Pháp luật

Tin tức

Ban QLRPH Ia Púch để mất hơn 1.200 ha rừng: Đề nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Ia Púch để mất hơn 1.200 ha rừng sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo nguồn tin của Báo Gia Lai Điện tử, Thanh tra tỉnh đã có kết luận về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp tại Ban QLRPH Ia Púch. Đây là đơn vị được giao quản lý hơn 16.700 ha đất tự nhiên trên địa bàn huyện Chư Prông, trong đó có hơn 13.500 ha đất có rừng.
Cụ thể, qua kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp tại các vị trí là hành lang 100 m chừa lại dọc theo quốc lộ 14C và theo thống kê của Ban QLRPH Ia Púch thì có 110 hộ lấn chiếm đất làm nhà ở, làm vườn với diện tích 12,4 ha. Các hộ này chủ yếu là công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư Quốc Cường Gia Lai và Công ty TNHH một thành viên Bình Dương cùng một số hộ dân di cư tự do. Ban QLRPH Ia Púch đã phát hiện, lập biên bản vi phạm, báo cáo các trường hợp vi phạm với UBND xã, UBND huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT và có dùng các biện pháp ngăn chặn việc xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, chính quyền địa phương cũng như Ban QLRPH Ia Púch vẫn chưa xử lý dứt điểm hành vi vi phạm này.
Người dân lấn chiếm đất rừng để trồng cây nông nghiệp. Ảnh: L.G
Bên cạnh đó, căn cứ kết quả kiểm tra các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su của Binh đoàn 15 cùng các kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, Thanh tra tỉnh đã kiểm tra thực tế rừng tự nhiên và rừng trồng do Ban QLRPH Ia Púch quản lý. Tại đây, Thanh tra tỉnh phát hiện ngoài các vị trí rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm để trồng cao su của Công ty TNHH một thành viên Bình Dương được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh thụ lý điều tra thì còn có hơn 868 ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm để làm rẫy, trồng cây nông nghiệp. Đặc biệt còn có gần 360 ha rừng bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cao su. Tổng diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá lấn chiếm tính từ năm 2008 đến nay là 1.228,63 ha rừng nằm rải rác ở 20 tiểu khu.
Mặc dù diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm nhiều như trên nhưng Ban QLRPH Ia Púch chỉ lập biên bản vi phạm 62,29 ha, kiến nghị UBND xã, UBND huyện, Hạt Kiểm lâm huyện xử lý hình sự 7 vụ với 18 đối tượng; các đối tượng còn lại, đơn vị này tiến hành nhắc nhở, buộc trồng lại, phạt vi phạm hành chính, yêu cầu làm cam kết… Diện tích còn lại, Ban QLRPH Ia Púch đã không phát hiện kịp thời, không lập biên bản vi phạm, không có thống kê, báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, một số diện tích đất lâm nghiệp đã có quyết định tạm giao đất, quyết định giao đất cho các doanh nghiệp trồng cao su nhưng khi kiểm kê năm 2014, Ban QLRPH Ia Púch vẫn đưa vào là diện tích rừng trồng do mình đang quản lý, khiến diện tích rừng trồng của đơn vị lên đến gần 2.400 ha rừng, trong khi thực tế Ban QLRPH Ia Púch chỉ trồng có 222,54 ha rừng.
Ngoài các sai phạm trên, Thanh tra tỉnh cũng phát hiện Ban QLRPH Ia Púch đã thanh toán sai khối lượng các công trình nhà làm việc, xây cổng, hàng rào… với số tiền hơn 37,8 triệu đồng. Từ đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban QLRPH Ia Púch phải thu hồi số tiền này nộp lại ngân sách. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc Ban QLRPH Ia Púch để mất hơn 1.200 ha rừng sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật. 
LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm