Kinh tế

Bán hàng đồng giá: Xu hướng kinh doanh mới ở Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không có cảnh ngả giá, mặc cả. Người bán chỉ việc tư vấn cho khách, còn người mua thoải mái lựa chọn những sản phẩm mà họ cảm thấy yêu thích cũng như phù hợp với số tiền bỏ ra. Kinh doanh hàng đồng giá, vì thế, đã lấy được cảm tình của phần lớn khách hàng và dần trở thành phương thức bán buôn hiệu quả được nhiều người lựa chọn.

Đây là một hình thức kinh doanh đã khá quen thuộc tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Một năm trở lại đây, Phố núi Pleiku xuất hiện ngày càng nhiều những cửa hàng kinh doanh hàng đồng giá. Đây được coi là cách mua bán đánh vào tâm lý khách hàng.

 

Shop thời trang đồng giá TIAMO luôn thu hút lượng khách lớn đến mua sắm. Ảnh: Hồng Thi

Chị Trần Kim Chi-chủ nhân của “Shop giày đồng giá 89.000” được coi là người tiên phong mở màn cho xu hướng kinh doanh này ở Phố núi. Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và có hơn 4 năm làm việc gắn bó với mảnh đất Sài Gòn đô hội, chị đã nắm bắt gần như trọn vẹn xu thế cùng các loại hình kinh doanh hiệu quả tại đây. Năm 2013, chị cùng chồng trở về quê nhà sinh sống (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) rồi quyết định thử sức với mặt hàng giày dép đồng giá. “Theo tìm hiểu của tôi thì bấy giờ Pleiku chưa có dạng cửa hàng này. Muốn kinh doanh được thì phải tạo ra cái lạ, cái mới để hút khách. Lúc đầu tôi cũng lo lắng lắm vì từ trước giờ chỉ đi làm cho công ty chứ chưa đứng ra kinh doanh lần nào. Hơn nữa, thị trường lẫn thị hiếu của khách ở Gia Lai, tôi cũng chưa thật sự hiểu rõ; chẳng biết mình bán hàng rẻ thế này họ có mua không… Rồi cuối cùng vẫn nghĩ mình phải thử mới biết thành hay bại”-chị Chi vui vẻ chia sẻ.

Quyết là làm, vợ chồng chị tiến hành thuê mặt bằng tại số 11 Hùng Vương-TP. Pleiku với giá 3 triệu đồng/tháng và lấy hàng từ một người quen ở TP. Hồ Chí Minh về bán. Tháng 3-2014, “Shop giày đồng giá 89.000” chính thức khai trương và đến nay, nhận được sự ủng hộ rất khả quan từ khách hàng. Mỗi tháng, shop mang về cho chị Chi khoảng 10 triệu đồng lợi nhuận. Khách đến mua hàng của shop đa số là người có thu nhập trung bình, các em học sinh-sinh viên. Chị Chi cũng cho biết, hiện tại, ngoài mặt hàng giày 89.000 đồng/đôi là chủ yếu, Shop cũng có bán loại giày cao gót với giá 119.000 đồng/đôi. Và thời gian tới, theo yêu cầu của khách cũng như tạo sự đa dạng, phong phú về hàng hóa, Shop sẽ nhập về các loại giày dép chất lượng tốt hơn nhưng vẫn giữ ở mức giá dưới 200.000 đồng/đôi.

Tương tự, chuỗi cửa hàng Thời trang TIAMO gồm 2 cơ sở tại số 48 Đinh Tiên Hoàng và 32 Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) cũng thu hút được nhiều khách hàng đến mua sắm với mặt hàng váy đầm đồng giá 190.000 đồng. Để đáp ứng nhu cầu của khách, mỗi tuần, cửa hàng đều nhập hàng mới về với đa dạng kiểu dáng và mẫu mã từ cơ sở 1 (42 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vũng Tàu). Nhân viên bán hàng tại đây cho biết, trung bình một ngày, shop bán ra được trên 10 chiếc đầm. Chị Thảo (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: “Là khách hàng, khi bước vào những cửa hàng đồng giá, tâm lý chúng tôi khá thoải mái. Bởi lẽ mình đã biết giá trước nên chẳng lo bị mua hớ, cứ lựa cái nào thích thì lấy, không phải kỳ kèo trả giá nữa. Hàng hóa thì rất phong phú, mình cũng có nhiều sự chọn lựa”.

 

Thực đơn tại “720O Beer” với các món đồng giá từ 29.000 đồng đến 69.000 đồng. Ảnh: Hồng Thi

Không chỉ có thời trang đồng giá, những người kinh doanh mặt hàng ăn uống, dịch vụ tại TP. Pleiku… cũng nhanh chóng khai thác triệt để xu hướng này. Cửa hàng Sim số đẹp đồng giá (35 Trần Quang Khải) hay quán “720o Beer” (08 Trần Khánh Dư) là hai trong số đó. Chủ quán “720o Beer” Nguyễn Quốc Trường bộc bạch, tiền thân của quán là “Lẫu-Nướng Xìn Đạt”, ra đời đầu tháng 6-2014. Tuy nhiên, sau vài tháng hoạt động không mang lại hiệu quả, anh Trường quyết định tạm đóng cửa để nghiên cứu tìm ra giải pháp hữu hiệu cho con đường đang đi dang dở của mình.

Nảy sinh ý tưởng phục vụ thực khách với những món ăn đồng giá, trong đó có sự chênh lệch ở mức vừa phải (khoảng trên dưới 10.000 đồng), ngày 8-11, anh Trường mở lại quán nhậu bình dân mang tên gọi mới: “720o Beer”. Các món lẩu, nướng, hải sản đều đồng giá 59.000 đồng; riêng món khai vị giá 29.000 đồng… “Tuy doanh thu bước đầu thấp hơn Xìn Đạt ngày xưa từ 1 đến 2 triệu đồng/ngày, xong tôi tin rằng tương lai, lượng khách hàng tìm đến quán sẽ ngày một đông và lợi nhuận sẽ được nâng dần lên. Hiện tại, khách phản hồi khá tích cực. Thay vì gọi một món với số lượng khá nhiều, giờ đây, họ có thể gọi nhiều món hơn; việc chế biến cũng rất nhanh chóng, không để khách phải chờ lâu. Khách đến quán đặc biệt yêu thích món lẩu của chúng tôi”-anh Trường phấn khởi cho biết.

Có thể nói, kinh doanh hàng đồng giá đã thực sự có được chỗ đứng trong lòng người bán lẫn người mua. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì, tạo nên sự hấp dẫn cũng như niềm tin bền vững nơi khách hàng là điều mà các ông chủ, bà chủ theo đuổi mô hình này không thể lơ là trong xu thế cạnh tranh hiện nay.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm