Trong nhiều đoàn đến thăm và công tác tại huyện đảo Trường Sa, có lẽ đoàn mà tôi được tham gia là đoàn đặc biệt nhất từ trước đến nay: Đại diện cho 54 dân tộc anh em về với Trường Sa. Trong cái chung của tinh thần đại đoàn kết, thì mỗi đại diện dân tộc đều muốn thể hiện tình cảm của dân tộc mình với quân dân huyện đảo.
Đoàn Hà Giang tặng ảnh cột cờ Tổ quốc ở cực Bắc Tổ quốc. Ảnh: Quốc Ninh |
Còn Thổ Út (dân tộc Chơ Ro) tỉnh Đồng Nai, thổ lộ: Cha tôi nay đã 90 tuổi, cả đời đi theo cách mạng, dặn tôi: Hãy mang tình cảm và ý chí của dân tộc mình đến với bà con huyện đảo Trường Sa; hãy ghi nhớ thật nhiều về biển, về Trường Sa để kể cho bà con mình nghe”.
Cũng rất tự hào về biển đảo, Thượng tọa Danh Lung- người dân tộc Khmer, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xao xuyến: “ Tôi mang theo tình cảm của phật tử hướng về Trường Sa. Cha ông mình thật vĩ đại, tạo dựng nên đất nước giàu đẹp. Các chiến sĩ Trường Sa thật kiên cường…”. Nhưng bất ngờ nhất và cũng khâm phục nhất là Phùng Lê Na- người La Hủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, dù mới xây dựng gia đình, lại có thai 2 tháng, nhưng vì muốn được đại diện cho dân tộc mình đi Trường Sa mà đã quyết “ không khai”, vượt cả ngàn cây số đến với Trường Sa…
Với bộ đội hải quân ở đảo Sơn Ca. Ảnh: Quốc Ninh |
Tôi đã từng đến đền Đô nơi thờ Lý Thái Tổ và các vị vua Triều Lý (ở Từ Sơn, Bắc Ninh), nơi có đền thờ Lý Thường Kiệt và bài thơ bất hủ Nam quốc sơn hà của ông. Nay đến quần đảo Trường Sa lại được biết đến một nơi rất linh thiêng là đảo chìm Đá Tây cũng có một am thờ Lý Thường Kiệt và tấm bia đá khắc bài thơ thần Nam quốc sơn hà. Vượt qua sóng gió, dâng hương vị anh hùng dân tộc, trong tâm khảm chúng tôi như nghe âm vang lời tuyên ngôn giữa đại dương: Nam quốc sơn hà Nam Đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư! Cảm nhận hết sự hiên ngang và trường tồn của Tổ quốc, của biển đảo quê hương.
Quốc Ninh