý đã được quan tâm, nhưng công tác tuyên truyền chưa được chú trọng khiến tình trạng vi phạm tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, tập kết vật liệu trên nền đường vẫn còn. Huy động sức dân làm GTNT chủ yếu huy động số ngày công lao động xã hội để làm công việc thủ công đơn giản. Việc khai thác vật liệu như đá, cát, sỏi và vật liệu khác để cải thiện mặt đường và các công trình nhỏ chưa được nhiều. Công tác duy tu cũng mới thực hiện việc phát quang cây cỏ, san lấp chỗ lầy lội, vá ổ gà bằng đất, cấp phối, sửa rãnh, cống thoát nước, và chưa có hướng cải tạo nâng cấp đường dân sinh bằng vật liệu hạt cứng. Chưa kể công tác chỉ đạo phong trào chủ yếu tập trung vào cuối năm và kết hợp với một số phong trào khác nên phong trào làm GTNT chưa thường xuyên duy trì. Nhiều công trình thi công kéo dài dẫn đến vốn đầu tư tăng.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đưa ra kế hoạch xây dựng và phát triển GTNT với các mục tiêu cụ thể, như tiếp tục đầu tư, phát triển đường huyện đến năm 2020 đạt quy mô tối thiểu cấp V. Đối với các tuyến đường đô thị, sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đã có, phấn đấu tăng tỷ lệ đường rải thảm bê tông nhựa, tối thiểu các tuyến đạt tiêu chuẩn tương đương đường cấp III, nền 9 mét, mặt 6 mét. Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông đô thị với mục tiêu đến năm 2020 hệ thống đường giao thông đô thị của TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và một số huyện đạt tiêu chuẩn đường đô thị hiện đại. Phấn đấu phát triển hệ thống đường xã đạt quy mô cấp giao thông loại A trở lên, tải trọng thiết kế trục 6 tấn trở lên…
Để mạng lưới giao thông góp phần vào phát triển nền kinh tế-xã hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh nói chung, GTNT nói riêng, góp phần hoàn thành mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới thì các cấp chính quyền và ngành Giao thông-Vận tải cần có sự hỗ trợ thích đáng. Tỉnh ta cũng đã có kiến nghị với Trung ương một số vấn đề, như hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài như vốn ODA, vốn vay của các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế, khu vực và vốn vay tín dụng ưu đãi của nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh phải có chính sách ưu tiên phát triển GTNT ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có vị trí quan trọng trong đảm bảo quốc phòng-an ninh, nhằm tạo động lực phát triển, giảm chênh lệch giữa các vùng, miền. Ngoài ra tỉnh cũng cần huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển GTNT từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, tiềm năng to lớn trong nhân dân, của các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Hà Duy