Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Bán đảo Triều Tiên cực nóng khi tàu ngầm hạt nhân Mỹ xuất hiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Chưa biết diễn tiếp theo sẽ như thế nào nhưng việc Mỹ và đồng minh Nhật, Hàn liên tục tập trận, đặc biệt là sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky của Mỹ tại cảng Busan, Hàn Quốc đã khiến tình hình bán đảo Triều Tiên “căng như dây đàn”.

Triều Tiên dọa đáp trả khi Mỹ phô diễn sức mạnh quân sự hạt nhân. Ảnh: Getty

Liên tục tập trận và sự xuất hiện tàu ngầm hạt nhân

Mở đầu cho căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên là ngày 18/7, tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky mang tên lửa đạn đạo của Mỹ đã cập cảng Busan (Hàn Quốc), đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của loại vũ khí chiến lược này đến bán đảo, kể từ những năm 1980.

Trước đó nữa ngày 16/7, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa 3 bên ở vùng biển quốc tế phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Cuộc tập trận này tập trung vào thực hành các quy trình để phát hiện và theo dõi các mục tiêu mô phỏng trên máy tính cũng như chia sẻ các thông tin liên quan. Một quan chức Hải quân Hàn Quốc nhấn mạnh, cuộc tập trận là cơ hội để cải thiện khả năng phản ứng của quân đội trước các vụ phóng tên lửa đạn đạo, đồng thời giúp thúc đẩy hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Lần gần đây nhất 3 nước tiến hành tập trận phòng thủ tên lửa với quy mô tương đương là vào tháng 4 vừa qua.

Trong một động thái liên quan, ngày 14/7, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan, diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi bày tỏ hy vọng hợp tác 3 bên sẽ góp phần duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Về quyết định mới đây của Mỹ và đồng minh, ngày 21/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken còn thẳng thắn bày tỏ thái độ với Trung Quốc bên lề Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado (Mỹ) rằng: “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng đặc biệt và hi vọng Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng đó để tác động đến Triều Tiên”.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và sẽ còn "đáp trả mạnh mẽ hơn”

Trở lại với việc Mỹ đưa tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc. Phản ứng trước việc này, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun Nam nói: "Tôi nhắc nhở quân đội Mỹ rằng, việc triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược và các tài sản chiến lược khác có thể rơi vào các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân được quy định trong luật pháp của Triều Tiên", theo Hãng Thông tấn Triều Tiên (KCNA).

Ông Kang đã bày tỏ thái độ gay gắt lúc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio của Mỹ vừa cập cảng Hàn Quốc. "Phía quân đội Mỹ nên nhận ra rằng tài sản hạt nhân của họ đã đi vào vùng biển cực kỳ nguy hiểm”, ông Kang nhấn mạnh, cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Không chỉ “nói chơi”, một ngày sau khi tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới Hàn, ngày 19/7, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo ra Biển Đông ngoài khơi Nhật Bản, như một lời đáp trả.

Giáo sư Leif-Eric Easley, tại Đại học Ewha ở Seoul cho rằng Triều Tiên "chắc chắn phản đối" chuyến thăm Hàn Quốc của tàu ngầm Mỹ, cũng như việc Nhóm Tham vấn hạt nhân của hai nước đã có cuộc họp lần đầu tiên tại Seoul ngày 18/7.

Em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn cả về phương thức lẫn quy mô với nỗ lực tăng cường hiện diện các khí tài chiến lược tại bán đảo Triều Tiên của Washington.

Về phần mình, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hoạt động của liên minh Đông Á do Mỹ đứng đầu. Bắc Kinh không ít lần lên án hành động can thiệp thô bạo vào nước khác, khu vực khác của phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Với khu vực Đông Á, Bắc Kinh coi đây là hành động nhằm giám sát và kiềm chế hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm