(GLO)- Ngay từ khi có đơn tố cáo của hội viên, lãnh đạo Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Chư Răng đã tiếp thu theo hướng cầu thị. Tuy nhiên, sau khi đề xuất hướng xử lý theo hướng dẫn của cấp trên, đến thời điểm này, cả người tố cáo và người xử lý tố cáo đều bị cách chức, khai trừ, xóa tên khỏi Hội...
Người cha 12 tuổi với 5 đứa con?
Trong thời gian hội viên gửi đơn tố cáo, ông Nguyễn Viết Đàm (tự khai trong lý lịch Đảng là sinh năm 1942, quê gốc ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục, Hà Nam) giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã Chư Răng. Ông Đàm bị hội viên tố không có bất kỳ giấy tờ nào nhưng vẫn cố len lỏi vào Hội để tranh thủ hưởng chế độ chính sách của Nhà nước(?). Tại biên bản kiểm tra hồ sơ kết nạp hội viên được lập vào tháng 8-2012, ông Đàm chỉ cung cấp được mỗi tờ đơn xin xác nhận (tự viết) vào ngày 3-6-2012. Cụ thể, trong đơn được các cơ quan như Hội CCB, Ban Chỉ huy Quân sự xã, UBND xã Đồng Du lần lượt ký xác nhận thì ông Đàm khai, vào ngày 25-6-1962, ông được lệnh nhập ngũ tại đơn vị C1-D1-E46, cấp bậc binh nhì, chức vụ chiến sĩ. Từ tháng 12-1962 đến tháng 3-1968, ông Đàm lần lượt công tác tại các đơn vị như Tiểu đoàn 15 Công binh (Lữ đoàn 930), đơn vị H10-K15 đoàn 625 (đơn vị tàu không số thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân), Trung đội 2, Đại đội 8, tiểu đoàn 2, E46. Sau đó, vì bị bệnh thấp khớp biến chứng nên đã xuất ngũ với chức vụ Tiểu đội trưởng, cấp bậc Trung sĩ, tại Trung đội 2. Vào năm 1979, khi đi xây dựng kinh tế mới tại xã Pờ Tó (nay là xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), do gia đình ông phải di chuyển chỗ ở nhiều lần nên các giấy tờ bị thất lạc.
Càng khó hiểu hơn, ngoài bìa quyển lý lịch đảng viên Nguyễn Viết Đàm đề là: Đảng Lao động Việt Nam-Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa(?). |
Theo điều tra của phóng viên, khi vào Hội CCB, ông Đàm khai vào Đảng năm 1965; trong lý lịch đảng viên, ông lại khai vào Đảng năm 1966, nghĩa là lúc này ông Đàm 24 tuổi. Trong phần hoàn cảnh gia đình, cha là Nguyễn Viết Tủng (63 tuổi), lớn hơn con cả Nguyễn Viết Đàm 39 tuổi; mẹ Nguyễn Thị Thán (61 tuổi), lớn hơn ông Đàm 37 tuổi; em trai kế Nguyễn Viết Dũng (24 tuổi), bằng tuổi anh cả Đàm. Khôi hài nhất là ông Đàm khai vợ là bà Phạm Thị Luyền (35 tuổi), con gái đầu Nguyễn Thị Xuân Nhạn (12 tuổi), nghĩa là ông Đàm lấy vợ lớn hơn mình 11 tuổi và ông được làm cha… khi chỉ mới tròn 12 tuổi. Ở độ tuổi này, càng thán phục hơn khi ông đã có đến 5 người con (từ 3 đến 12 tuổi). Chưa hết, ông Đàm khai vào Đảng ngày 3-2-1966 tại Tiểu đoàn 120 (đơn vị Hải quân) song trong lý lịch đảng viên lại không có dấu của đơn vị này. Trong khi đó, Quân đội nhân dân Việt Nam là do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo song trường hợp lý lịch đảng viên của ông Đàm lại không có tổ chức Đảng của bất kỳ đơn vị quân đội nào xác nhận, càng làm cho dư luận khó tin.
