Bạn đọc

Bài cuối: Tòa sai trong việc áp dụng pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là ý kiến của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai tại Văn bản kháng nghị số 285/VKS-P5 ngày 30-8-2013.


Theo đó, tại Bản án phúc thẩm số 10/2013/KDTM-PT, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai đã nhận định một cách chủ quan. Bởi, Điều 342 Bộ luật Dân sự không quy định giao dịch thế chấp tài sản chỉ có hai chủ thể tham gia giao dịch, mà có thể có hai, hoặc ba bên. Luật cũng không quy định bên thế chấp bắt buộc phải đồng thời là bên có nghĩa vụ trong quan hệ thế chấp.
 

 

Ngoài ra, tại thời điểm ký kết các hợp đồng thế chấp, các bên như đã nêu đều tự nguyện thỏa thuận và tự nguyện ký kết. Các bên đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bên nào bị lừa dối hay bị ép buộc. Do đó, việc các bên xác lập hợp đồng thế chấp số 93, 94 là phù hợp cả về nội dung lẫn hình thức. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai còn thẳng thắn nêu rõ, Tòa án cùng cấp đã sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nên mới chấp nhận kháng cáo của ông Thiên. Cụ thể, việc tuyên bố các giao dịch thế chấp tại các hợp đồng số 93, 94 là giao dịch vô hiệu do bị nhầm lẫn; buộc Vietinbank phải trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng Thiên-Huệ là trái với ý chí tự nguyện của các bên tham gia giao dịch, không đúng với các quy định của pháp luật về thế chấp bằng quyền sử dụng đất.

Hậu quả của phán quyết này đã làm cho các khoản vay của Ngân hàng từ có đảm bảo trở thành không có đảm bảo, xâm hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước; có nguy cơ tạo nên tiền lệ xấu, tạo điều kiện cho bên thứ ba đã thế chấp tài sản tại hệ thống các ngân hàng lợi dụng việc này để yêu cầu Tòa tuyên bố giao dịch thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với bên nhận thế chấp là hệ thống các ngân hàng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, TAND tỉnh Gia Lai đã vi phạm về phạm vi xét xử phúc thẩm bởi đã giải quyết cả nội dung không có trong kháng cáo và cũng không liên quan gì đến kháng cáo của đương sự, giải quyết quá yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bởi, kháng cáo của ông Thiên chỉ yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng vợ chồng ông chỉ trả nợ thay sau khi đã xử lý hết tài sản của ông Thái; trong quá trình giải quyết vụ án ở 2 cấp Tòa, không có đương sự nào yêu cầu Tòa án giải quyết về việc tuyên bố vô hiệu các hợp đồng giao dịch thế chấp số 93, 94.

Từ kháng cáo này, ngày 9-6-2014, TAND tối cao đã ra Quyết định Giám đốc thẩm số 26/2014/KDTM-GĐT. Văn bản này thể hiện, việc Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Gia Lai tuyên xử 2 hợp đồng thế chấp số 93, 94 vô hiệu là vi phạm thủ tục tố tụng dân sự. Tòa tối cao cho rằng, tại hai hợp đồng thế chấp số 93, 94, việc giao dịch dân sự giữa các bên không trái với quy định của pháp luật, cần phải xác định giao dịch này là hợp pháp và phải được xác định là hợp đồng đã phát sinh hiệu lực, không bị nhầm lẫn và vô hiệu như nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm. Vụ án được TAND TP. Pleiku tuyên xử là có căn cứ, đúng pháp luật, còn Tòa cấp phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm là không có căn cứ, trái pháp luật.

Từ đó, Tòa tối cao tuyên hủy Bản án phúc thẩm số 10-2013/KDTM-PT. Và sau đó, vào ngày 11-12-2014, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án trên ra xét xử phúc thẩm lần II, Bản án số 15/2014/KDTM-PT thể hiện, không chấp nhận kháng cáo của ông Thiên; giữ nguyên Bản án số 11/2013/KDTM-ST.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm