Thời sự - Sự kiện

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: Dấu ấn 20 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã để lại dấu ấn trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Góp phần chăm lo đời sống đồng bào DTTS

Ban Dân tộc tỉnh được thành lập theo Quyết định số 145/2004/QĐ-UB ngày 21-12-2004 của UBND tỉnh. Thực hiện Thông tư số 01/2021/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc, Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu nhân sự với 3 phòng chức năng, tổng số công chức, người lao động là 23 người.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Đại hội Dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T

Trên địa bàn tỉnh có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 45,76% dân số. Với vai trò là cơ quan chuyên môn ngang sở thuộc UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Ban Dân tộc tỉnh luôn bám sát tình hình, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

20 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp thực hiện các nội dung chương trình, nhiệm vụ, chính sách dân tộc được UBND tỉnh giao như: xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, định canh, định cư… cho vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí 24.185 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS.

Thông qua các chương trình, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 30.580 căn nhà; hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho 15.330 hộ; xây dựng khoảng 1.484 km đường giao thông nông thôn, 448 km kênh mương nội đồng, 676 phòng học, 4.390 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 897.872 hộ; hỗ trợ định canh định cư cho 2.904 hộ; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho 517.677 hộ; cấp phát hơn 6,4 triệu thẻ bảo hiểm y tế…

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình thăm gian hàng thổ cẩm làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T

Tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS có sự chuyển biến tích cực. Bà con từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các địa phương đã tập trung nguồn lực, ưu tiên giải quyết căn bản các vấn đề cấp thiết thông qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; khuyến nông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực.

Bằng tinh thần tự lực vươn lên, số hộ có đời sống khá giả ngày một tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 8,11%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS chiếm 17,05%. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 6,06%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm còn 12,66%. Tỷ lệ hộ cận nghèo người DTTS từ 16,87% năm 2023 đã giảm xuống còn 16,42% năm 2024.

Các chính sách ưu tiên dành cho đồng bào DTTS thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, văn hóa-xã hội được thực hiện kịp thời. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của bà con được coi trọng.

Hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm củng cố, phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS tiếp tục được đảm bảo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Đến nay, toàn tỉnh có 94 xã, 160 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 156 làng vùng đồng bào DTTS). Tỷ lệ trạm y tế đảm bảo theo tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 94%.

Công tác định canh, định cư đạt 100%; sắp xếp, bố trí, ổn định hộ di cư không theo quy hoạch đạt 97%; thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,7%; tỷ lệ hộ dân được xem truyền hình đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 100%.

Những kết quả quan trọng nói trên đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khẳng định niềm tin của đồng bào các DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đây cũng là dấu ấn đáng tự hào của Ban Dân tộc tỉnh trên hành trình dài 20 năm góp phần chăm lo đời sống đồng bào các DTTS, lan tỏa chính sách dân tộc thấm đẫm nhân văn.

Tiếp tục thực hiện các chủ trương lớn về công tác dân tộc

Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung dự án, tiểu dự án; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá và đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh cùng với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên tặng quà cho cán bộ và nhân dân làng Kmông, xã Ia Tô, huyện Ia Grai. Ảnh: Đ.T

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh (21/12/2004-21/12/2024), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen cho tập thể Ban Dân tộc tỉnh; tặng bằng khen cho 12 cán bộ, công chức có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2022-2024, tổng nguồn vốn ngân sách phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh là 2.183 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân được 1.057 tỷ đồng, đạt 48,43% kế hoạch. Bằng nguồn lực lớn, chương trình đã đầu tư phát triển toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con vùng dự án; từng bước thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bào DTTS và đô thị; thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn.

Các địa phương đã hỗ trợ đất ở cho 36 hộ, nhà ở cho 1.504 hộ, đất sản xuất cho 125 hộ, chuyển đổi nghề cho 3.331 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 4.726 hộ, xây dựng 6 công trình nước sinh hoạt tập trung; thực hiện được 13 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết với 1.838 hộ thụ hưởng; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng được 92.329 ha; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị 168 dự án; hỗ trợ 6 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…

Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung tặng quà cho cán bộ và nhân dân xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa. Ảnh: Đ.T

Các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS cũng được triển khai đồng bộ.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Gia Lai có 12/31 chỉ tiêu đạt và vượt theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn I thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo kế hoạch, tổng nhu cầu vốn thực hiện chương trình là hơn 1.155 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hơn 804 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 351 tỷ đồng.

Ông Kpă Đô Ảnh: Đ.T

Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình để tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, đảm bảo các dự án thực hiện đúng mục tiêu; kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục những hạn chế, sai sót, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình, tổng hợp, báo cáo, đề xuất Trung ương xem xét, quyết định phê duyệt nội dung đầu tư chương trình giai đoạn II (2026-2030).

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tập trung tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS toàn tỉnh lần thứ IV-2024. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Ban Dân tộc tỉnh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm