Phòng- chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí của Đảng bộ các địa phương nói riêng. Tuy vậy, về phía báo chí địa phương muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này là điều không dễ, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố...
Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, động viên, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các cơ quan báo chí từ phía lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; đồng thời bản thân các cơ quan báo chí- nhất là những người đứng đầu cũng phải đủ tầm, có tâm, đầy trách nhiệm với bạn đọc, với xã hội; vấn đề khác nữa là sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan kiểm tra giám sát của các cấp ủy.
Ảnh: Bích Hà |
Thực trạng trên không phải không có lối ra. Kinh nghiệm cho thấy, đã có “gậy” (pháp luật cho phép) rồi, những người làm báo phải biết sử dụng cây “gậy” ấy như thế nào cho hiệu quả. Báo chí ở Gia Lai đã nhiều năm liên tục đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát hiện, phản ánh, tuyên truyền trên lĩnh vực phòng- chống tham nhũng. Trước hết công việc này phải được sự đồng tâm hiệp lực từ chính trong cơ quan mình và đồng nghiệp trên địa bàn. Thứ đến là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và sự hợp tác có hiệu quả của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy còn khó khăn khi tiếp cận những vụ việc “đáng nói” nhưng nhìn chung báo chí đã nhận được sự đồng tình, chia sẻ thông tin, động viên cổ vũ từ phía các cơ quan chức năng. Đồng thời, khi bắt tay vào việc cụ thể phải có sự chu toàn, cẩn trọng, chín chắn, làm việc bằng cả cái tâm và sự nhạy bén của nghề. Khi có được các điều kiện thuận lợi đó, báo chí đã thành công bước đầu. Trong những năm trở lại đây, hàng chục vụ việc tiêu cực, tham nhũng trên địa bàn Gia Lai được phanh phui có sự góp sức không nhỏ của báo chí địa phương là một minh chứng.
Báo chí Cách mạng nói chung và báo chí địa phương nói riêng, trong những năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, nhất là từ khi có Luật Phòng- Chống tham nhũng, có các văn bản định hướng của Đảng và lúc toàn Đảng thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã có những bước tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực tuyên truyền về phòng- chống tiêu cực, lãng phí, tham ô, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy, vạch mặt những kẻ lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
Nhiều tờ báo đã mạnh dạn vào cuộc, dám nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, cho dù sự thật ấy có thể “mất lòng”. Những cơ quan báo chí làm được điều đó, thường là những tờ báo “sạch”, biết “sờ gáy mình trước khi sờ gáy người”. Ngoài ra, đội ngũ những người làm báo phải đặt chữ “tâm” lên hàng đầu, làm việc công minh, chính trực, vì mục đích chung, hay nói cách khác cũng phải “sờ gáy mình” đã. Nói điều này để thấy tự bản thân cơ quan báo chí, những người làm báo, cũng như mọi công chức, viên chức khác phải luôn tự mình rèn luyện bản thân, cùng với rèn tay nghề, rèn đức phải được coi trọng. Trong thực tế không ít nhà báo do kém rèn luyện, lười học tập, tu dưỡng về đạo đức nên đã sa ngã, thậm chí vi phạm pháp luật, rơi vào tù tội- để rồi… “một con sâu làm rầu nồi canh”.
Công cuộc phòng- chống tham nhũng nói chung và báo chí tham gia tuyên truyền về phòng- chống tham nhũng nói riêng còn dài, còn nhiều khó khăn trở ngại, nhưng không thể không làm. Trong sạch trong Đảng và bộ máy chính quyền là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Báo chí không thể không vào cuộc, cho dù “cuộc chiến” trên mặt trận này còn đầy khó khăn thử thách!
Bích Hà