Càng khó hiểu hơn, ngoài bìa quyển lý lịch đảng viên Nguyễn Viết Đàm đề là: Đảng Lao động Việt Nam-Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa(?). Bên trong, ông Đàm khai quê ở tỉnh Hà Nam; vào Đảng tại Tiểu đoàn 120; phần giáp lai từ đầu chí cuối quyển lý lịch là con dấu của Ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa; nơi xác nhận lý lịch là Đảng ủy xã Đồng Du mà người xác nhận lý lịch lại không ghi rõ chức vụ. Lý giải cho vấn đề này, vào ngày 13-4-2011, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa lúc bấy giờ là ông Huỳnh Trọng cho rằng, bản sao này được sao từ lý lịch gốc của đảng viên Nguyễn Viết Đàm, lưu trữ tại Ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa. Sau khi có được xác nhận này, ông Đàm đã 2 lần photocopy lý lịch Đảng thay giấy ra quân để làm chế độ 142 nhưng đều không được cơ quan chức năng công nhận. “Cứ tạm cho là ông Đàm vào Đảng vào năm 1966, đến năm 1979 ông mới về xã Đồng Du xác nhận lý lịch Đảng. Vậy, 13 năm đó, ông sinh hoạt Đảng ở đâu?”-những người tố cáo nêu câu hỏi.
Bao che?
Từ trái sang là các ông Yên, Đỉnh, Xuân. |
Tất cả việc làm của các ông Đàm, The, Tá đều bị các hội viên CCB phản ứng dữ dội và đề nghị khai trừ, xóa tên để làm trong sạch Hội. Song, điều trớ trêu là, những người được hội viên đánh giá là tố cáo có căn cứ là ông Yên, ông Đỉnh lại bị ông Đàm chỉ đạo kỷ luật khai trừ khỏi Hội CCB vào cuối năm 2011. Quá bất bình, ông Yên, ông Đỉnh tiếp tục làm đơn tố cáo. Sau một thời gian dài, căn cứ vào Công văn số 12/CV-CCB ngày 30-8-2012 do ông Nay Phen-Chủ tịch Hội CCB huyện Ia Pa ký, ngày 11-9-2012, Ban Chấp hành Hội CCB xã Chư Răng đã kết luận, đình chỉ sinh hoạt Hội đối với 3 ông Đàm, Tá, The vì không có giấy tờ và giấy tờ không hợp lệ. Sau đó, vào ngày 25-1-2013, ông: Trần Văn Xuân-Phó Chủ tịch Hội CCB xã Chư Răng đã ký Công văn số 02/TB-CCB thông báo xóa tên 3 ông: Đàm, The, Tá ra khỏi Hội CCB Việt Nam. Song kỳ lạ thay, sau đó, cho rằng ông Xuân tự ý thực hiện việc xóa tên 3 ông Đàm, Tá, The, cuối năm 2014, lãnh đạo Hội CCB huyện Ia Pa đã thi hành quyết định cách chức Phó Chủ tịch, khai trừ ra khỏi Hội CCB xã Chư Răng đối với ông Xuân.
Và đến nay, Huyện ủy Ia Pa cho rằng vụ việc đã khép lại với kết luận, tất cả điều mà các ông Yên, ông Đỉnh tố cáo là không đúng sự thật vì không có bằng chứng mặc dù Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Đức Tuấn thừa nhận với phóng viên rằng, ông Tá có ý đồ làm hồ sơ để hưởng chế độ 142 nhưng hành vi đã không thực hiện thành công. “Qua kiểm tra của Hội CCB xã Chư Răng, các ông Đàm, Tá, The đều không đủ điều kiện và tư cách đứng trong hàng ngũ Hội CCB Việt Nam. Thế nhưng rốt cục, người tố cáo và bản thân tôi là người thực hiện chỉ đạo lại bị khai trừ và xóa tên. Công lý ở đâu vậy?”-ông Xuân bức xúc chất vấn.
Câu hỏi của các vị đảng viên, đề nghị ngành chức năng sớm có câu trả lời!
Ngọc Linh