Thể thao

Thể thao cộng đồng

Bài toán thể lực của tuyển Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân sự tốt, lối chơi tốt, thể lực tốt là những yếu tố quan trọng đầu tiên có thể giúp tuyển Việt Nam chiến thắng tại AFF Cup 2022. Trong đó, việc phải thích ứng được mật độ thi đấu dày đặc là bài toán khó cần giải quyết.
Lịch thi đấu dày không tưởng
Có một số sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa AFF Cup 2018 - giải đấu mà tuyển Việt Nam đã đăng quang sau 10 năm chờ đợi, và AFF Cup 2022 - giải đấu mà tuyển Việt Nam khát khao lấy lại ngôi vô địch từ tay người Thái. 4 năm trước, thầy trò HLV Park Hang-seo đã khởi đầu tưng bừng bằng chiến thắng 3-0 trước Lào trên sân khách và sau đó có gần 1 tuần để chuẩn bị cho trận đấu thứ 2 gặp Malaysia trên sân nhà (chúng ta thắng 2-0).
Nhưng lịch thi đấu năm nay vất vả hơn rất nhiều. Cụ thể, ngày 21.12, chúng ta làm khách trên sân vận động quốc gia Lào, ngày 27.12 gặp Malaysia trên sân nhà nhưng kể từ đó cho đến trận chung kết, nếu tuyển Việt Nam đi tới trận đấu cuối cùng của giải, sẽ phải chịu đựng mật độ thi đấu cực kỳ căng thẳng. Ngày 30.12, chúng ta chơi trên sân khách Singapore rồi đến ngày 3.1.2023 lại làm chủ nhà trận gặp Myanmar. Bán kết lượt đi, lượt về vào các ngày 6, 7.1; 9, 10.1. Chung kết lượt đi, lượt về vào các ngày 13, 16.1. Nghĩa là hầu hết giữa các lượt trận, tuyển Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 2 ngày để chuẩn bị (tính cả khâu di chuyển giữa Việt Nam đến các nước). Không tính khoảng thời gian giữa trận gặp Lào và gặp Malaysia, ngay sau đó, chúng ta sẽ đá tối đa 7 trận liên tiếp trong vòng 17 ngày. Anh Hoàng Bách, cựu trợ lý HLV đội U.19 Việt Nam Troussier nhận xét: “Tần suất và độ bào mòn khủng khiếp hơn cả mùa giải CLB châu Âu, tiền World Cup 2022. Chính vì lý do đó, công tác chuẩn bị và hồi phục thể lực, cùng với tối ưu hóa khâu hậu cần di chuyển sẽ đóng vai trò bản lề trong thành bại của tuyển Việt Nam tại AFF Cup năm nay”.
 
Nếu giải quyết sớm từ trận gặp Malaysia, tuyển Việt Nam cần tính toán thể lực cho tốt ở bán kết AFF Cup. Ảnh: Độc Lập
Trên thực tế, việc đội tuyển Việt Nam hay U.23 Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo phải trải qua mật độ thi đấu dày đặc không phải là điều quá mới mẻ. Nhưng nên nhớ rằng đó là những lần mà đội Việt Nam thi đấu tập trung tại một quốc gia. Ví dụ như ở SEA Games 30 tại Philippines, U.23 Việt Nam thi đấu trung bình 3 ngày/trận. Hay ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, giai đoạn 4 trận cuối cùng đá tại UAE, tuyển Việt Nam cũng trải qua mật độ như vậy. Nhưng các cầu thủ của chúng ta không phải mất công di chuyển nên có thời gian hồi phục để nhanh chóng xua tan cảm giác mệt mỏi sau những trận đấu căng thẳng.
Tại AFF Cup 2022, ông Park có lẽ cũng nên tính toán đến việc làm sao có thể có vé vào bán kết sớm chứ đừng đợi đến lượt trận cuối của vòng bảng mới biết “số phận” được định đoạt như thế nào. Bởi như vừa liệt kê cụ thể lịch thi đấu của Việt Nam ở trên, trận đấu cuối cùng của vòng bảng với lượt đi vòng bán kết chỉ cách nhau đúng 2 ngày. Nếu tuyển Việt Nam đảm bảo được việc vào bán kết từ ngay lượt thứ 3, thì hoàn toàn có thể sử dụng đội hình phụ nhằm giữ chân những trụ cột tại lượt cuối cùng của vòng bảng.
Phải có được chiều sâu đội hình
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định: “Vài năm trở lại đây, thể lực không phải là vấn đề quá nan giải, quá đáng sợ đối với tuyển Việt Nam. Bởi trên thực tế, nhiều giải đấu tầm cỡ, các cầu thủ Việt Nam chơi khá sung sức trong suốt trận đấu, hầu như hiếm thấy tình trạng hụt hơi, đuối sức một cách thái quá. Dĩ nhiên, nói thế không phải để đội tuyển Việt Nam rơi vào trạng thái chủ quan mà vẫn cần tiếp tục duy trì sự chuẩn bị tốt về mọi mặt cho AFF Cup 2022. Dinh dưỡng đúng cách, hồi phục hiệu quả, tránh quá tải, tránh chấn thương…, vẫn là những khâu thiết yếu để tuyển Việt Nam có được sức khỏe sung mãn nhất cho lộ trình dài hơi tại sân chơi khu vực.
Và điều đặc biệt quan trọng, theo tôi, chính là HLV Park Hang-seo ngoài việc phác thảo, xây dựng được lối chơi mới mẻ cho tuyển Việt Nam, còn phải cùng các cộng sự thiết lập được chiều sâu lực lượng, chiều sâu đội hình. Khi mật độ thi đấu quá dày, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào 1 đội hình duy nhất. Mà tùy từng đối thủ, tùy vào diễn tiến thực tế trên sân lại có cách vận dụng nhân sự sao cho linh hoạt nhất có thể. Khó mình thì cũng khó người, các đội trong khu vực cũng phải chịu mật độ dày như chúng ta, do đó Việt Nam phải có sự thích ứng tốt”.
Ông Xương gợi ý: “Ông Park nên chăng gọi thêm những gương mặt trẻ đang chơi tốt trong màu áo U.20, U.23 Việt Nam. Có lẽ đội tuyển nên mở rộng cánh cửa với những nhân tố tốt như Lương Duy Cương, Nhâm Mạnh Dũng, Phan Tuấn Tài, Khuất Văn Khang hay thậm chí Nguyễn Phi Hoàng - cầu thủ mới 19 tuổi nhưng thi đấu rất tốt, rất tự tin trong màu áo đội Đà Nẵng. Những nhân tố mới không chỉ tạo ra sự cạnh tranh gắt gao mà còn giúp tuyển Việt Nam có thêm những phương án bất ngờ về lối chơi, về chiến thuật trong hành trình tìm lại ngôi vương khu vực”.
Đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung vào ngày 17.9 tại Hà Nội với dự kiến 35 cầu thủ và sẽ di chuyển vào TP.HCM để bắt đầu thi đấu giải tam hùng nhân FIFA Days. HLV Park Hang-seo dự kiến sẽ gọi hơn 10 cầu thủ U.23 vừa chơi tốt tại SEA Games và U.23 châu Á lên tuyển.
Theo Nhật Duy (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm