Báo động mức độ gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuy không có chất thải rắn độc hại từ các cơ sở chế biến, chăn nuôi nhưng môi trường bị ô nhiễm bởi chất thải là điều khó tránh khỏi và mức độ ô nhiễm đang đứng ở ngưỡng đáng báo động. Hầu như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư hệ thống xử lý chất thải…
Một số hộ dân sinh sống ở tổ 15, phường Thống Nhất (TP. Pleiku, Gia Lai) phản ánh: Nhiều năm nay, họ phải sống trong cảnh ô nhiễm nặng do mùi hôi thối bốc ra nồng nặc từ chế biến thức ăn nuôi gia cầm của hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Can (số nhà 28, đường 17-3, TP. Pleiku) gây ra. Bà M. (ở đường 17-3) cho biết: Do nhà ông Can quen biết với chủ vựa cá nên cứ khoảng mười ngày, nửa tháng các loại cá bán không hết, đang ở giai đoạn phân hủy được gia đình ông Can mua về chế biến thức ăn cho gà, vịt. Mỗi lần chế biến thì mùi hôi thối khuếch tán trong không khí qua các hộ dân trong vòng bán kính 50 mét (lúc gió lặng). Đây là một địa chỉ mà người dân góp ý nhiều lần về mức độ ô nhiễm môi trường nhưng rồi đâu vẫn vào đấy.
Hầm chứa chất thải gây ô nhiễm. Ảnh: L.H
Ông T. (ở đường 17-3) cho biết: Ngoài mùi hôi thối do chế biến thức ăn gây ra thì khu vực thả gà, ngan để lộ thiên rộng khoảng 60 m2 cũng bốc mùi hôi thối không kém, chưa kể một tháng đôi lần gia đình ông Can còn hút chất thải (hầm cầu) trực tiếp, không qua xử lý ra hố chứa ngoài trời và dùng để tưới rau nên cứ khoảng tầm từ 9 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút thì mùi hôi thối lan tràn trên diện rộng, các gia đình ở gần hộ ông Can quanh năm đóng kín cửa. Theo ông T. thì hôm nào trời mưa còn chịu được chứ trời nắng thì cả xóm không chịu nổi, mùi hôi thối xộc vào nhà nên buổi trưa muốn nghỉ ngơi cũng không được. Nguy hiểm hơn, người dân còn phải hít thêm thuốc chống rầy từ vườn cà phê của gia đình ở số nhà 26 đường 17-3, cứ mỗi đợt phun thuốc là hộ gia đình ông phải di chuyển đến ở nhờ nhà một người quen.
Đa số các ý kiến nêu trong đơn đều cho rằng: Không khí ở đây quanh năm ngột ngạt khó thở, các cháu nhỏ ở gần nhà ông Can thường bị viêm xoang. Đối tượng phải hứng chịu mùi hôi nhiều nhất là trẻ em và người già vì họ thường xuyên ở nhà, chưa kể các cháu học sinh hàng ngày đến nhà ông Can học kèm (vợ ông Can là giáo viên) vừa học tay vừa bịt mũi còn các cháu ở nhà ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến cũng lắc đầu ngao ngán. Ông C. (ở đường 17-3): Chúng tôi đã góp ý nhiều lần, rất chân tình, mỗi lần như vậy ông Can ậm ừ cho qua chuyện nhưng mấy năm liền vẫn không khắc phục. Theo ông C., nếu đưa ra tổ dân phố phê bình thì lại sợ mất đi tình làng nghĩa xóm. Có hôm bức xúc quá ông C. đã gọi điện đến Phòng Tài Nguyên và Môi trường nhưng họ chỉ lòng vòng, không biết thế nào nên đành chịu.
Không riêng gì hộ ông Can mà nhiều hộ dân ở phường Thắng Lợi, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) cũng đã nhiều lần phản ánh về mức độ ô nhiễm đáng báo động từ các hộ chăn nuôi trong địa bàn khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Ông  N.T N. (đường Lê Duẩn) phản ánh: Nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhưng lại xây chuồng trại giữa một khu dân cư có nhiều hộ gia đình đang sinh sống. Hàng ngày, nước thải, phân tràn ra ngoài thành một bãi sình rộng lớn, có hôm nước thải chảy đến giữa sân nhà bên cạnh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tất cả những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này hầu như không có hệ thống xử lý chất thải nên cả khu dân cư phải chịu ô nhiễm.
Ông N.T.N. cho biết thêm: Qua báo chí, chúng tôi thấy thời gian qua Phòng Cảnh sát Môi trường đã kiểm tra và xử phạt nhiều cơ sở chế biến và khu vực chứa chất thải gây ảnh hưởng môi trường, sức khỏe của người dân. Đặc biệt mới đây Báo Gia Lai cũng đã phản ánh cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm của bà Võ Thị Bé (tổ 7, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Cơ sở này hoạt động chưa có giấy phép, không thực hiện đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, đề nghị cơ quan chức năng cũng cần kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật và cấm kinh doanh nếu cơ sở nào còn tái phạm.
Trên đây chỉ là con số nhỏ trong rất nhiều cơ sở kinh doanh nằm trong khu vực dân cư gây ô nhiễm cục bộ. Hầu hết các cơ sở trên hoạt động nhiều năm liền nhưng chưa có giấy phép kinh doanh và cam kết bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết chính quyền cần tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp tại địa bàn mình quản lý để nhằm góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm cần quy hoạch vị trí hoạt động của các nhà máy, cơ sở chế biến và chăn nuôi gia súc, gia cầm xa khu dân cư để người dân được sống trong môi trường trong sạch.
Diệp Hằng

Có thể bạn quan tâm