Bám làng dạy chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghề giáo vẫn luôn được xã hội tôn vinh là nghề cao quý và càng cao quý hơn khi có rất nhiều giáo viên đang miệt mài vượt khó “gieo chữ” ở những vùng đất xa xôi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở họ có chung một khát vọng, đó là khát vọng “trồng người”.

Tấm lòng cô giáo trẻ

5 năm là một quãng thời gian không dài với nhiều người nhưng với cô giáo La Thị Thùy Linh-giáo viên Trường THPT Plei Me (huyện Chư Prông) thì đã rất dài bởi mỗi ngày cô phải mất khoảng 4 tiếng đồng hồ để di chuyển giữa nhà và trường. Nhà cô ở xã Ia Sao (huyện Ia Grai), cách trường hơn 100 km, nhưng vì điều kiện gia đình nên cô phải đi về ngày 2 buổi.

 

Cô và trò điểm làng của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hà Đông cùng tham gia một tiết mục sinh hoạt sôi động. Ảnh: N.G
Cô và trò điểm làng của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hà Đông cùng tham gia một tiết mục sinh hoạt sôi động. Ảnh: N.G

Cách đây 5 năm, khi Trường THPT Plei Me được thành lập, cô xung phong chuyển công tác từ Trường THPT Lê Quý Đôn (thị trấn Chư Prông) về ngôi trường mới với lý do rất đơn giản: “Ngày ấy, tôi còn độc thân, chưa vướng bận chuyện gia đình nên muốn cống hiến sức trẻ cho những vùng đất khó. Hơn nữa, tôi thấy thương học trò ở vùng sâu khi các em chịu nhiều thiệt thòi, các em cũng vất vả khi phải dậy sớm đón xe buýt đi học từ lúc 4 rưỡi sáng để kịp tới trường, còn tôi cũng xuất phát từ 4 rưỡi sáng để kịp tiết dạy. Khó khăn như vậy nhưng các em vẫn làm được thì cớ gì một giáo viên có sức khỏe như tôi không làm được”-cô Linh bày tỏ.

Với ý nghĩ đó, cô Linh chưa bao giờ phàn nàn về sự nhọc nhằn khi ngày 2 bận vượt qua hàng trăm ổ gà, ổ voi trên đường để mang kiến thức đến cho các em. Khát vọng “trồng người” đã giúp cô Linh vượt qua tất cả khó khăn để học trò không phải rời xa con chữ. Nơi vùng đất Ia Ga (huyện Chư Prông), những năm qua, tấm lòng của những nhà giáo mang đầy nhiệt huyết như cô Linh như dòng suối mát lành làm dịu đi cái bỏng rát của vùng đất biên cương.

Duyên nợ với vùng sâu

Tự nhận là người có duyên nợ với giáo dục vùng sâu, thầy Đỗ Thiện Úy-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hà Đông (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa) trước khi gắn bó với vùng đất này ngót 12 năm cũng đã có nhiều năm cống hiến cho vùng đất khó Đak Rong (huyện Kbang). Chính vì vậy, thầy Úy rất hiểu tâm tính của học trò, từ đó giúp thầy có những cách làm hay nhằm tạo sự gần gũi với các em, sự thân tình với phụ huynh để giáo dục vùng khó từng bước được khởi sắc. Ở cương vị Hiệu trưởng, thầy Úy luôn quán triệt tập thể sư phạm nhà trường phải hết lòng vì học sinh.

Dù cơ sở vật chất nhà trường còn vô vàn thiếu thốn nhưng không vì thế mà thầy-cô giáo không tận tâm với học trò. “Với tôi, mỗi thầy-cô giáo làm nhiệm vụ ở vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một chiến sĩ khi họ phải vượt qua hoàn cảnh, vượt qua những nhu cầu của bản thân trong cuộc sống để đồng hành cùng học sinh vùng khó. Tôi thường nói đùa với giáo viên của mình rằng, có lẽ chúng ta nợ các em một điều gì đó nên bây giờ phải trả lại. Chúng ta trả bằng cách dạy các em biết cái chữ, biết con số để tính toán, biết cách làm người tử tế”-thầy Úy vui vẻ nói.

Giờ đây, nhìn vào ngôi trường Tiểu học ở Hà Đông tuy đã rất cũ, nhiều phòng học xuống cấp, sân đất nhấp nhô nhưng gần 1.000 học sinh vẫn ngày ngày gắn bó với thầy-cô giáo đã đủ thấy tấm lòng của họ-những nhà giáo gieo chữ vùng sâu.

Giáo viên lớp ghép

Được coi là một giáo viên chủ nhiệm rất đặc biệt khi một mình đứng lớp ghép có 3 trình độ (lớp 1, 2 và 3), thầy Phạm Văn Hậu-giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) ngày ngày vẫn chung thủy với 3 bảng đen, 3 giáo án. Những lớp ghép của thầy Hậu tuy còn nhiều hạn chế nhưng là một giải pháp giúp các em học sinh vùng biên giới xa xôi này biết mặt chữ. “Dù chỉ có trên 10 học sinh của làng Ring hay ít hơn thế thì tôi vẫn dành hết tâm huyết, bởi học sinh ở đâu cũng quan trọng, cũng đáng quý khi các em biết tìm đến con chữ, có khát vọng vươn lên và biết hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn”-Thầy Hậu nói về lớp học đặc biệt của mình.

 

Ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Là tỉnh có hơn 40% học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nên hàng ngàn giáo viên vẫn đang làm công tác giáo dục ở những nơi gian khó ấy. Họ giữ một vai trò hết sức quan trọng trong công tác duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành. Với chúng tôi, những người làm công tác giáo dục và đào tạo, nếu để học sinh nghỉ học là một thất bại lớn. Vì vậy, thầy-cô giáo ở vùng khó phải nỗ lực hết mình để giữ học sinh bằng tình yêu nghề giáo”.

Dẫu còn nhiều gian nan, khó nhọc nhưng chưa một lần thầy Hậu nghĩ sẽ rời xa lớp học ở làng Ring này, bởi với thầy, các học trò ở đây đã quá thân thuộc, đã trở thành một phần trong cuộc sống. “Thương các em lắm nhưng chỉ biết làm một việc để giúp các em đó là cho các em tri thức, dạy các em làm người thì phải biết ước mơ và nhờ đó mà tôi cũng luôn có khát vọng, khát vọng “trồng người” cho làng Ring”-thầy Hậu tâm sự.

Bảo Lam

Có thể bạn quan tâm